(Bongda24h) – Barca và MU đều là hiện thân của cái đẹp, thế nên nói đến cuộc thư hùng của họ, NHM sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh Cristiano Ronaldo “đấu” Lionel Messi, về phong cách tiqui-taca quyến rũ mà Barcelona theo đuổi và lối chơi phản công nhanh như tia chớp của Quỷ đỏ. Một trận chung kết trong mơ với thế trận cởi mở đã được vẽ ra, nhưng có lẽ lời phán xét cuối cùng sẽ dành cho những… hậu vệ.
Không phải ngẫu nhiên mà Manchester đang được kỳ vọng sẽ trở thành CLB đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch ở Champions League. Họ không những sở hữu hàng tấn công thuộc hạng có “số má” nhất châu Âu, mà trên hết, tính cân xứng trong đội hình mới là nhân tố quyết định đưa họ tới đỉnh cao danh vọng trong những năm qua.
Vidic và Ferdinand: Sức mạnh đằng sau MU
Không thể phủ nhận thực tế Barcelona là đội bóng theo trường phái lãng mạn hiếm hoi còn tồn tài ở châu Âu. Với quá nửa đội hình ra sân thiên về tấn công, đội quân Pep Guardiola đã khui sâm panh mở tiệc, đưa Catalan chìm đắng trong những ngày hội kéo dài hết ngày này sang ngày khác, từ những chiến thắng đậm trước Atletico (6-1), Malaga (6-0), Lyon (5-2), Bayern Munich (4-0), Real Madrid (6-2) … “Xem Barca đá thật sướng!”, HLV Maradona đã phải thốt lên như vậy trong một lần chứng kiến những Messi, Xavi, Iniesta, Eto'o, Henry nhảy múa trên Nou Camp.
Tuy nhiên, đâu phải lúc nào những ngôi sao kể trên cũng có thể rực sáng chói lọi, bằng chứng điển hình nhất là hai trận gặp Chelsea ở bán kết. Xuyên suốt 180 phút thi đấu, Barca chỉ có được 2 cơ hội làm bàn đáng kể nhất, ấy là cú đánh đầu cận thành vọt xà ngang của Bojan tại Nou Camp và bàn thắng của Iniesta ở Stamford Bridge. Trong bối cảnh ấy, sự chắc chắn và bọc lót kịp thời của hàng thủ chính là chìa khóa quyết định đến số phận của một đội bóng. Đó là một bài toán hóc hiểm với Barca, ngay cả khi họ sở hữu đầy đủ lực lượng, huống hồ cuộc đụng độ với Chelsea đã cướp mất của Blaugrana trung vệ Rafael Marquez (chấn thương đầu gối) cùng hai hậu vệ Eric Abidal và Dani Alves (treo giò).
Barca đã có những trận thắng đậm, nhưng họ cũng để lọt lưới không ít. Ở Champions League, đội bóng xứ Catalan bị đối phương chọc thủng lưới tới 13 lần, gấp đôi MU (6). Họ là nhà vô địch có số bàn thua nhiều nhất trong ba giải đấu lớn ở châu Âu (34, tính đến vòng 37 La Liga), trong khi MU, Inter đều để thủng lưới chưa đến 30 bàn.
MU cũng gặp thiệt thòi khi tiền vệ Darren Fletcher vắng mặt vì án phạt, nhưng sự thiếu vắng này không thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến Quỷ đỏ như nguy cơ lủng lỗ hàng thủ từ Barca. Ở MU, bất kì sự thiếu vắng nào cũng có thể được thay thế một cách hoàn hảo, và đó chính là sự khác biệt đến từ chiều sâu và tính cân xứng trong đội hình của họ.
Ngay cả O'shea cũng có một mùa giải đáng nhớ
Mùa giải 2008/09 trong mơ đã mang lại chức vô địch Premier League thứ 11 cho MU. Đây là thành quả của cả một tập thể, không những được đóng góp từ hàng công gồm toàn những cầu thủ đắt giá như Ronaldo, Wayne Rooney, Dimitar Berbatov hay Carlos Tevez. Cần phải nhắc lại rằng, cú nước rút ấn tượng ở giai đoạn hai của MU tại Premiership mùa này đến từ chuỗi 14 trận không để thủng lưới. Edwin van der Sar thực sự là người khổng lồ khó đánh bại khi trước mặt anh là cặp trung vệ thép Nemanja Vidic - Rio Ferdinand; chưa kể Jonny Evans – cầu thủ trẻ có lối chơi chín chắn trước tuổi.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng ngự, mà các hậu vệ của MU còn thường xuyên lộ diện trong vòng cấm đối phương khi đội nhà cần ghi bàn. Vidic với pha lập công vào lưới Inter, O’shea hạ gục Arsenal… là giây phút khó quên trong lòng NHM Quỷ đỏ.
Các CĐV Manchester United chắc chẳng còn lạ lẫm với cú sút mang thương hiệu “Ronaldo rocket” hay những pha đi bóng bên cánh trái, ngoặt vào vòng cấm và cứa bóng găm thẳng vào góc xa của Rooney… nhưng có lẽ bài bản mà họ sẽ thi triển với tần suất cao trong trận chung kết tới lại là những cú đánh đầu mạnh như búa bổ từ Vidic hay Ferdinand, trong các pha lên tham gia tấn công. Pique và Toure, hai cầu thủ đá trung vệ của Barca, đều có thể hình lý tưởng nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao ở khâu chống bóng bổng.
-
H.P