Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Bắn súng hoàn thành chỉ tiêu ngày xuất quân: Thế mới là…Thành Đạt!

Thứ Năm 12/12/2013 07:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Con gái đầu lòng sinh ngày 20/11 năm nay nhưng Nguyễn Thành Đạt khi đó đang tập huấn ở Hàn Quốc. Ngày 6/12 anh về nước nhưng vẫn không thể về Thanh Hóa thăm con. Cho đến bây giờ, nhà tân vô địch SEA Games vẫn chưa biết mặt con ngoài những tấm ảnh.

Đấy là những hy sinh thầm lặng và còn gì hạnh phúc hơn khi người bố trẻ đã chuyển hóa thành sức mạnh ở trên bục bắn, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Với HCV giành được hôm qua, xạ thủ Thành Đạt
Với HCV giành được hôm qua, xạ thủ Thành Đạt xứng đáng được đề cử giải "Ấn tượng Vàng SEA Games 27"

Tuổi thơ vắng cha

Đạt ngân ngấn nước mắt khi nói về cha, người mà đến nay anh chẳng nhớ nổi một ký ức. Đơn giản vì  khi cha mất, Đạt mới 4 tuổi. Cái tuổi non nớt, chưa biết gì về đời. Thế là trong ngôi nhà nhỏ ở thành phố Thanh Hóa, mẹ làm luôn cả trách nhiệm cha, chăm lo cho hai anh em Đạt. Mẹ từng dắt tay Đạt đến xin cho con được học bắn súng, khi cậu nhóc 14 tuổi Nguyễn Thành Đạt mê súng quá, ngày nào cũng lẻn vào trường thể thao Thanh Hóa xem các anh tập bắn súng những năm 1998. Mấy bác thấy cậu bé thập thò, đầu tiên là đuổi ra bởi nơi bắn súng nguy hiểm. Đạt về đòi mẹ phải đi xin cho mình được đi theo đời “súng ống”. 

Đạt kể, ngày nhỏ giấc mơ súng ống đã bám vào trí não. Nhìn thấy khẩu súng, bất cứ loại gì, anh cũng mê tít. Từ nhỏ, bắn ná thun, sau này bắn súng hơi theo các anh, các chú trong khu phố, Nguyễn Thành Đạt luôn gây sửng sốt ở mức thiện xạ. “Em bắn chim không cần ngắm nhiều. Đưa ná thun, hoặc súng hơi lên rất nhanh và “pặc” một phát là phần lớn trúng đích”.

“Con nghĩ kỹ đi, chọn học hành tốt hơn chứ đi bắn súng không ổn lắm”, mẹ hỏi Đạt thế nhưng chỉ nhận được sự cương quyết. Thương con, mẹ anh lại phải đến xin các HLV. Và rồi, bác Thay (Đạt không nhớ tên) và HLV Trương Anh Dũng, những người chứng kiến sự đam mê, đã nhận cậu bé, đó là năm 1999. Cho đến nay, mẹ vẫn là người luôn đồng hành với những ước mơ, sở thích của con. Mẹ dạy Đạt phải sống ngay thẳng, không được đầu hàng bất cứ khó khăn, thử thách nào. Có lẽ, hoàn cảnh đã khiến bà phải hướng cho con những phẩm chất của một người trụ cột gia đình sau này.

“Đừng từ bỏ mơ ước của mình…

…Khi mình còn nghĩ đến nó”. Đấy là lời của chuyên gia Hàn Quốc, đang là thành viên của đội tuyển bắn súng Việt Nam. Cô Nhung (HLV Nguyễn Thị Nhung) thì luôn dặn Đạt rằng: “Trong bắn súng, năng khiếu là quan trọng, nhưng cần cù chịu khó rèn luyện liên tục mới là quyết định. Đó cũng là những lời dặn mà tân vô địch SEA Games 27 luôn nhớ kỹ.

Đạt nói thẳng mình không có gì nổi trội về chuyên môn. Kể cả đường đi đến HCV anh cũng không phải đạt điểm số cao, mà do may mắn ủng hộ. Đấy là cách nói nhưng sự cần cù chịu khó của Đạt thì có lẽ chẳng thua ai. Anh xác định đã bỏ tất cả để theo súng thì phải sống chết với nó, dù đời bắn súng luôn đầy trắc trở.

Năm 1998 được thu nhận, chưa thể “bế” và làm chủ khẩu súng, Đạt chỉ ăn rồi đi chạy, tập tạ nâng thể lực, tập điều hòa nhịp tim. Phải đến năm 2000 Đạt mới được cầm khẩu súng, siết cái cò. Đấy là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Thế nhưng, đã 13 năm nay, có cắn răng tập luyện kiểu nào thì thành tích của Đạt cũng nhàn nhạt. Được gọi vào ĐTQG lần đầu tiên năm 2010 cũng thế. Trong khi đó, đội tuyển băn súng còn nhiều tên tuổi số má, BHL vẫn phải ưu tiên. May mà Vũ Thành Hưng lớn tuổi chia tay đội tuyển thì Đạt mới có cơ hội được nhiều người biết đến.

Như thế mới thấy một quá trình “nằm gai nếm mât” há ghê gớm với xạ thủ xứ Thanh. Anh vẫn lặng lẽ, miệt mài tập luyện, chờ thời cơ đến với mình.

Đạt xứng đáng là một tấm gương, về nghị lực vươn lên của một người có hoàn cảnh đơn côi ngay từ nhỏ, nhưng đã biết nuôi dưỡng ước mơ, tình yêu môn bắn súng để có ngày hôm nay. “Tôi nhớ con lắm”, chỉ muốn bay về ngay ôm con vào long thôi”, anh tâm sự!

Theo Thể Thao Văn Hoá

 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X