Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

"Ao làng" SEA Games: Một vòng luẩn quẩn

Thứ Hai 23/12/2013 13:49(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Người hâm mộ chắc chắn sẽ còn tiếp tục cảm giác này với SEA Games 28 được tổ chức ở Singapore.

Ở kì SEA Games 27 lần này, Đoàn thể thao Việt Nam đã phải gồng mình mới có thể bảo vệ thành công một chỗ đứng trong top 3 trên bảng tổng sắp HC. Bởi, rất nhiều những môn thi đấu thế mạnh của Việt Nam, có cả những môn Olympic bị chủ nhà Myanmar cắt bỏ.

Liệu sẽ có thêm nhiều Lê Bích Phương?
Liệu sẽ có thêm nhiều Lê Bích Phương?

Gần như chắc chắn hoàn cảnh trớ trêu trên sẽ tiếp diễn ở SEA Games 28 ở Singapore sau hai năm tới khi các môn thi đấu tiếp tục bị xóa trộn theo chiều hướng có lợi cho nước đăng cai. Và theo những nhà làm thể thao, nếu kịch bản mà Singapore công bố trong buổi lễ bế mạc SEA Games 27 vào đêm qua được giữ nguyên thi coi như Việt Nam đã “chấp trước” đối thủ 30-40 HCV.

Cụ thể, theo danh sách những môn thi đấu sơ bộ mà Singapore công bố. SEA Games 28 sẽ có tổng cộng 30 môn tranh tài gồm nhiều môn còn lạ lẫm với thể thao khu vực Đông Nam Á như Bowling, Bóng bầu dục, Khúc côn cầu, Wakeboard & Waterski. Trong khi đó, những bộ môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic như Karatedo, Cờ vua, Thể hình, Boxing, Vật… lại bị cắt bỏ.

Và nếu chiếu theo thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 27 vừa qua, gần như Việt Nam đã mất trắng 30 HCV, đặc biệt là ở môn Vật (10 HCV). Bất chấp việc sẽ có sự trở lại của Đấu kiếm và Thể dụng cụ - hai môn thế mạnh của Việt Nam thì cũng không đủ để bù đắp bởi Singapore đang tính đưa thêm rất nhiều môn thi đấu lạ lùng, là thế mạnh của họ vào những môn tranh tài SEA Games 28. 

Một vòng luẩn quẩn các môn thi đấu chỉ phù hợp với nước đăng cai đã, đang và sẽ làm chương trình thi đấu của SEA Games liên tục bị biến dạng liên tục, không sát với sự phát triển chung của thể thao thế giới.Điều này chắc chắn sẽ khiến không chỉ riêng Việt Nam mà còn các cường quốc khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia gặp khốn khó khi cứ phải hai năm một lần đều phải thực hiện những bước công tác huấn luyện thời vụ các môn thi đấu “trời ơi, đất hỡi” để tranh chấp huy chương sau đó lại... bỏ.

Cứ thế, một vòng tròn luẩn quẩn hay nói đúng hơn là "cái ao" mà các quốc gia Đông Nam Á tự đặt ra những luật lệ ép buộc, níu chân nhau trên con đường hướng ra biển lớn là thế giới vẫn tiếp tục. Không biết đến khi nào SEA Games mới có được những kế hoạch phát triển đúng với tiêu chí Olympic – Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh?

Nói riêng về thể thao Việt Nam, những ý kiến cho rằng chúng ta không nên quá tập trung, thậm chí là bỏ hẳn SEA Games đang dần chính xác tuyệt đối. Bởi, Việt Nam có thể giành được gần cả trăm HCV ở SEA Games, nhưng khi bước ra Olympic hay thậm chí là ASIAD, con số HCV đặt chỉ tiêu thôi cũng còn chưa đếm hết đủ một bàn tay.

Bài học ở kì SEA Games 25 (2009) vẫn còn đó, khi ấy, thể thao Việt Nam xuất sắc đứng thứ nhì khu vực với 83 HCV. Nhưng chỉ một năm sau đó, ở ASIAD, thể thao Việt Nam thất bại thảm hại với chỉ 1 tấm HCV duy nhất của nữ võ sĩ Karatedo Lê Bích Phương.

Một phần cũng là do thể thao Việt Nam từ lâu đã mắc căn bệnh trầm kha – bệnh thành tích. Thể thao Việt Nam đã bị ám ảnh quá nhiều bởi tính chất ganh đua ở “vùng trũng” thể thao thế giới Đông Nam Á – nơi mà đang tồn tại những vấn đề rất tiêu cực khiến tất cả các nước bị kiềm hãm khỏi giấc mơ ở đấu trường tầm châu lục tưởng gần nhưng xa lắm, rất xa.

Cuối cùng, những nhân tố đặc biệt xuất sắc của Việt Nam tiệm cận được với trình độ châu lục, thế giới như Ánh Viên (bơi), Kim Tuấn, Quốc Toàn (cử tạ), Vũ Thị Hương (điền kinh), Nguyễn Thị Lụa (vật) hay Lừa Thị Duyên (boxing)… họ có thành công ở những đấu trường lớn, tầm cỡ hơn hay không? Hay vẫn chỉ lại luẩn quẩn quanh cái “ao làng” SEA Games?

Theo VTC

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X