Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Suất đăng cai Olympic: Hào nhoáng, tranh cãi và hệ lụy!

Thứ Ba 30/07/2024 17:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Việc làm chủ nhà một kỳ Olympic có thể coi là niềm tự hào với bất cứ quốc gia nào, nhưng phía sau vỏ bọc lấp lánh ánh vàng ấy là không ít vấn đề có thể gây ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh trong xã hội chính đất nước đăng cai.

Bài toán kinh tế

Với bất cứ VĐV nào trên thế giới, Olympic xứng đáng là đỉnh cao chói lọi nhất mà ai cũng khát khao chinh phục. Có lẽ chỉ có World Cup là sự kiện thể thao lớn hơn (hoặc được quan tâm sâu sắc hơn) Olympic. Giành suất đăng cai một kỳ Olympic chẳng khác nào lời khẳng định về tầm vóc, vị thế của quốc gia đó trên trường quốc tế, cũng là dịp để lan tỏa bản sắc của từng dân tộc tới bạn bè năm châu.

Nhưng không có bất cứ “món quà” nào là miễn phí. Olympic ngay cả khi là một đồng vàng, thì đồng vàng lấp lánh đó cũng có hai mặt. Mọi sự kiện thể thao đều là khoản đầu tư mạo hiểm với quốc gia chủ nhà. Câu chuyện một đất nước lỗ nặng sau một giải đấu thể thao tầm cỡ không phải mới và cũng chẳng là vấn đề riêng với Olympic.

Theo tính toán năm 2023 của Linkedin, kỳ Olympic duy nhất có lãi tới lúc này là Olympic 1984 tại Los Angeles. Hai huyên gia về kế toán Robert A. Baade và Victor A. Matheson tính toán ra rằng kỳ Olmpic năm đó sinh lời lên tới hơn 200 triệu USD. Một phần nguyên nhân đến từ việc cơ sở hạ tầng phát triển tại LA, cũng như thị trường tiêu thụ rất dồi dào.

Suất đăng cai Olympic Hào nhoáng, tranh cãi và hệ lụy! 1
Cảnh hoang tàn tại làng Olympic Athens sau giải đấu năm 2004

Về lý thuyết, đăng cai một giải đấu thể thao quốc tế sẽ kích thích đầu tư công. Quốc gia chủ nhà sẽ đổ tiền xây mới, cải thiện cơ sở hạ tầng, phục vụ thi đấu cũng như khách du lịch. Vấn đề thật sự chỉ đến khi giải đấu qua đi, khai thác và xoay vòng nguồn thu từ những nhà thi đấu hoành tráng, sân ga khổng lồ hay những khách sạn chật kín phòng ra sao là bài toán không dễ tìm ra lời giải.

Hy Lạp có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc tổ chức một kỳ Thế vận hội có thể tạo ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế như thế nào. Theo một bài báo được Business Insider đăng tải vào năm 2010, chi phí 9 tỷ Euro mà Hy Lạp đầu tư cho kỳ Olympic 20 năm trước chiếm tới 5% GDP của quốc gia này.

Không lâu sau khi kỳ Thế vận hội năm đó khép lại, những sân bóng xuống cấp thấy rõ, hàng loạt hồ bơi trơ đáy và nhiều nhà ga, bến tàu chỉ lác đác khách dừng chân. Chính phủ Hy Lạp đã phải tìm mọi cách (trong vô vọng) để bán, hoặc cho thuê, hoặc gán nợ một số tài sản của Olympic để cứu lấy nền kinh tế Hy Lạp đang “hấp hối”. 

Suất đăng cai Olympic Hào nhoáng, tranh cãi và hệ lụy! 2
Nơi từng là SVĐ tổ chức trận đấu ở Olympic Athens tiêu điều vì không có kế hoạch sử dụng cụ thể

Hy Lạp không thể trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư hay phát triển nền du lịch nội địa như kỳ vọng. Trái lại, Olympic 2004 kết thúc và trở thành con cờ đầu tiên đổ xuống trong một chuỗi domino khủng hoảng, đánh sập nền kinh tế của quốc gia này. Chuyện gì đến cũng phải đến, năm 2013, Hy Lạp vỡ nợ công, kéo theo đó là khoảng 30% dân số thất nghiệp.

Bài học của Hy Lạp còn chưa “nguội” thì bên kia bờ Đại Tây Dương, Brazil cũng đối diện vấn đề tương tự. Chỉ trong hai năm, quốc gia Nam Mỹ này đăng cai hai giải đấu đắt giá bậc nhất: FIFA World Cup 2014 và Olympic Rio 2016. Không quá bất ngờ khi Brazil cũng gặp khủng hoảng, có chăng quốc gia này may mắn hơn khi chưa...vỡ nợ như Hy Lạp.

Cho tới lúc này, World Cup 2014 là kỳ World Cup đắt đỏ thứ hai lịch sử (15 tỷ USD, chỉ sau World Cup 2022 ở Qatar). Còn Olympic Rio cũng là kỳ Olympic (mùa hè) đắt đỏ nhất với tổng mức đầu tư lên tới 23,6 tỷ USD. Đáng nói, kinh phí ước tính đăng cai Olympic Rio chỉ rơi vào khoảng 9,6 tỷ USD (theo Investopedia), tức số tiền thực sự Brazil phải chi ra để tổ chức Olympic Rio đã “đội giá” tới gần 3 lần.

Suất đăng cai Olympic Hào nhoáng, tranh cãi và hệ lụy! 3
Nơi từng diễn ra các môn thể thao dưới nước tại Olympic Rio cũng không thoát khỏi cảnh tiêu điều

Ba năm sau giải đấu ở Rio, nợ công của Brazil cũng tăng lên 113 triệu USD. Kéo theo đó là hàng loạt bê bối về tham nhũng, rửa tiền "tấn công" các chính khách của quốc gia này. Tới năm 2017, Ủy ban Olympic Brazil thậm chí phải "cầu cứu" ủy ban Olympic quốc tế nhưng không nhận được phản hồi.

Nhìn chung, các khoản lỗ sau khi đăng cai Olympic là điều mọi chính phủ phải lường trước. Nhưng hệ lụy về kinh tế chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi tỉ lệ thất nghiệp, làn sóng phản đối trong dân chúng mới là bài toán dai dẳng cần các nước giải quyết trước, trong và sau mỗi giải đấu.

Theo tính toán của S&P Global, kinh phí đăng cai Olympic Paris chỉ rơi vào khoảng 10 tỷ Euro - bằng 25% tính toán ban đầu. Kinh tế có thể không phải bài toán lớn với nước Pháp, nhưng hình ảnh của quốc gia này chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động sau giải đấu năm nay.

Olympic Paris và câu chuyện "hình ảnh" của người Pháp

Hình ảnh nước Pháp tại Olympic Paris đang trở thành đề tài cho tranh cãi của dư luận toàn cầu. Lễ khai mạc giải đấu đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Chủ nhà Pháp muốn quảng bá thứ văn hóa rất “phóng khoáng” (đúng với tinh thần của quốc gia này) tới thế giới. Lựa chọn ấy chẳng khác nào một canh bạc tất tay, có thể kéo theo những hệ lụy khôn lường.

Suất đăng cai Olympic Hào nhoáng, tranh cãi và hệ lụy! 4
Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 gây tranh cãi

Nước Pháp có sáng tạo không? Chắc chắn là có. Chưa quốc gia nào tổ chức lễ khai mạc như những gì nước Pháp làm năm nay. Càng chưa kỳ Olympic nào tổ chức bóng chuyền bãi biển trên bờ sông. Nhưng đó chỉ là những dấu ấn tích cực hiếm hoi giữa bức tranh chung đầy vấn đề mà người hâm mộ có thể theo dõi được tại Olympic năm nay.

Không khó để chỉ ra hàng loạt sai sót ở mức sơ đẳng của chủ nhà Pháp tại Olympic này. Trên các nền tảng mạng xã hội suốt những ngày qua, người hâm mộ đã liên tục bàn tán về việc BTC treo ngược lá cờ Olympic mang tính biểu tượng, bật nhầm quốc ca, hiển thị sai quốc kỳ của VĐV cho tới những bữa ăn nghèo nàn và cả cơ sở lưu trú ở mức…tối giản.

Việc Pháp (hay bất cứ nước chủ nhà nào khác) cố gắng cài cắm những ý đồ về văn hóa, tư tưởng hay thậm chí cả chính trị lẫn tôn giáo ở lễ khai mạc một giải đấu như Olympic là điều không mới. Nhưng sau cùng, Olympic vẫn là một điều gì đó thiêng liêng và các VĐV cũng như người hâm mộ luôn có quyền được tận hưởng giải đấu này theo cách trọn vẹn và "nguyên bản" nhất.

Còn nếu đánh giá nước Pháp dưới tư cách của một quốc gia đăng cai thì vị chủ nhà này chưa đón tiếp những vị khách khắp năm châu của mình một cách tốt nhất! Như đã nói, Olympic là dịp để một quốc gia quảng bá hình ảnh tới khắp thế giới. Sau dòng tweet “This is France”,  liệu Tổng thống Macron muốn khán giả toàn cầu nghĩ tới nước Pháp với góc nhìn như thế nào?

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X