Một điều có thể xem là may mắn với ĐT Việt Nam và cả ĐT U23 Việt Nam là mỗi lần tham dự các kỳ giải khu vực, đội bóng chúng ta đều có sự hiện diện của CĐV nhà trên khán đài. Có thể là CĐV từ Việt Nam sang, mà cũng có thể là kiều bào ở nước ngoài hoặc công dân Việt Nam đang làm việc ở xa quê hương.
Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói tới trường hợp CĐV Việt Nam là công dân Việt Nam đang làm công việc lao động phổ thông ở Bangkok mà chúng tôi đã gặp bên ngoài sân Rajamangala chiều ngày 24/11/2012 vừa qua, khi họ tới đây mua vé để vào sân theo dõi và cổ vũ cho ĐT Việt Nam. Chẳng hạn như nhóm lao động Việt Nam quê ở Hà Tĩnh mà chúng tôi đã đề cập.
Những lao động này sang Thái Lan làm việc theo hình thức visa du lịch nên mỗi tháng phải nộp phí để đi gia hạn một lần. Công việc hàng ngày của họ là sản xuất đá lạnh tại một xưởng nhỏ ở ngoại ô Bangkok, và mỗi ngày lương chỉ vào khoảng 200 baht Thái Lan (khoảng 130.000đ), nhưng khi tới sân Rajamangala, tất cả đều nhất trí cùng mua vé mệnh giá cao nhất là 520 baht để có thể sở hữu vị trí tốt nhất ngồi xem ĐT Việt Nam.
CĐV Đặng Tấn Phát và những người hạn đang làm việc tại Bangkok sẵn sàng cháy hết mình cùng ĐT Việt Nam
Khác với những CĐV từ Việt Nam liên tục theo chân ĐT Việt Nam hoặc ĐT U23 Việt Nam ở các giải khu vực, những CĐV là lao động phổ thông ở Bangkok mà chúng tôi vừa kể ở trên gần như không có cơ hội được trực tiếp xem ĐT thi đấu khi ở Việt Nam, và bởi thế, việc ĐT Việt Nam tham dự vòng bảng AFF Cup 2012 ở Bangkok với họ còn hơn cả một món quà.
Cũng vì lý do này nên dù không phải là ngày nghỉ nhưng vẫn có không ít người sẵn sàng bỏ việc để bỏ tiền thuê taxi tới sân mua vé theo dõi ĐT Việt Nam thi đấu. Bạn Trần Huy Nghệ, một lao động Việt Nam sinh năm 1989, quê ở Hà Tĩnh, cho biết: “Nói thật với anh để tìm một công việc mới ở Bangkok cũng không dễ, nhưng mấy khi ĐT Việt Nam thi đấu tại đây nên dù thế nào chúng em cũng quyết tâm đến sân để theo dõi ĐT Việt Nam chơi bóng”.
Nhưng tất nhiên chẳng phải lao động phổ thông nào ở Việt Nam cũng dám đặt đam mê với bóng đá lên cả gánh nặng cơm áo gạo tiền như Trần Huy Nghệ và nhóm bạn đồng hương của mình, bởi cũng chính Nghệ đã tiết lộ: “Nhóm lao động của em có khoảng 10 người, nhưng hôm nay chỉ 5, 6 người tới sân bóng theo dõi ĐT Việt Nam thi đấu mà thôi”.
Trần Huy Nghệ tránh không đề cập tới việc ở Việt Nam anh và bạn bè chưa bao giờ được xem ĐT Việt Nam thi đấu, nhưng chỉ nhìn cảnh Nghệ và bạn bè dáo dác đi bộ vòng quanh sân Rajamangala rộng mênh mông như một quảng trường để tìm mua đồ cổ động cho ĐT Việt Nam như trống, cờ hay khẩu hiệu là đủ để biết đây là lần đầu tiên Nghệ và các bạn trực tiếp tới sân để theo dõi một trận đấu của ĐT Việt Nam. Hẳn là Nghệ từng được nghe nói rằng quanh SVĐ QG Mỹ Đình mỗi khi có ĐT Việt Nam thi đấu luôn bán rất nhiều đồ cổ động cho ĐT Việt Nam, nên anh nghĩ rằng bất cứ SVĐ nào mà ĐT Việt Nam thi đấu cũng đều như vậy.
Chia tay Trần Huy Nghệ và nhóm bạn, chúng tôi tiếp xúc với một tốp CĐV khác, và tuy cũng là lao động phổ thông tại Bangkok nhưng thu nhập của Đặng Tấn Phát và nhóm bạn cùng quê miền Nam của mình tốt hơn hẳn Trần Huy Nghệ. Phát năm nay 27 tuổi và đang làm nghề kích ngầm cho các công trình xây dựng ngầm ở nội đô Bangkok.
Mỗi ngày công của Phát và đồng nghiệp trị giá khoảng 500 baht, nhưng Phát cũng chẳng ngần ngại bỏ ra 520 baht để mua loại vé có mệnh giá cao nhất và anh khẳng định sẽ cùng bạn bè tới đây để theo dõi cả 3 trận đấu của ĐT Việt Nam ở vòng bảng AFF Cup 2012. Khác với Trần Huy Nghệ, nhóm của Đặng Tấn Phát chuyên làm việc ban đêm nên ngay sau khi theo dõi ĐT Việt Nam thi đấu, họ sẽ phải ra công trường để làm việc ngay lập tức, nhưng dù có vất vả như thế thì tất cả vẫn rất háo hức với cơ hội được tận mắt nhìn thấy những tuyển thủ Việt Nam mà lâu nay họ chỉ biết tên và gặp mặt qua TV hay mạng Internet.
Những người như Trần Huy Nghệ hay Đặng Tấn Phát không thể giúp chúng ta biến sân Rajamangala thành “chảo lửa” Mỹ Đình ở Bangkok, bởi ngay cả với ĐT Thái Lan chủ nhà mà HLV trưởng Wilfried Schaefer còn phải lên tiếng hô hào CĐV Thái Lan tới sân ủng hộ ĐT nước này, nhưng sự hiện diện của họ trên khán đài tuy ít ỏi song vẫn rất trân trọng và đáng quý, bởi điều đó cho thấy ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào thì ĐT Việt Nam vẫn luôn được các CĐV chờ đón và mong ngóng.
Bây giờ chỉ còn chờ xem thầy trò HLV Phan Thanh Hùng làm thế nào để đền đáp sự trông đợi ấy sau khi ĐT Việt Nam đã không mang lại cho các CĐV Việt Nam cảm giác hài lòng và mãn nguyện tuyệt đối sau trận ra quân với ĐT Myanmar.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)