Cái vé dường như cũng có một số phân riêng của nó. Vậy thì giả như biết nói, cái vé sẽ nói gì về mình và những biến động quanh mình?
Một ngày đầu năm 2007, trước trận bán kết AFF Cup giữa Việt Nam – Thái Lan, phải len lỏi thật lâu và thật khó nhọc, chúng tôi mới vào nổi những điểm bán vé quanh sân Mỹ Đình. Hồi ấy, điểm bán vé nào cũng chật kín người, và mua được một cái vé thì gương mặt ai cũng mang cái nét hoan hỉ, vui mứng của một người chiến thắng. Nói là “chiến thắng” không hề ngoa, bởi người ta phải xếp hàng ở các quầy vé từ 2,3 giờ sáng, rồi phải chen lấn xô đẩy, thậm chí là “tranh cướp” nhau để có được tấm vé mình mong muốn.
Phe vé sân Hàng Đẫy ngáp ngắn ngáp dài...
Nhìn cái cảnh cả một biển người chen chúc nhau mua vé, vừa thấy tức bởi cái sự bề bộn, nhốn nhao, nhưng tức rồi, ngẫm nghĩ ra thì lại thấy mừng vì nó cho thấy sức lan toả của bóng đá với người Việt Nam mới “khủng” làm sao!
Một anh bạn làm ở tờ Bangkok Post nhìn thấy cảnh ấy, cứ giơ máy ảnh chụp lia lịa. Thế rồi, anh chép miệng nói: “Không biết bao giờ, dân Thái chúng tôi mới được sống trong không khí này?”. Quả thật, cái không khí thèm vé, khát vé, bồn chồn, lo âu vì vé đặc biệt lắm. Với ĐTVN, cái không khí ấy giống như một sự tiếp sức, vì nhìn vào đấy, các cầu thủ biết phải làm gì, và phải phấn đấu vì ai. Còn với cánh viết lách chúng tôi, cái không khí ấy như đốt lên trong lòng chúng tôi thật nhiều “lửa”, thật nhiều cảm hứng…
Vậy mà tiếc thay, tất cả giờ chỉ còn là chuyện của một năm về trước.
...Ông Calisto và các quan VFF nghĩ gì?
Bây giờ, ĐTVN lại vào bán kết AFF Cup, và lại chuẩn bị đá trận lượt đi với người Sing trên sân Mỹ Đình. Thế nhưng bây giờ, vé xem trận đấu cứ ế chỏng, ế chơ. Lướt qua một vòng sân Mỹ Đình, cả một vòng sân Hàng Đẫy - những nơi bán vé trận đấu, chúng tôi mới giật mình bởi cái cảnh các phe cứ thế ngáp ngắn ngáp dài…
Nói như một anh xe ôm ở cổng sân Mỹ Đình thì “ĐT đá đấm như thế, ế vé là phải lắm rồi!”.
Đau cho số phận cái vé hay số phận một ĐT đang làm cho cái vé rơi vào cảnh…ế hàng?
(Theo VTC)