Đó là một giải đấu lớn hơn nhiều so với 4 năm trước. 8 thành phố đăng cai, thay vì chỉ một, phát thanh trực tiếp qua sóng radio đến 12 nước có đại diện tham dự giải. Tuy nhiên, có một điểm giống với giải đấu tại Uruguay: đội chủ nhà cũng là đội vô địch. Các bàn thắng của Raimondo Orsi và Angelo Schiavio giúp ĐT Ý của HLV Vittorio Pozzo lật ngược tình thế và thắng lại 2-1 trước Tiệp Khắc trong trận chung kết tại Rome.
Sau thành công ở kỳ World Cup đầu tiên, giải lần thứ hai phải tổ chức một vòng sơ loại. Đây cũng là lần duy nhất đội chủ nhà phải tham dự vòng loại, và Ý đã đánh bại Hy Lạp để rồi sau đó đăng quang trên sân nhà. Mexico cũng là hiện tượng vô tiền khoáng hậu khi đến tham dự vòng chung kết mà không đá một trận nào. Mặc dù trước đó Mexico đã đánh bại Cuba để có vé đến Ý, ĐT Mỹ nộp đơn đăng ký vào giờ chót và đội bóng “Ba màu” đã phải đá thêm một trận loại nữa với những người hàng xóm ở Rome. Họ thua 2-4 và bị loại.
Đương kim vô địch vắng mặt
Uruguay có lẽ là sự vắng mặt đáng tiếc nhất ở giải lần này. Họ là đương kim vô địch và là ứng cử viên hàng đầu, nhưng từ chối tham dự để trả đũa cho việc Ý không đến Uruguay hồi năm 1930. Đó cũng là lần duy nhất trong lịch sử World Cup nhà vô địch không có mặt để bảo vệ danh hiệu của mình.
Người Italia lần đầu vô địch thế giới |
Argentina không có ai còn lại trong đội hình vào đến chung kết năm 1930. Hơn nữa, họ còn để mất một số cầu thủ trụ cột vào tay đội chủ nhà Ý, bao gồm tiền vệ Luisito Monti, một ngôi sao ở giải lần trước. Monti đóng góp vào chiến thắng của đội chủ nhà cùng với Atilio DeMaria, Enrico Guaita và Orsi, những cầu thủ người Argentina nhưng có tổ tiên từ Ý và đã chuyển quốc tịch.
Orsi ghi 2 bàn và Schiavo lập một hat-trick khi Ý, được chuẩn bị tốt bởi Pozzo, một HLV rất kỷ luật, khởi đầu hoàn hảo với chiến thắng 7-1 trước tuyển Mỹ ở Rome. Đó là chiến thắng lớn nhất giải, nhưng không phải là trận duy nhất đáng chú ý ở vòng một. Ai Cập, đại diện đầu tiên của châu Phi ở World Cup, gỡ hòa sau khi bị Hungary dẫn trước 2 bàn, nhưng rồi thúc thủ với tỷ số 4-2. Trong khi đó Pháp gặp phải đối thủ khó nhằn Áo và dù đã dẫn trước, cuối cùng thua ngược 2-3.
Ứng cử viên Áo
Áo đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh để trở thành một ứng viên bất ngờ cho chức vô địch, cùng với đội chủ nhà. HLV Hugo Meisl đã làm sống lại lối chơi với những đường chuyền ngắn tốc độ cao do chiến lược gia người Anh Jimmy Hogan mang đến Trung Âu khi ông dẫn dắt ĐT Thụy Sĩ vào năm 1924. Hạt nhân trong lối chơi của tuyển Áo là “Người giấy” Matthias Sindelar. Họ từng đánh bại Ý 4-2 ngay ở Florence 4 tháng trước đó. Cũng bằng lối chơi đó, Áo đã vượt qua đối thủ mạnh, cũng là hàng xóm của họ, Hungary, với tỷ số 2-1 ở vòng hai.
Tuy nhiên, trong trận bán kết Áo-Ý, trên mặt sân lầy lội vì trời mưa và khi Sindelar bị Monti kèm chặt trong suốt 90 phút, đội bóng của Meisl đã không thể triển khai lối chơi ưa thích và bị hạ gục bởi bàn duy nhất của Guaita trong hiệp 1 cho đội chủ nhà. Đây thực sự là một chiến tích đáng khâm phục với đội chủ nhà bởi lẽ họ đã chơi 3 trận chỉ trong vòng 4 ngày. Trước đó là trận tứ kết cực kỳ khó khăn với TBN. Azurri đã chiến đấu đầy quả cảm để gỡ hòa 1-1 khi họ gặp nhau 31/5. 24 giờ sau đó, TBN và Ý gặp nhau trong trận đá lại. Nhiều cầu thủ TBN không đủ sức ra sân, bao gồm cả thủ môn Zamora. Giuseppe Meazza, tiền đạo sau này được đặt tên cho sân San Siro, ghi bàn duy nhất giúp đội chủ nhà đi tiếp. TBN cho rằng họ có những bàn thắng không được công nhận trong cả hai trận đấu, nhưng điều đó không hề ngăn lễ ăn mừng náo nhiệt của cả nước Ý đang hừng hực tinh thần dân tộc.
Sức mạnh chủ nhà
Trong số 367.000 khán giả đã đến các sân bóng ở World Cup 1934, phân nửa là trong 5 trận đấu của đội chủ nhà, với mức trung bình 37.600 người một trận. Khát khao chiến thắng của người Ý lớn đến mức nhà lãnh đạo phát xít của họ, Benito Mussolini, đã ra lệnh chế tạo một chiếc cúp giống hệt cúp Nữ thần chiến thắng với kích thước nhỏ hơn, Coppa Del Duce.
Đối thủ của Ý trong trận chung kết ở Rome ngày 10/6 là Tiệp Khắc. Giống như Áo, họ là một đội bóng thuộc trường phái “sông Danube”, những đường chuyền ngắn tốc độ cao, lối chơi mượt mà êm ái với hai ngôi sao lớn nhất là thủ môn Frantisek Planicka và tiền đạo Oldrich Nejedly, người đoạt Chiếc giày vàng với 5 bàn thắng. Sau chiến thắng sít sao ở vòng một trước Romania, họ đã lật ngược tình thế để thắng Thụy Sĩ 3-2 ở tứ kết, khi Nejedly ghi bàn quyết định vào những phút cuối. Anh lập một hat-trick để giúp Áo đánh bại Đức 3-1 trong trận bán kết.
Trong trận chung kết, người ghi bàn cho Tiệp Khắc không phải là Nejedly mà là Puch, cầu thủ chạy cánh này đã làm câm lặng 50.000 khán giả trên sân PNF với một cú sút tầm thấp đưa đội “kèo dưới” lên dẫn trước khi chỉ còn 14 phút là hết giờ. Ý chút nữa thì để thua bàn thứ hai khi Svoboda sút bóng đập khung thành. Thế nhưng, phút 81, đội chủ nhà có bàn gỡ hòa quý hơn vàng khi Orsi đưa bóng qua tay Planicka. Trong hiệp phụ, Pozzo cho thấy ông không chỉ là một người kỷ luật, mà còn biết sáng tạo. HLV tuyển Ý yêu cầu Guaita và Schiavino đổi chỗ cho nhau, một quyết định hết sức thành công khi chính bộ đôi này kết hợp lại để mang về chiến thắng. Từ một quả tạt của Meazza, Guiata chuyền cho Schiavino dứt điểm và tuyển Ý lần đầu tiên vô địch thế giới.
Tổng kết World Cup 1934 tại Ý Đội vô địch: Ý + Luisito Monti, khoác áo Argentina trong trận chung kết năm 1930, cũng chơi cho tuyển Ý trong trận chung kết năm 1934. Atilio Demaria là đồng đội của anh trong cả 2 trận đó. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)