(Bongda24h) - Với những diễn biến gần đây trong thương vụ Frank Lampard, có quá nhiều nguyên cớ để các tifosi chuẩn bị được thấy một người Anh nữa trên đất Ý. Chưa vội lạm bàn về khía cạnh chuyên môn, chúng ta hãy nhìn nhận xem rào cản ngôn ngữ và văn hóa sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của "Người không phổi", tất nhiên phải giả sử trong trường hợp anh là một Nerazzurri.
Nếu Frank Lampard gia nhập CLB Inter, anh sẽ là cầu thủ đầu tiên mang quốc tịch Anh đến chơi tại Serie A với bản CV xin việc "hoành tráng" nhất trong ngót một thập kỉ qua. Từ khi danh thủ Paul Ince (cầu thủ từng chơi cho các CLB lớn của Anh như Manchester United và Liverpool, hiện tại anh vừa mới đảm nhận vị trí HLV của Blackburn Rovers) phá vỡ hợp đồng với Nerazzurri năm 1997, chưa có một cầu thủ được cho là "đẳng cấp" mang quốc tịch Anh đặt chân đến sân cỏ Calcio. Họa chăng họ chỉ chọn La Liga làm bến đỗ của mình (như Woodgate, Owen và Beckham tới Real chẳng hạn). Tuy nhiên kết quả cuối cùng thì gần như giống nhau: Thất bại!!!
Lampard trước ngưỡng cửa mới của sự nghiệp!!!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những cuộc chôn vùi sự nghiệp ở nước ngoài của các cầu thủ Anh quốc, nhưng nổi bật nhất vẫn là kém thích ứng với môi trường mới, mà thật nực cười khi ngôn ngữ đóng vai trò vật chắn đường lớn nhất. Trong khi hầu hết các quốc gia khác, không riêng gì châu Âu, các cô bé cậu bé đều phải học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai của mình thì ở chính đảo quốc sương mù học sinh tiểu học chỉ phải trải qua khóa học tiếng Pháp căn bản, sau đó là cơ hội lấy bằng ngôn ngữ GCSE, hầu hết cũng đều theo tiếng Pháp. Vì vậy đa số các cầu thủ xứ sương mùa khi ra nước ngoài thi đấu đều giống như một người "mù chữ". Họ ít khi nắm bắt được toàn bộ thông tin mà HLV cũng như đồng đội truyền đạt trong trận đấu.
Trong số các danh thủ người Anh từng chinh chiến ở nước ngoài thì chỉ có Jonathan Woodgate được coi là bậc thầy về tiếng Tây Ban Nha hồi còn ở Real, trước đó là huyền thoại Ian Rush của CLB Liverpool, người được mệnh danh là cầu thủ "không thích nói tiếng Anh" khi ông tỏ ra khá thông thái với những thứ tiếng ở từng nơi mình đặt chân đến. Rất có thể Lampard sẽ là người thứ ba, không chỉ vì anh có một cô vợ có nguồn gốc xứ Catalan - Tây Ban Nha mà còn vì anh là một học sinh thông minh từ khi niên thiếu, điều ít ai ngờ tới.
Nhiều người cho rằng Lampard và Mourinho đã từng làm việc với nhau rất ăn ý hồi còn ở Chelsea, vậy thì ngôn ngữ làm sao cản được họ? Nhưng trên nguyên tắc Inter là một tập thể gồm nhiều cầu thủ, mệnh lệnh phải được truyền đạt sao cho cả đội hiểu và hỗ trợ cho nhau, Lampard sẽ không được ưu tiên bởi những lời thủ thỉ cá nhân. Hơn nữa anh cũng cần phải có lối chơi phối hợp đồng đôi, và tất nhiên khi cần, tiếng Ý sẽ được cất lên.
Ince thời còn khoác áo Inter những năm thuộc thập niên 1990
Lampard không chỉ biết nói mỗi tiếng Anh, "Người không phổi" có thể giao tiếp bằng tiếng Pháp và nói gần như thông thạo tiếng Tây Ban Nha, do chính cô vợ Elen khổ công giảng dạy. Điều này đã từng khiến cho tin đồn anh chuyển đến La Liga thi đấu rộn ràng trên mặt báo một thời gian dài trước đây.
Trong khi tiếng Anh là một thứ tiếng thuộc nhánh miền Tây của nhóm ngôn ngữ gốc Đức trong hệ Ấn-Âu thì tiếng Ý được các nhà ngôn ngữ học xếp vào nhánh Ý-Dalmatia, một phân nhánh của nhánh Ý-Tây thuộc nhóm Rôman của hệ Ấn-Âu. Các tiếng gần tiếng Ý nhất là tiếng Napoli, tiếng Sicilia và tiếng Ý-Do Thái. Sau đó là các ngôn ngữ tại miền bắc của Ý như các tiếng Liguri, Lombard, Piemont.... Xa thêm chút nữa là các tiếng Romana, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Qua đây ta có thể thấy mối liên hệ giữa tiếng Tây Ban Nha, Pháp và tiếng Ý, dù có hơi xa, điều này khiến cho rào cản dành cho Lampard có thể bị phá bỏ. Có một Lampard khác!!! Trường Brentwood: Lampard đã từng học "trường điểm", giống như cách gọi của người Việt Nam. Anh là học sinh của trường Brentwood tại Essex, để học tập ở đây mỗi năm một học sinh phải đóng số tiền học phí trị giá 11.565 bảng Anh. Đây là ngôi trường thuộc loại lâu đời nhất nước Anh cũng như thế giới, nó được thành lập vào năm 1557, những người theo học ở đây chủ yếu là con nhà quý tộc và giới thượng lưu. Ngôi trường này thu nhận học sinh từ 3-18 tuổi ở ba cấp học: tiểu học, trung học và trung học phổ thông. Có rất nhiều tên tuổi từng theo học ở đây, nổi bật nhất là "bộ tứ hiệp sĩ" trong lịch sử của trường, đó là Sir Edwin Hardy Amies, Sir Frank Lee, Sir Nick Scheele và Sir Peter Stothard. Họ đều là các trí thức, chính trị gia, nhà bác học, doanh nhân nổi tiếng qua các thời kì của Anh quốc.
GCSE (General Certificate of Secondary Education - Bằng tổng hợp kiến thức 2): Lampard là bạn cùng lứa với người mẫu nổi tiếng Jodie Marsh, họ đều là các học sinh ưu tú của trường Brentwood và từng giành được điểm A kì thi GCSE về đề tài nghiên cứu Latin học.
Xe Ý: Ngoài chiếc xe Aston Martin DB9 sản xuất ở Anh, Lampard còn có chiếc Ferrari 612 Scaglietti được chính những công nhân Italia cho ra đời tại Modena, một thành phố nằm gần Bologna và Parma. Dường như Lampard đã chuẩn bị cho mình một "phong cách Ý" từ lâu.
51: Số bàn thắng ở Premiership và Champions League mà Lampard ghi được trong triều đại của Mourinho tại CLB Chelsea.
-
Hải Phong