Vụ Ronaldo được xem là vụ chuyển nhượng điển hình nhất và phức tạp nhất trong bóng đá hiện đại. Nơi ấy hội tụ đủ các cuộc chiến, chằng chéo các quyền lợi. Có hình bóng của các cơ quan quyền lực như FIFA, UEFA và FA. Dính líu đến cuộc cạnh tranh khốc liệt của các đội bóng hùng mạnh nhất thế giới. Không thiếu vai trò của các tay "siêu cò", những kẻ đang điều khiển bóng đá từ bóng đêm. Và cuối cùng, Ronaldo, tất nhiên cũng có quyền lợi trong đó, chỉ là một công cụ.
Trong suốt 1 tháng rưỡi xảy ra vụ Ronaldo, HLV Ferguson và BLĐ M.U chưa từng một lần chỉ trích cầu thủ người Bồ Đào Nha này. Đơn giản họ hiểu rằng, những lời nói của Ronaldo không phải là của chính anh mà là của những kẻ đứng sau. Trực tiếp nhất tay đại diện của Ronaldo, Jorge Mendes, người được mệnh danh là "siêu cò", đang sở hữu hàng loạt ngôi sao nói tiếng Bồ, trong đó có Nani, Anderson, Deco, Quaresma, Mourinho...Chủ tịch Real, Ramon Calderon không ngừng tấn công MU
Trong vòng nửa tháng trở lại đây, đã có 2 quan chức cấp cao ủng hộ Ronaldo ra đi. Đầu tiên là Michel Platini, Chủ tịch UEFA. Mới đây là Sepp Blatter, qua quan điểm "nô lệ". Xét bề ngoài, họ bảo vệ cầu thủ. Nhưng thực tế, đây là những đòn tấn công nhắm vào bóng đá Anh. Với sự bành trướng của Premier League, mà đỉnh cao là kế hoạch Vòng 39, cả UEFA lẫn FIFA lo ngại ảnh hưởng của họ bị sức mạnh của bóng đá Anh nuốt chửng. Platini từng tận dụng mọi cơ hội để "quấy phá" bóng đá Anh.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)
Ronaldo nói về giấc mơ được khoác áo Real Madrid. Nhưng ai cũng nhìn thấy, Ronaldo ra đi là vì tiền. Theo tính toán, nếu ký hợp đồng 5 năm với Real Madrid, Ronaldo tổng cộng kiếm được tổng cộng 150 triệu bảng từ lương, bản quyền hình ảnh, quảng cáo... Với bất cứ ngôi sao nào, đã cả đời chưa chắc kiếm được chừng đó. Bởi thế, Ronaldo từng nhắc rằng: "Cơ hội này chỉ đến một lần".
Nếu Ronaldo ở lại M.U, Mendes chẳng kiếm được bao nhiêu. Nhưng nếu Ronaldo đến Real Madrid với giá 70 triệu bảng, tiền hoa hồng mà Mendes kiếm được lên đến 10 triệu bảng. Bởi thế, Mendes điều khiển những lời nói của Ronaldo, một cách có hệ thống và mục đích cuối cùng là làm sao để M.U đồng ý bán.
Theo nghi vấn của nhiều chuyên gia, Real Madrid cũng đứng đằng sau những lời phát biểu bạo gan của Ronaldo. Tùy theo tình hình thực tế trong mối quan hệ với M.U, Real "khuyên" Ronaldo nên nói gì, hành động như thế nào. Real Madrid muốn có Ronaldo bằng mọi giá, mọi cách. Nếu có Ronaldo, họ sẽ mạnh lên trông thấy. Nếu mất Ronaldo, sức mạnh của M.U sẽ giảm rõ rệt. Và không phải M.U không nhận ra điều đó. Trước đây, các đội bóng thường không bán ngôi sao cho các đối thủ ở nội địa.
Với M.U và Real Madrid thì khác. Họ là đối thủ trực tiếp của nhau trên thương trường (2 đội bóng kiếm tiền nhiều nhất thế giới) lẫn cầu trường (cụ thể là Champions League). Một năm sau khi bán Beckham của Real Madrid, M.U đánh mất vị trí số 1 về kiếm tiến mà họ thống trị suốt 8 năm trước đó. Trong năm đầu tiên có Beckham, Real bán được 1 triệu chiếc áo số 23 (số áo của Becks), doanh thu tăng đột biến 67% và chiếm luôn vị trí số 1 của M.U.
Trong cái ngày mà 2 đội bóng Anh là M.U và Chelsea bước vào trận CK Champions League, Platini lên tiếng chỉ trích bóng đá Anh đang đi sai hướng, quá lạm dụng cầu thủ ngoại, dẫn đến thất bại của ĐT Anh tại EURO 2008. Blatter thì bô bô kêu gọi chủ trung "6+5" (6 cầu thủ nội, 5 ngoại trong đội hình xuất phát), với mục tiêu tấn công là bóng đá Anh (bộ tứ đại gia Anh đều mạnh nhờ cầu thủ ngoại).
Quan điểm "nô lệ" của Blatter đúng là lố bịch. Nhưng nó đang gây ảnh hưởng ghê gớm, trong thời điểm hàng loạt ngôi sao như Ronaldo, Adebayor, Hleb, Lampard... đòi ra đi, chuyển đến Liga và Serie A. Nếu không quyết tâm đi, họ coi như chấp nhận kiếp "nô lệ"?