(Bongda24h) – Có chứng kiến 90 phút trên sân Mỹ Đình trong trận đấu Việt Nam tiếp “sư tử biển” Singapore, người ta mới thấy nhà ĐKVĐ của giải đấu cao nhất Đông Nam Á chẳng mạnh như lời đồn thổi. Họ chưa đạt đến tầm “ngáo ộp” như Thái Lan để chúng ta phải kiêng sợ.
Bài viết tham dự cuộc thi “Nếu bạn là chuyên gia“
Hàn Quốc Chiến 31/44, Nhân Hòa, Nhân Chính, Hà Nội
Trong cái “ao làng” Đông Nam Á, Thái Lan vẫn đang chứng tỏ họ là cường quốc túc cầu số 1. Vì vậy mà đội tuyển chúng ta cứ bao nhiêu lần đụng độ người Thái là bấy nhiêu lần nơm nớp lo sợ kịch bản quen thuộc xảy ra, thua và thua. Đúng hơn, đó là cái dớp mà Việt Nam vấp phải mội khi chạm trán “ngáo ộp” Thái Lan. Nói như một vài chuyên gia, Việt Nam đã thua ngay từ trong tư tưởng.
Việt Nam đã có đôi chút lo ngại người Sing trước trận đấu
Bên cạnh Thái Lan, Singapore được cho là đối thủ tầm cỡ nhất khu vực. Chẳng vậy mà đội bóng quốc đảo Sư tử đã 3 lần vô địch Tiger Cup (1998) và sau này là AFF Cup (2004, 2007), ngang ngửa với thành tích của người Thái. Nói cho dễ hiểu, Singapore và Thái Lan đang một tay áp đặt quyền lực trong làng bóng đá Đông Nam Á. Hơn nữa, họ lại đang là nhà ĐKVĐ và tràn đầy tự tin vào cú hat-trick lên ngôi vương 3 lần liên tiếp. Thầy trò HLV Radojko Avramovic đã thể hiện rõ điều đó ngay từ vòng đấu bảng. Họ dễ dàng kết thúc vòng bảng với vị trí số 1, ghi được 10 bàn thắng và chỉ để thủng lưới đúng 1 lần. Đáng chú ý nhất vẫn là thắng lợi 2-0 trước Indonesia ngay trên “chảo lửa” Bung Karno, Jakarta. Với bộ khung chính đã giúp “sư tử biển” lên ngôi ở ĐNA, Singapore đang có trong tay một đội hình vừa đẳng cấp, lại có cả kinh nghiệm.
Dễ hiểu tại sao khi Việt Nam đụng người Sing tại bán kết, NHM lại e dè đến vậy, thậm chí nhiều người còn ước đối thủ của chúng ta là Indonesia, thay vì Singapore. Họ có một HLV quá am hiểu bóng đá khu vực cũng như ĐTQG, Radojko Avramovic, người đã một tay lèo lái và kiến thiết đội bóng xứ đảo từ năm 2003 đến nay. Thêm vào đó là sự bổ sung kịp thời của những ngoại binh nhập khẩu chất lượng như John Wilkinson hay Aleksandar Duric (đều được nhập quốc tịch Singapore cuối năm 2007).
Ấy vậy mà trên sân Mỹ Đình tối qua, ĐT Việt Nam lại là “ngáo ộp” thực sự của Singapore. Kể từ đầu giải đấu đến giờ, NHM mới được chứng kiến đội tuyển chúng ta thực thi lối chơi nhanh tài tình và gắn kết giữa các tuyến đến vậy. Cũng từ đầu giải đến giờ, người ta mới thấy nhà ĐKVĐ chơi nhợt nhạt, yếu bóng vía và bạc nhược đến thế.
Nhưng Singapore lại không dữ dằn như người ta tưởng
Nói như Avramovic trong buổi họp báo sau trận đấu, người Sing đã rất may mắn khi không để thủng lưới trên sân khách. Ông thầy người Serbia thừa nhận các cầu thủ của mình đã “cóng” trước lối chơi tấn công nhanh, đa dạng và đầy kỹ thuật của ĐT Việt Nam, đặc biệt là trong hiệp một. 11 cầu thủ đội khách có mặt trên sân, nhưng không chơi bóng mà chỉ quan sát như những kẻ bù nhìn, chính Avramovic đã phải thốt lên như thế.
Không “cóng” sao được khi đối thủ của họ lại bất ngờ lột xác đến khó tin. Chắc chắn trong khâu phòng ngự, lợi hại với bài tấn công biên, ĐT chúng ta đã làm người Sing câm lặng trong suốt 90 phút. Thậm chí họ còn không tung nổi một cú dứt diểm đáng kể nào về phía khung thành Hồng Sơn. Gặp phải Như Thành, “Vua phá lưới” AFF Cup hiện thời là Agu Casmir (4 bàn, bằng với Budi Sudarsono của Indonesia), cũng trở nên hậu đậu và vô hại đến khó hiểu.
Xem ra, lời nhận xét “Mỹ Đình chẳng khác nào Bung Karno” của Avramovic là một nhận định sai lầm. Ông coi sân khách của các đối thủ chẳng khác nào sân nhà. Nhưng ông cũng đâu biết rằng đó là thứ vũ khí tinh thần đáng kể, vẫn được ví với cầu thủ thứ 12 trong mỗi trận đấu. Chính sự cổ vũ cuồng nhiệt của các CĐV trên Mỹ Đình tối qua đã phần nào giúp các cầu thủ chúng ta chơi “nhiệt” hơn hẳn và có được thế trận trên chân người Sing.
Các cầu thủ ĐT Việt Nam mang trong mình dòng máu của Tổ Quốc
Nhiều người cho rằng trong trận lượt về ĐT Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn khi thi đấu trên SVĐ quốc gia Singapore. Nhưng điều đó chỉ đúng một phần. Tuy mất đi một lượng lớn các CĐV nhà nhưng ít nhất các cầu thủ của chúng ta cũng còn đó một thứ vũ khí tinh thần lợi hại không kém, nói quá lên một chút thì đó chính là “hồn dân tộc”.
Không một cầu thủ nào của Việt Nam mang trong mình dòng máu “ngoại”, nghĩa là họ đang chiến đấu cho chính tổ quốc thiêng liêng của mình. Ngược lại, “Tổ quốc” có lẽ là cái gì đó xa xăm với quá nửa đội hình một của Singapore. Họ vẫn đưa tay lên ngực khi quốc ca được cất lên, nhưng trong dòng máu của họ chắc chắn lại hướng về nơi nào đó xa xăm lắm.
Thử hỏi Daniel Bennett (số 16, người Anh), Precious Emuejeraye (số 6, Nigeria), Shi Jiayi (7, Trung Quốc), John Wilkinson (14, Anh), Mustafic Fahrudin (15, Serbia), Aleksandar Durić (9, Bosnia và Herzegovina) và Agu Casmir (11, Nigeria) có được tinh thần chiến đấu một mất một còn như những Như Thành, Tài Em, Công Vinh… của chúng ta? Chắc chắn là không. 5/7 cầu thủ kể trên đã có mặt trong đội hình xuất phát của Singapore trên sân Mỹ Đình nhưng không một ai đủ sức (hay ý định) vùng lên giành điểm cho đội nhà.
Còn Singapore lại chạy theo tiếng gọi chiêu mộ cầu thủ ngoại |
Âu đó cũng là sự khác biệt khiến Singapore chưa trở thành “ngáo ộp” với Việt Nam như Thái Lan. Người Thái sở hữu không ít những cầu thủ “có tình” với Việt Nam như Datsakorn Thonglao hay trước đây là Choketawee Promrut, Dusit Chalermsan, Tawan Sripan và Kiatisuk Senamuang (đều được Hoàng Anh Gia Lai cưu mang) nhưng mỗi khi trở về khoác áo ĐTQG, họ đều trở thành hung thần với ĐT áo đỏ. Những hảo thủ ấy luôn đặt hình ảnh của đất nước lên hàng đầu, và chiến đấu để bảo vệ nó.
Tiếng là đội bóng nhất nhì khu vực, nhưng trong lịch sử Singapore chưa từng tỏ ra quá vượt trội so với ĐT Việt Nam. Không những vậy, chúng ta còn là đội giành được nhiều trận thắng hơn cả. Trong 5 lần gặp nhau ở Tiger Cup và sau này là AFF Cup, Việt Nam thắng 2, hòa 2 và thua 1. Ngay cả khi Singapore được đánh giá rất cao khi vô địch năm 2004 và 2007, họ vẫn không thể thắng được Việt Nam (thua 0-1 năm 2004, hòa 0-0 năm 2007 đều ở vòng đấu bảng). Vì lẽ đó, hãy cứ mong chờ cái duyên với người Sing lại được đánh thức vào ngày 21/12.