Nhà 4 phố Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa gồm hơn 100 căn hộ, kết cấu 5 tầng, mang đủ những “đặc trưng” của một khu tập thể cũ, những năm 1980 - 1990 của thế kỷ trước: chật chội, nóng bức, trước các căn hộ là một hành lang dài với chiều rộng khoảng hơn 1m. Tuyệt đại đa số người dân đều lam lũ, vất vả. Gia đình tôi là một trong “tuyệt đại đa số” ấy!
World Cup 1990 đến với người dân phố Phan Chu Trinh trong sự háo hức, chờ đợi. Trong bối cảnh xã hội thiếu thốn đủ thứ, các hình thức vui chơi giải trí cũng chưa phong phú, đa dạng như bây giờ, người dân tìm đến bóng đá như một lẽ tất yếu, rồi đam mê, yêu thích lúc nào không hay. Trong số đó có tôi - một thằng bé đang học Tiểu học.
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi”, cũng như tôi, “nàng” năm ấy chỉ là một cô bé gầy gò, đem nhẻm nhưng lại rất hợp nhau ở các trò quậy phá. Rồi vì mâu thuẫn của “tứ thân phụ mẫu” nên mặc dù sát vách, cả hai đều không thể ra mặt kết bạn, chúng tôi chỉ có thể nhấm nháy nhau trốn bố mẹ ra khoảng sân rộng đầu phố và “chết chìm” trong những trò chơi con trẻ: Nhảy dây, ô ăn quan, trốn tìm…
Cô bạn hàng xóm hợp với tôi ở mọi góc độ, chỉ khác nhau (có lẽ là) ở một điểm duy nhất: Không ham bóng đá, nhưng nhà “nàng” có vô tuyến, còn nhà tôi thì không.
Giá như có đủ dũng khí, tôi sẽ mạnh dạn bước chân sang nhà “nàng”, bước qua xích mích của hai gia đình để… xem nhờ bóng đá. Nhưng tôi không thể nhấc tấm barie mà “người lớn” dựng lên, nhất là rào cản vô hình ấy được hỗ trợ bởi đôi mắt gườm gườm khiến tôi luôn lạnh sống lưng, từ bố “nàng”.
Vòng bảng World Cup 1990 trôi qua trong vô vị, tôi ấm ức đi tới đi lui quanh hành lang, ánh mắt như soi thủng cánh cửa gỗ nhà hàng xóm. Cánh cửa mà đằng sau nó là chiếc Samsung đen - trắng đời cũ, màn hình bé tẹo, chỉ 14 inch nhưng với tôi là cả một bầu trời mơ ước.
Và rồi tôi cũng được thưởng thức World Cup 1990 với sự “trợ giúp” của cô bạn láng giềng theo cách chẳng giống ai. Đó là trước mỗi giờ bóng lăn, “nàng” lại đóng vai một fan của túc cầu giáo, bật TV vừa đủ nghe và không quên mở hé cánh cửa để tôi có thể thỏa đam mê với môn “thể thao vua”.
World Cup 1990 trôi qua khe cửa trong sự phấn khích tột cùng khi Argentina lần lượt vượt qua Brazil (loại trực tiếp) rồi Nam Tư ở Tứ kết. Tôi đắm mình trong những pha bóng mê hồn của Serrizuela, Burruchaga, Maradona, Troglio, Dezott cùng đồng đội, quên bẵng - đúng hơn là không quan tâm đến cô bạn láng giềng đang gồng mình trước màn hình vô tuyến, căng mắt chống cơn buồn ngủ.
Tôi biết, với “nàng”, không yêu bóng đá mà vẫn phải khổ sở theo dõi thì chẳng khác gì cực hình.
Các vũ công Tangobước vào Bán kết gặp đội tuyển Ý (20h ngày mùng 3/7/1990). Trước cái nhướn mày của cô bạn làng giềng như muốn hỏi: “Tối nay có xem không?”, tôi đã gật đến sái cả cổ. Đúng “giờ G”, cánh cửa nhà hàng xóm lại mở he hé và “thằng tôi” lại lấp ló ngoài hành lang, nín thở dõi theo từng tình huống.
Phút thứ 67, khi “đứa con của thần gió” - Claudio Paul Caniggia sút tung lưới đội chủ nhà, đưa trận đấu trở về thế cân bằng, tôi như quên mất vị thế của mình, quên cả “mối thù” giữa hai nhà, không ngừng vỗ tay, nhảy nhót liên hồi.
Từ trong nhà, bố “nàng” chạy vội ra, mở tung cửa và sững người trước khuôn mặt đang chuyển từ màu xanh sang xám ngoét của tôi. Nhưng thật may là ông chỉ lừ mắt rồi quay trở vào. Chờ cho “sóng gió” tạm lắng, cô bạn hàng xóm giả bộ ra ngoài làm động tác vứt rác để mở rộng cánh cửa đồng thời giơ tay suỵt khẽ. Tôi gật đầu, dằn lòng phải hết sức kìm nén cảm xúc.
Nhưng tôi chỉ có thể im lặng trong quãng thời gian thi đấu còn lại và cả 2 hiệp phụ, còn khi Argentina cùng Ý phân thắng bại bằng loạt “đấu súng” cân não trên chấm 11m thì tôi không thể “giữ được mình”. Pha sút trượt luân lưu của Serena (Italia) đã đá văng cơ hội tranh Cúp vàng của người Ý. Argentina vào Chung kết thật rồi.
Từ hành lang chật hẹp, tôi bay người lên không, hò hét vang trời. Giữa đêm khuya vắng lặng, tiếng hét của tôi đã đánh động (có thể là làm thức giấc) ít nhất 3 người: bố - mẹ tôi và bố “nàng”!
Bố “nàng” lao ra đóng sập 2 cánh cửa, rít qua kẽ răng: Cút về đi! Mẹ tôi mắt nhắm mắt mở kéo tuột tôi vào nhà nghiêm mặt:
- Mẹ cấm, từ nay mẹ cấm nghe chưa!
Bố tôi thì không nói gì, ông chỉ trầm ngâm nhìn trần nhà rồi lặng lẽ buông tiếng thở dài.
Những ngày còn lại của “mùa hè Italia 90” qua đi trong sự hụt hẫng, tiếc nuối đến vô hạn.
Tôi không có cơ hội chứng kiến hình ảnh Argentina thất thủ trước người Đức trong trận cầu cuối cùng của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và quan trọng hơn, sau đợt nghỉ hè dài ngày tại quê nội, khi trở lại khu tập thể, tôi đã đứng lặng cả giờ đồng hồ ở hành lang khi hay tin gia đình cô bạn láng giềng vừa chuyển chỗ ở.
Kể từ kỳ World Cup qua khe cửa năm ấy, đến nay, tôi đã được thưởng thức trọn vẹn nhiều giải vô địch bóng đá lớn khác với đầy đủ bia lon, đồ nhậu trong không khí sôi động cùng chúng bạn.
Song rất nhiều bận tôi đã thẫn thờ trước màn hình máy chiếu cực lớn, lặng nhìn các trận cầu đỉnh cao bằng sự bàng quan, thậm chí là vô cảm: Hình như World Cup năm nay kém hấp dẫn, thiếu một thứ gì rất khó gọi tên!
Phải chăng là cảm giác “thập thò” , “lén lút” ngày nào? Hay vì chẳng có hình ảnh người bạn tuổi thơ bên chiếc TV cổ lỗ sĩ năm xưa? - những kí ức đã một đi và vĩnh viễn không quay trở lại.
World Cup đã cho tôi những kỷ niệm khó quên nhưng có giúp tôi tìm lại được người bạn thơ ấu? Hy vọng cô bạn láng giềng năm ấy đọc được những tâm sự này và liên lạc với tôi, dẫu niềm tin đó rất mong manh!
Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Phạm Hoàng Mạnh Hà
Độc giả có thể gửi bài dự thi về email gocbandoc@bongda24h.vn, những bài viết chất lượng tốt sẽ được đăng tải trên chuyên mục Ấn tượng World Cup và có cơ hội giành những phần thưởng hấp dẫn của chương trình. Xem chi tiết thể lệ cuộc thi TẠI ĐÂY! |