Martins Trindade chưa ghi nổi một bàn sau 8 vòng. Mùa trước anh ghi được 16 bàn. Moses không được trọng dụng ở Thanh Hóa nhưng khi về với Quân khu 4 đang là một chân sút lợi hại. Timothy đang rực sáng ở Đồng Tháp nhưng không có gì đảm bảo anh sẽ ghi bàn sòn sòn nếu chuyển qua chơi ở một đội bóng khác, dưới quyền một HLV khác.
Có thể kể ra khá nhiều những trường hợp mà hiệu quả thi đấu thay đổi theo môi trường chơi bóng, như Valdinei trước đá ở Sông Lam khá hay giờ trở nên tầm thường ở T&T HN; như Mota bị Thể Công đẩy ra đường giờ lại là ông chủ khu trung tuyến của Quân khu 4. Ngay cả các cầu thủ nội cũng rơi vào tình trạng đó, như trường hợp của tiền đạo Ngọc Thanh, mùa trước ghi chục bàn, mùa này vẫn chưa một lần lập công.
Họ tự tồi đi hay họ là nạn nhân?
Người ta thường hay nghĩ ngay tới một khả năng: các cầu thủ sau khi đã đạt tới một mức nào đó, trở thành một cầu thủ được thừa nhận, và được xếp vào hàng ngũ những người nhận lương khủng (cột mốc từ 7000 USD/tháng trở lên), họ không còn chơi bóng với sự hăng say và không còn lao động miệt mài nữa. Nói tóm lại họ trở nên kém cỏi đi là vì chính họ, là sự đi xuống tất yếu của những cá nhân bị nhiễm virus bệnh sao.
Cũng không phải không có lý, vì đã có khá nhiều những trường hợp như vậy. Những cầu thủ ngoại trước nay chỉ kiếm được 1-2.000 USD mỗi tháng và chỉ là những cầu thủ đá bóng “phủi” bỗng nhiên trở thành triệu phú, được cung cấp đủ điều kiện để sống vương giả ở Việt Nam, được CLB sủng ái và giới truyền thông gọi là ngôi sao. Nó cũng giống như trong cuộc sống, một người vốn sống trong cảnh bần hàn lại không có nền tảng kiến thức, văn hóa thật vững, bỗng chốc giàu có, thì thường chỉ nghĩ cách tiêu tiền chứ không biết cách giữ tiền hay làm cho nó sinh sôi nảy nở.
Tuấn nhím là người biết sử dụng Martins Trindade hiệu quả nhất |
Nhưng bóng đá phức tạp hơn rất nhiều. Để một cầu thủ phát huy được khả năng của anh ta, cần có môi trường, trong đó có vai trò của HLV trưởng, người xây dựng lối chơi, lựa chọn chiến thuật và khai thác tiềm năng của mỗi cầu thủ. Điều đó đặc biệt quan trọng với những cầu thủ thuộc diện chạy và sút, đâm lao và tì đè bằng sức, bằng số cân nặng vượt trội của trọng lượng cơ thể.
Cũng có những trường hợp, có cầu thủ chơi qua mấy đời HLV ở một CLB nhưng vẫn nguyên vẹn là một cầu thủ đẳng cấp, đá chính và ghi bàn (với tiền đạo), ra sân và làm bóng, dẫn dắt lối chơi (với tiền vệ), như Kesley, Philani hay Leandro. Nhưng chúng ta vẫn có thể nghiêng về nguyên nhân, rằng tự bản thân họ đã là một cầu thủ đẳng cấp, có trình độ kỹ thuật và tư duy chơi bóng vượt trội so với mặt bằng V-League.
Ai là nghệ nhân ?
Một HLV biết khai thác tối đa khả năng cầu thủ, hoặc cao hơn nữa là nâng cấp khả năng, có thể coi là những người thành công trong việc dụng nhân.
Lư Đình Tuấn ở TP HCM không hẳn là có sở thích đi tuyển về những cầu thủ bị thải loại ở các đội bóng khác rồi biến thành những ngôi sao, nhưng quả thực ông đã rất khéo léo khi sử dụng Elenildo De Jesus và Martins Trindade.
HLV Ngọc Hảo ở Nam Định cũng được nhìn nhận như một người có khả năng khai thác tiềm năng cầu thủ với trường hợp của Amaobi, một cầu thủ nổi lên từ ngày chơi bóng ở thành Nam và giờ lại ít nhiều tỏa sáng khi trở lại với tư cách của một ngôi sao hết thời.
HLV Phạm Công Lộc của Đồng Tháp, người cũng không đánh giá cao khả năng của Timothy như một số HLV khác, nhưng lại đang sử dụng và biến anh ta thành tay săn bàn thượng thặng.
Bí quyết để thành công trong những trường hợp này đôi khi chỉ là việc xây dựng sơ đồ chiến thuật với cách phân nhiệm vụ tất cả các cầu thủ khác phục vụ bóng cho một người ghi bàn, giống như cái cách Timothy ở Đồng Tháp hay Lazaro ở Quân khu 4. Nhưng nếu chỉ như thế thì chưa đến tầm để được coi là một khả năng đặc biệt. Có những đội bóng vẫn có một lối chơi hài hòa hoặc vẫn sống sót khi không còn những cầu thủ đó trong đội hình.
Nhìn từ góc độ này, việc người ta coi Đà Nẵng hay TPHCM là đất lành hay các HLV ở đó mát tay xem ra mới chỉ là một sự thừa nhận khiêm tốn so với khả năng hay kết quả thực tế.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)