Ngoài Văn Quyến và Sỹ Mạnh (chuyển nhượng theo hợp đồng cho mượn), đã không có bom tấn cho đến ngày cuối cùng chốt danh sách giai đoạn lượt về. Điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh lạm phát, nhưng cơ bản phải khởi nguồn từ cuộc cách mạng mang tên các ông bầu.
Chuyển và nhượng…
Trước khi Sỹ Mạnh ngược ra Bắc, với đích đến là CLB Hà Nội ở giải hạng Nhất và Văn Quyến xuôi Nam để gia nhập dải thiên hà Sài Gòn FC, kỳ chuyển nhượng giữa mùa bóng 2012 đáng chú ý nhất là vụ “áp-phe” Việt Thắng từ B.BD ra Thanh Hóa. Cùng thời gian này, Đinh Hoàng Max được V.NB biệt phái nửa mùa vào xứ bưng biền trong chiến dịch trụ hạng cùng đội bóng cũ TĐCS.ĐT. Minh Chuyên cũng đã đạt được thỏa thuận về Sài Gòn FC.
Theo nguồn tin, để có được Việt Thắng cho giai đoạn lượt về, Thanh Hóa phải bỏ ra không dưới 2 tỷ đồng (chưa tính “phần trăm”), trong đó Thắng cầm một nửa (lương, cộng phí “lót tay”), nửa còn lại rót vào tài khoản của B.BD. Trước đó, nếu đồng ý với số tiền tương tự, Thanh Hóa cũng đã có thể sở hữu Minh Chuyên, nhưng cuối cùng vụ việc đổ bể và bến đỗ mới của Chuyên bây giờ là Sài Gòn FC cùng cựu Vua phá lưới V-League Almeida.Từng là kỷ lục gia trên thị trường chuyển nhượng nhưng giờ mọi chuyện với Tấn Trường thật mệt mỏi và u ám.
So với thời điểm này năm ngoái, mùa giải 2012 rõ ràng là im hơi lặng tiếng hơn nhiều. Hẳn chưa ai quên đỉnh điểm của kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải 2011 là cú “áp-phe” đình đám đưa trung vệ Đình Luật từ Sài Gòn FC ra V.HP với giá hơn 3 tỷ đồng. Đấy là một trong những nỗ lực của ban “chống xuống hạng”, khi đã có thông tin nó được thành lập từ đầu giai đoạn lượt về và đang muốn tái hiện. V.HP vẫn làm bóng đá theo kiểu giật gấu vá vai như thế.
Tình huống làm chúng ta liên tưởng đến TĐCS.ĐT ngay vào thời điểm hiện tại. Đầu mùa giải, lãnh đạo đội bóng xứ bưng biền đã hối thúc vụ chuyển nhượng Tấn Trường trong nỗ lực làm đầy két sắt quỹ hoạt động cho đội bóng và Trường dù mới gia hạn hợp đồng với đội bóng quê hương một năm trước đó, nhưng phải nhắm mắt nhấc chân. Nhiều người đã hiểu lầm Tấn Trường lại được cầm cả cục (9 tỷ đồng), nhưng thực tế không phải vậy.
Số tiền cứng 9 tỷ đồng ấy chuyển hết vào tài khoản của TĐCS.ĐT, còn Trường chỉ nhận mức lương mới cùng số tiền “bonus” không đáng kể tại Sài Gòn FC. Có tiền, nhưng TĐCS.ĐT đã không có chính sách mua sắm hợp lý tiếp theo, cho đến khi nước đến chân mới nhảy. Giờ họ gõ cửa khắp nơi, bao gồm cả việc mời lại Tấn Trường khi biết thông tin thủ môn này đang thất sủng để cầu cứu viện binh. Đúng là “mất bò mới lo làm chuồng”.
Chỉ là vạn bất đắc dĩ
Người ta đã dè bỉu, rằng có nhiều cầu thủ cả đời chỉ biết đến chuyển nhượng. Thực tế, điều này là có thật, nhưng việc cầu thủ ta phải tranh-thủ-kiếm-thêm bằng những hợp đồng liên tiếp nhau cũng chỉ là vạn bất đắc dĩ. Họ cần một môi trường thuận lợi để thi đấu, để duy trì phong độ và nuôi tiếp tham vọng, nhưng không thể nói dối được rằng họ đang cần tiền. Chỉ là kể từ ngày VPF được thành lập và nói không với việc thổi giá cầu thủ, giới quần đùi áo số đâm ra chịu thiệt thòi.
Có vẻ như trong thời buổi bão giá, cầu thủ ta đang đi ngược với xu thế chung của CLB. Đó là, trong khi hầu hết các đội bóng đều hướng tới sự ổn định về lực lượng và cả lối chơi, thì cầu thủ dường như vẫn đứng núi này trông núi nọ. “Nó không cỗ vũ cho tính ổn định cần thiết của một cầu thủ, đương nhiên rồi, nhưng nó giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống. Và thế nhiều khi phải nhắm mắt làm liều”, đấy là trần tình rất trung thực của một trong những “ngôi sao” trên TTCN với việc thay CLB như thay áo.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)