Việc thủ môn Tấn Trường kêu gào anh bị CLB Sài Gòn FC “rao bán” mà không hề được thông qua, gợi liên tưởng gì với cảnh cựu hậu vệ Minh Đức từng có lần cùng HA.GL ra Hàng Đẫy đá, bị fan CAHN cũ căng tấm băng- rôn: “Minh Đức không bằng bó rau muống”?
Thất vọng vì bị bầu Đức tung tiền lấy mất quân năm 2002, ông Hoàng Vĩnh Giang, lúc đó là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, đã tuyên bố với bầu Đức và báo chí, cầu thủ ấy trị giá không đáng một mớ rau muống, và chỉ cần bầu Đức chi ra... 500 đồng là giải phóng ngay.
Bị biến thành món hàng
Cảnh Tấn Trường bị “cò” Đại hay bầu Thụy coi như món hàng để công khai rao bán, bất chấp chủ ý của chủ nhân, chẳng có gì lạ với đội bóng này. Với “cò” Đại, nếu đòi hỏi ông hãy nghĩ tới khán giả Sài Gòn, vì thành tích đội bóng, đừng biến đội bóng thành cái “chợ cầu thủ”, thành trạm trung chuyển chính trên thị trường chuyển nhượng ở sân cỏ nội địa, là quá xa xỉ!
Ông Đại dù sao cũng như chính danh là nhà môi giới chuyên nghiệp. Trong khi đó, một thực tế khá hài hước ở bóng đá ta, phải đến năm 2009, nghĩa là khi lên chuyên được 9 năm, thì mới có nhà môi giới cầu thủ do FIFA cấp phép đầu tiên. Nhân vật đó lại không phải là dân bóng đá- ông Hoàng Nguyên, một cán bộ kiểm toán.
Văn Quyến (giữa) từng là cầu thủ nội có giá trị quảng cáo cao nhất của bóng đá VN
Ai cũng có thể là nhà môi giới cầu thủ. Các cầu thủ được “chăn” ráo riết, thậm chí từ tuyến U với đủ thành phần, với nhiều chiêu thức. Đấy mới là lý do chính khiến cho thị trường chuyển nhượng điên đảo và ảo. Giá trị của cầu thủ không phản ánh đúng thực chất trình độ chuyên môn. Một cầu thủ mới tí tài, với chiêu thức PR giỏi, vẫn có thể có giá tiền tỷ. Với thực trạng đó, ngay cả HLV, các lãnh đội vẫn thường coi cầu thủ là “món hàng” thuần túy. Họ sẵn sàng đưa về CLB mình càng nhiều càng tốt, bởi dù chất lượng có kém nhưng chắc chắn là không lỗ nếu như bán hay chuyển nhượng cho đội khác.
Khi Văn Quyến được Sài Gòn FC rải thảm, giới chuyên môn cũng bất ngờ. Lý do, ở SLNA một thời gian quá dài, Quyến đã không thể hiện được năng lực của một cầu thủ có thể đáp ứng được yêu cầu tương đối mà BHL đề ra.
Tự biến mình thành món hàng
Cách đây vài năm, một đơn vị khi tiến hành đàm phán việc tiếp nhận SLNA đã đưa ra yêu cầu bắt buộc: lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ phải giữ Văn Quyến bằng mọi giá.
Lúc đó, 2 biểu tượng như Công Vinh, Hồng Sơn đã rời thành Vinh. Huy Hoàng đã có tuổi trong khi một số cầu thủ trẻ chưa đủ tuổi để tạo nên một cảm hứng. Ánh hào quang của Quyến vẫn còn, người ta vẫn tin những phẩm chất thiên tài của anh chưa mất đi. Sức hút của tiền đạo lừng danh một thời của các sân chơi trẻ vẫn ghê gớm. Nếu rơi vào đối tượng khác, chẳng đã mất hút. Bản thân lúc đó Quyến vẫn còn làm chủ được số phận của mình. Nhưng giờ đây, anh đang có nguy cơ đánh mất tất cả.
Quyến chỉ là một, trong rất nhiều ngôi sao ở ta từng được định giá đôi chân bằng nhiều tỷ đồng, nhưng thiếu quá nhiều những phẩm chất, tính cách của một cầu thủ chuyên nghiệp đích thực để rồi giá trị bị hạ thấp.
Những quy tắc ứng xử tối thiểu của cầu thủ ta đã ổn chưa? Câu trả là chưa, bởi sự thực dụng đã quá leo thang trong bộ phận lớn thế hệ cầu thủ hôm nay. Họ lo hưởng thụ, thích nhận hơn là cho. Rất khó tìm ra hình ảnh tiêu biểu cho một cầu thủ ngôi sao, một vài đội bóng thủy chung đá vì khán giả, vì màu cờ sắc áo, vì danh dự. Thật nghịch lý khi đầy rẫy cảnh cầu thủ vừa mới chân ướt chân ráo đến CLB mới với số tiền chuyển nhượng cao ngất, nhưng chỉ thời gian ngắn là tính bài chuồn, sẵn sàng phá hợp đồng để ra đi theo tiếng gọi đồng tiền. Như thế, làm sao họ nhận được sự tôn trọng của các CLB, hay nói cách khác bị các CLB coi như món hàng là chuyện dễ hiểu. Đương nhiên, ngoài những hot girl, dư luận xã hội nói chung khó có thể dành sự thiện cảm cho cầu thủ chỉ phồng cái túi nhưng đời sống tâm hồn thì rỗng tuếch.
Trong khi đó, những scandal về sinh hoạt ngoài sân cỏ của cầu thủ thì chúng ta số một trong bức tranh chung của bóng đá Đông Nam Á.
Cầu thủ ta (ngay cả các nhân vật xếp vào hàng ngôi sao) đã có người đại diện chưa? Cũng đã có, nhưng mối quan hệ đó mới chỉ dừng ở quý mến nhau. Tham mưu, kết nối hoặc chỉ giáo bề nổi cho cầu thủ khi gặp vấn đề nghiêm trọng.
Với bóng đá ngoại, người đại diện còn là nhân vật nắm giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển hình ảnh của thân chủ mình. Cũng là một cái neo để các tài năng bóng đá không đi quá giới hạn của những chuẩn mực truyền thống.
Xây dựng “thương hiệu cầu thủ Việt”
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ bảo rằng bóng đá ta đang là điểm sáng, liệu có khả quan quá không. Việc tìm tài trợ cho 2 ĐTQG đã từng đi vào ngõ cụt khi cầu thủ bán độ, thành tích đì đẹt. Trọng tài VN cũng từng bị cấm vận đúng nghĩa. Hiện tại, thậm chí VPF còn từng tính đến phương án phải thuê trọng tài ngoại. Đến tổ chức đầu não như VFF cũng đang mất điểm nghiêm trọng.
Chúng ta đã thấy thương hiệu của cầu thủ Thái Lan từng rất có giá trong khu vực. Bằng chứng, rất nhiều cầu thủ đã sang nhận chế độ chuyển nhượng, lương cao gấp nhiều lần cầu thủ nội. Ngay cả HLV Thái Lan cũng thế, được trải thảm ở một vài CLB trong nước.
Đến như Malaysia, bóng đá nước này từng chìm trong tiêu cực, cầu thủ đi đày hàng tá, đến nay đã bắt đầu khôi phục được hình ảnh. Đã cho thấy một thế hệ cầu thủ nước này đang rất có chất. Còn chúng ta thì sao? Đến giờ phút này, nếu nói về “thương hiệu cầu thủ Việt”, nhất là hình ảnh 2 ĐTQG, cả Đông Nam Á chỉ biết là dàn cầu thủ đó nếu lên sàn chuyển nhượng thì… vô đối.
Cầu thủ có thương hiệu, anh ta phải hội tụ nhiều yếu tố ngoài chuyên môn. Có một mỏ vàng khác mà có lẽ ngôi sao nội mãi vẫn mơ khai thác, đấy là các hợp đồng quảng cáo. Chúng ta không có “ngôi sao quảng cáo”, bởi ít cầu thủ có sức lan tỏa trong xã hội với ý nghĩa tích cực. Thi thoảng, vẫn có vài anh được mời đóng quảng cáo, nhưng số tiền không thấm vào đâu, các nhãn hàng cũng ngày càng “cò con”.
Năm 2004, trong chuyến công tác ra Vinh, chúng tôi hứng kiến cảnh khán giả SLNA cào rách nát những tấm ảnh quảng cáo có hình Văn Quyến. Lý do, “thằng béo” và đồng đội vừa có trận đấu sặc mùi tiêu cực với Thể Công ở Cúp QG, nên khiến fan xứ Nghệ bốc hỏa…
Ngày xưa, giới cầu thủ bị gọi xách mé là dân quần đùi áo số. Ngày nay, họ đã giàu có hơn, có điều kiện đánh bóng hình ảnh nhưng vẫn chưa thoát khỏi những định kiến không mấy tốt đẹp từ xã hội. Tin chắc rằng, vẫn nhiều ông bố bà mẹ gia đình gia giáo không hề muốn con mình theo nghề cầu thủ, hoặc gả con cho cầu thủ.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)