Sự rút lui của hàng loạt ông bầu hoặc doanh nghiệp là kịch bản mà người ta đã mường tượng kể từ khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu khó khăn, nhưng ra đi với mức độ ồ ạt thế này hẳn là nằm ngoài dự đoán của rất nhiều người, và câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng mọi cuộc chia tay đều bắt nguồn từ lý do tài chính?
E rằng câu trả lời chưa chắc đã là có, bởi nền kinh tế dù đang khó khăn thật đấy, nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi, vẫn còn rất nhiều doanh nhân có niềm đam mê đặc biệt với bóng đá. Chỉ có điều, sau những gì đã diễn ra với bóng đá Việt Nam trong hơn 10 năm qua, hoặc là phải thừa tiền tới mức độ không biết tiêu vào việc gì cho hết, hoặc phải sở hữu trái tim bằng thép và sự kiên nhẫn cực cao thì mới có thể đổ tiền vào làm bóng đá lúc này.Cầu thủ Khánh Hòa "sốc" khi lãnh đạo CLB rút lui, bán suất lại cho Hải Phòng
Hãy thử tưởng tượng bạn phải chi ra hàng chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ một năm để nuôi đội bóng của mình, nhưng rồi đến cuối giải cũng chẳng nên cơm cháo gì, vì bạn chỉ có một đội bóng nhưng có người lại sở hữu những 2 CLB, mà cả 2 đều có khả năng tranh chấp chức vô địch, nên ngôi vị quán quân dù có “lọt sàng” thì cũng “xuống nia” chứ chẳng thể chạy ra được chỗ khác.
Hay chẳng may đội bóng của bạn phải đá những trận quyết định với một số đối thủ có “sếp lớn” đang giữ chức lãnh đạo trong bộ máy điều hành giải VĐQG. Với những đội bóng thuộc diện này thì các trọng tài dù công tâm và khách quan đến mấy cũng sẽ khó tránh khỏi việc “vuốt mặt phải nể mũi”.
Cứ tưởng tượng mà xem, 2 đội bóng cùng thi đấu trên sân, nhưng lãnh đạo của CLB này, đồng thời cũng là chức sắc có cỡ trong BTC giải, lại ngồi ngay trên băng ghế huấn luyện để soi chằm chằm thì kể cả có là trọng tài FIFA cũng phải nhìn trước ngó sau trước khi ra quyết định.
Có rất nhiều ví dụ như thế để thấy không phải vô tình mà số ông bầu hoặc doanh nghiệp nói lời chia tay với bóng đá lại ngày càng nhiều như vậy, và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trong giới kinh doanh còn có nhiều ông chủ giàu có hơn nhiều so với các ông bầu bóng đá hiện tại, nhưng họ vẫn chỉ thích chơi bóng đá phong trào chứ chẳng muốn dây dưa với bóng đá chuyên nghiệp.
Đã là dân làm ăn chân chính thì người ta luôn rất quý trọng từng đồng tiền mà họ phải đổ mồ hôi sôi máu mắt mới kiếm được, và với các doanh nhân nghiêm túc, họ luôn cảnh giác rất cao với những gì có thể gây ra hệ quả ngoài mong muốn đến tên tuổi hoặc uy tín của mình, nên đến khi nào sân cỏ Việt Nam bảo đảm được sự trong sáng và công bằng thì mới may ra họ mới nảy sinh hứng thú làm bóng đá chuyên nghiệp. Bằng không…
(Theo Thể Thao Văn Hoá)