Trong 12 tiếng vừa qua, mạng xã hội Twitter ghi nhận có hơn… 10 triệu dòng tweet đăng tải về Lionel Messi, khi anh quyết định rời Barca. Vậy đâu là nguyên nhân?
Barca không có cơ hội cạnh tranh danh hiệu
Đối với Leo, SVĐ Camp Nou đã không còn là nhà, và Barca cũng không còn là một đội bóng “Hơn cả một CLB” (mes que un club). Sau rất nhiều những thất bại như “vả vào mặt”, Lionel Messi đã đi tới giới hạn của mình, và quyết định ra đi như một điều tất yếu.
Giọt nước tràn ly cho sự lựa chọn này của siêu sao Argentina, tất nhiên là trận thua lịch sử trước Bayern Munich, một kết quả bẽ bàng và là vết nhơ không bao giờ có thể xoá bỏ. Quan trọng hơn, đây là một thất bại sau 2 thất bại cũng ‘nhục nhã’ chẳng kém ở đấu trường Champions League của họ. Bị Roma và Liverpool lội ngược dòng lần lượt 3 và 4 bàn, rồi là thảm bại 8-2 trước Hùm xám, đó không thể là một đội bóng có khả năng đua tranh cúp C1.
Chưa hết, ở ‘sân nhà’ La Liga cũng chứng kiến màn bị ngược dòng đáng hổ thẹn của Barca trước kình địch Real Madrid-không-còn-Ronaldo. Từ đội bóng dẫn đầu giải VĐQG trước giai đoạn cách ly, Gã khổng lồ xứ Catalonia bị Kền kền trắng bắt kịp và vượt qua trên bảng xếp hạng, thậm chí còn trước một vài vòng đấu và tiền đạo chủ lực Suarez đã tuyên bố đầu hàng sớm.
|
Những hình ảnh thất vọng của Lionel Messi ngày càng nhiều sau từng năm |
Ghế nóng thay đổi xoành xoạch
Có một thống kê khá hài hước liên quan tới Barca, đó là mỗi khi Ousmane Dembele ‘tỉnh dậy’ sau một chấn thương nặng, anh lại… đón chào một HLV mới – từ Ernesto Valverde, Quique Setien và giờ là Ronald Koeman. Với một siêu CLB như Barca, việc thay tướng 3 lần trong vòng 6 tháng là điều không thể chấp nhận. Đó không phải minh chứng cho sự ổn định.
Và liệu Messi sẽ nghĩ thế nào nếu được 3 HLV khác nhau dẫn dắt chỉ trong một thời gian ngắn? Chưa kể ‘sở thích’ của từng thuyền trưởng, rõ ràng mỗi chiến lược gia đều có những triết lý khác nhau. Đầu tiên, Barca không vui vì Valverde chỉ biết sống nhờ Messi (nhưng đó lại là những mùa giải mà Leo bùng nổ nhất với tư cách cá nhân).
Sau đó, họ đặt niềm tin vào ‘chuyên gia kiểm soát’ Setien và thất bại thảm hại, còn không bằng người cũ. Tất nhiên, phần lớn thất bại đó không phải lỗi trực tiếp của Setien vì không thể đòi hỏi ông giúp Barca nhuần nhuyễn chỉ sau vài tháng. Cuối cùng là Koeman, người từng khoác áo Barca khi còn thi đấu, nhưng đừng quên lối chơi của ông thiên về phòng ngự với những CLB từng dẫn dắt là Southampton hay Everton.
Và ông sẽ bắt Messi – 33 tuổi – thi đấu lùi sâu và cầm bóng đột phá từ giữa sân đến khung thành? Nghe qua đã thấy.. phải ra đi.
|
Barca chọn Koeman làm người tiếp theo, còn Messi có thể chọn Koeman làm người cuối cùng |
Nội tình rắc rối
Trong giai đoạn cách ly vừa qua, Barca trải qua 2 ‘cú phốt’ và một cầu thủ hiền lành như Messi đều phải lên tiếng vì không thể chấp nhận. Đầu tiên, thông tin họ giảm lương để ủng hộ lực lượng y tế bị khơi ra, giữa thời điểm CLB chưa thông báo chính thức với truyền thông. Ai là người rò rỉ ra thông tin đó nếu không phải một (vài) thành viên trong BLĐ? Mục đích cũng rất rõ ràng, đó là thông qua báo chí để gây sức ép ngược lên cầu thủ.
Tiếp đến, giới thượng tầng Barca một lần nữa không tôn trọng các cầu thủ, khi để GĐTT Eric Abidal (một huyền thoại CLB), lên tiếng rằng “có một vài người không hạnh phúc khi thi đấu và luyện tập”. Nhưng ‘một vài người’ đó là ai thì Abidal không nói, và điều này khiến Leo phẫn nộ vì nó gây ra mâu thuẫn cực lớn trong nội tình đội bóng.
Mới đây, điều này một lần nữa tái hiện ngay cả khi Abidal đã bay ghế, đó là Luis Suarez nổi khùng đòi hỏi sự tôn trọng từ CLB, khi anh liên tục nhìn thấy thông tin mình bị bán đập vào mắt trên mặt báo, trong khi chưa nhận được bất kỳ lời nào từ bất kỳ ai trong BLĐ. Rồi đến phản ứng của Arturo Vidal cũng nói lên điều tương tự, khi cầu thủ người Chile ví von “Nếu bạn dồn một con hổ vào đường cùng thì nó phải phản kháng thôi?”.
|
Suarez bị đá đi không thương tiếc |
Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn tới mâu thuẫn không thể hàn gắn giữa Leo Messi và CLB, bởi Bartomeu đã thực hiện rất nhiều cuộc chuyển nhượng sau lầm trong 5 năm vừa qua. Rất nhiều những cái tên không cần thiết và kém chất lượng đã được đem về, với tổng giá trị gần 1 tỷ bảng – và Barca so với 2015, chỉ có kém chứ không có hơn.
Nếu nhìn lại, cũng chỉ có 3 cái tên ít thất vọng nhất là Frenkie De Jong, Nelson Semedo và Clement Lenglet. Còn lại là những Ousmane Dembele, Griezmann, Malcom, Mina, Andre Gomes hay Coutinho – người mới lập cú đúp vào lưới… Barca.
Và để cải thiện tình hình chuyển nhượng, Chủ tịch Bartomeu sẽ làm gì? Tất nhiên là bán những người thừa và đem về những cái tên mới. Nhưng như đã nói, việc chia tay các cầu thủ đang gây ra mâu thuẫn lớn vì BLĐ Barca không xử lý khéo. Còn công tác chuyển nhượng chắc chắn phải vài năm mới có thể phục hồi và đơn giản là Barca đã… hết tiền sau vài kỳ chuyển nhượng sai lầm.
|
Lionel Messi và Joseph Bartomeu là mối quan hệ không thể hàn gắn |
Không có chiến hữu hay người thừa kế
Kể từ sau khi ‘cạ cứng’ của Messi là Neymar ra đi vào năm 2017, Barca thậm chí tiêu nhiều hơn gấp đôi số tiền bán Neymar mà vẫn không khoả lấp được khoảng trống của cầu thủ này. Anh được xem là người kế thừa Messi, kẻ thách thức Quả bóng vàng sau kỷ nguyên Si – Rô, và đã bị Barca bán không thương tiếc. Một phần nguyên nhân chính là công tác chuyển nhượng sai lầm.
Còn lại, nội lực của đội bóng hay cụ thể là lò đào tạo La Masia không còn ‘xuất xưởng’ những cái tên chất lượng. Đếm trên đầu ngón tay cũng còn thiếu, bởi lò Barca giờ may ra có Riqui Puig và Ansu Fati là sử dụng được, nhưng mong chờ những ngôi sao trẻ này ngay lập tức sát cánh cùng Messi là điều không tưởng.
Hơn một nửa cái tên trong đội hình chính của Barca đã ngoài 30 tuổi, và Barca lại mới đem về một ngôi sao nữa cũng… ngoài 30 là Miralem Pjanic, trong khi bán Arthur Melo ở chiều ngược lại. Tân binh Griezmann bị cho là mâu thuẫn, trong khi bạn thân Luis Suarez chuẩn bị ra đường. Chừng đó lý do là quá đủ để Lionel Messi quyết định ra đi và không cần phải ngoái lại nhìn.
|
Bán Neymar, Barca còn tệ hơn PSG |
Tóm tắt công tác chuyển nhượng Barca trong 5 năm vừa qua