Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Top 10 "thiên tài" không thể chuyển hoá thành "sao lớn" trong lịch sử bóng đá thế giới (Phần 1)

Thứ Ba 28/05/2013 16:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Làng túc cầu giáo từng chứng kiến không ít cầu thủ được ngơi ca là "thần đồng siêu việt" và được giới chuyên môn khen tặng hết lời trong những năm đầu khởi nghiệp. Bản thân họ cũng "phát sáng" từ khi còn rất trẻ, chỉ có điều "sớm nở thì tối tàn". Càng trưởng thành, họ càng chơi tệ đến mức tầm thường để rồi dần "biệt tích" trong đời sống bóng đá và chẳng còn được nhớ đến nhiều, ngoại trừ những người "hoài cổ". Dưới đây là 10 gương mặt tiêu biểu để lại quá nhiều tiếc nuối bởi đã không thể đạt đến đẳng cấp, tầm cỡ như kỳ vọng

1. Ariel Ortega (Năm sinh: 1974, Quốc tịch: Argentina)


Ortega bắt đầu được cả thế giới biết đến khi thi đấu đầy tự tin ở VCK World Cup 1994 bên cạnh huyền thoại muôn đời, Diego Armando Maradona. Khi đó, tất cả đều cho rằng Ortega sẽ khoác vừa vặn chiếc áo số 10 ở ĐTQG Argentina do Maradona để lại. Thế nhưng, tiền vệ này tỏ ra quá nhạt nhoà trong vai trò nhạc trưởng ở cả Albiceleste lẫn màu áo hàng loạt CLB. Ortega chỉ phần nào trở lại là chính mình khi thi đấu cho đội bóng yêu quý, đã có công đào tạo ra anh: River Plate, CLB giàu truyền thống nhất bậc nhất Argentina. Ortega đã có 3 thời kỳ khác nhau đầu quân cho River và những gì anh thể hiện vượt xa so với hình ảnh để lại ở TBN (Valencia), Italia (Sampdoria, Parma) hay Thổ Nhĩ Kỳ (Fenerbahce).

Kể ra, thỉnh thoảng Ortega cũng chứng tỏ được phẩm chất của một thiên tài xuất chúng song những khoảnh khắc đó lại hoàn toàn bị lu mời bởi thói vô kỷ luật cả trong lẫn ngoài sân cỏ cũng như bản tính "thích xê dịch", "sớm nắng chiều mưa". Những năm cuối sự nghiệp, Ortega đã chìm đắm trong rượu chè miên man và treo giày hồi năm ngoái ở một đội bóng hạng "lông" tại quê hương. Ở cấp độ ĐTQG, "gia tài" của Ortega cũng khá đồ sộ (87 trận ra sân, ghi 17 bàn) song anh có đâu được công nhận là một danh thủ vĩ đại của sắc áo xanh - trắng, nói gì đến đứng ngang hàng với "thần tượng" Maradona (có lẽ chỉ tương đương nhau về khoản bê bối mà thôi).

2. Juan Roman Riquelme (1978, Argentina)


Giống như Ortega, Riquelme chỉ có thể "nhảy múa tưng bừng" ở quê nhà chứ tại "mảnh đất hứa" châu Âu, anh đánh mất mình và không bao giờ vươn tới nổi "đỉnh cao danh vọng" như chờ đợi của tất cả. Riquelme trưởng thành và tạo ấn tượng ban đầu ở Boca Juniors, đại kình địch không đội trời chung của River Plate tại Argentina. Có lẽ, chỉ duy nhất đám fan cuồng của Boca cho rằng Riquelme của họ vẫn là một "siêu sao đẳng cấp". Nhìn chung, dưới góc độ "địa phương chủ nghĩa" thì họ chẳng sai bởi cùng Boca, Riquelme đã đoạt 5 chức VĐQG Argentina, 3 Copa Libertadores (giải vô địch các CLB Nam Mỹ, tương đương Champions League của châu Âu) và một cúp Liên lục địa (tiền thân của giải VĐTG các CLB).

Tuy nhiên, một ngôi sao "xịn" không thể bó hẹp trong một phạm vi không gian nhỏ hẹp như vậy. Thực ra, ngoài Boca, Riquelme từng thử sức ở Barcelona và Villarreal nhưng đều thất bại hoàn toàn, trong đó tệ nhất là thời gian "kinh hoàng" ở Nou Camp dưới trướng Louis Van Gaal (song có 2 năm anh khoác áo Villarreal theo diện cho mượn) khi Riquelme không thể hoà nhập vào lối chơi chung của toàn đội rồi lại mâu thuẫn trầm trọng với người thầy đáng kính. Tại "Tầu ngầm vàng", tiền vệ cũng đảm nhận trọng trách tổ chức lối chơi này thể hiện tốt hơn nhiều (chơi trên 100 trận, đưa Villarreal tới thành tích tốt nhất trong lịch sử tồn tại: vị trí thứ 3 La Liga ở mùa giải 2004-2005 và lọt vào bán kết Champions League mùa sau đó) nhưng so với kỳ vọng thì vẫn còn quá nhỏ bé. Chẳng những vậy, Riquelme lúc nào cũng nhớ Boca và quê hương da diết, khiến anh càng không thể tập trung tâm trí cống hiến để rồi đến năm 2007, anh hồi hương và đến giờ vẫn khoác áo Boca. Hồi mùa hè năm 2012, Riquelme từng giải nghệ do cảm thấy quá mệt mỏi nhưng tới đầu năm nay, anh đã tái xuất. Riquelme có gần 60 lần cống hiến cho ĐTQG Argentina nhưng dấu ấn để lại quá mờ nhạt.

3. Alvaro Recoba (1976, Uruguay)


Recoba hội tụ đầy đủ phẩm chất của một cầu thủ Nam Mỹ điển hình: giàu kỹ thuật, khéo léo, thi đấu hoa mỹ và nặng về mặt biểu diễn. Tuy nhiên, Recoba chỉ là một cầu thủ của những "khoảnh khắc đẹp" bởi anh quá thiếu ổn định và chơi bóng thiên về cảm hứng cộng thêm bản tính lười nhác trên sân, ít chịu hoạt động mà bóng đá hiện đại không bao giờ có chỗ cho những cầu thủ "đi bộ". Trong một ngày thi đấu thăng hoa, Recoba có thể phá tan bất cứ hàng thủ nào dựa trên những điểm mạnh của mình và cống hiến các màn xử lý để đời nhưng nếu hôm khác không đẹp trời thì đố ai nhận ra sự hiện diện của Recoba trên sân cỏ.

Dù một số chuyên gia cho rằng Recoba hoàn toàn đủ sức đạt nhiều thành tựu to lớn hơn trong trường hợp chuyển sang thi đấu ở một môi trường khác (Recoba đã gắn bó phần lớn sự nghiệp thi đấu đỉnh cao với Inter Milan, đội bóng luôn theo đuổi trường phái thực dụng ở Serie A, giải đấu vốn không mấy ưu ái cho các nghệ sỹ sân cỏ) nhưng không phủ nhận, bản thân Recoba đâu có chịu tự phấn đấu và vươn lên mà một cầu thủ như thế thì kể cả có sang La Liga, mảnh đất vẫy vùng phù hợp nhất, thì cũng chẳng so bì được với ai. Hiện nay, ở tuổi 37, Recoba đang sống nốt những năm cuối đời "quần đùi áo số" tại đội bóng quê nhà Nacional. Thỉnh thoảng, anh lại làm mọi người phải gợi nhớ và ... tiếc nuối về một cầu thủ tài danh song "chập chờn" bằng những pha trình diễn không lẫn vào đâu được.

4. Adriano (1982, Brazil)


Từng được mệnh danh là "Hoàng đế" song rốt cục, cái biệt hiệu đó chỉ chính xác với Adriano trong lĩnh vực .... "ăn chơi nhảy múa" chứ không phải trong môn thể thao Vua. Adriano thuộc mẫu tiền đạo "toàn năng", có sự kết hợp nhịp nhàng giữa sức mạnh, tốc độ, kỹ thuật và khả năng dứt điểm đa dạng. Chỉ có điều tiềm năng là một chuyện và phát triển được tiềm năng đó hay không lại là chuyện hoàn toàn khác mà phần lớn phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của bản thân người sở hữu. Đáng tiếc, Adriano chưa thành tài mà đã sớm mang tật. Năm 2001, sau khi được giới chuyên môn tại Brazil xưng tụng là gương mặt trẻ nổi bật nhất nước, Adriano đầu quân cho Inter Milan. Song bước đầu, Adriano phải gia nhập Fiorentina và Parma. Chỉ đến lúc thể hiện được mình, anh mới chính thức được khoác áo Nerazzurri sau vài năm chơi bóng tại Italia. Không phủ nhận, Adriano đã có thời kỳ toả sáng, lọt vào nhóm những chân sút hàng đầu Serie A (có mùa, anh ghi được gần 30 bàn) cũng như xác lập được chỗ đứng ở ĐTQG Brazil (Adriano đã thi đấu cực kỳ nổi bật ở FIFA Confederations Cup 2003) nhưng tựu trung lại, Adriano vẫn chẳng thể "thoát xác" để tiến lên những đẳng cấp cao hơn mà nguyên nhân chủ yếu nằm ở chính Adriano.

Chàng "Hoàng đế" người Brazil ăn chơi vô độ, thường xuyên bỏ tập rồi thái độ thì láo xược. Cực chẳng đã, Inter đã phải đẩy Adriano về quê nhà với hy vọng, anh sẽ tu tỉnh nhưng ai cũng biết, Brazil vốn là xứ sở hội hè nên Adriano "như cá gặp nước" và ngày càng trở nên tồi tệ. Không chịu nổi, Inter phải chấp nhận "biếu không" Adriano cho Flamengo, đội bóng xuất thân của tiền đạo này. Mùa đầu tiên (2009-2010), Adriano khiến tất cả lầm tưởng anh sẽ chính thức "làm lại cuộc đời" khi thi đấu khá ấn tượng song hoá ra, mọi thứ chỉ là nhất thời. Mùa kế tiếp, Adriano lại quay trở về bộ dạng quen thuộc sau bản hợp đồng sang AS Roma và bị đội bóng thành Rome chấm dứt hợp đồng dự định kéo dài 3 năm trong vòng có 7 tháng. Không còn cách nào khác, Adriano phải quay về nước "kiếm ăn" nhưng anh đã thực sự hết thời. Hiện giờ, chẳng đội nào chịu chứa chấp "của nợ" Adriano sau khi bị Flamengo sa thải vì không đáp ứng được yêu cầu.

5. Denilson (1977, Brazil)


Có lẽ cái tên này khá thân quen với nhiều CĐV Việt Nam bởi đơn giản, năm 2009, Denilson đã gia nhập CLB Xi Măng Hải Phòng trong một thương vụ gây sốc cho cả làng bóng đá nước nhà cũng như tạo tiếng vang ở tầm thế giới. Chắc chắn, xét về mặt hồ sơ lý lịch, không một ngoại binh nào trong lịch sử V-League hoành tráng hơn Denilson. Này nhé, anh từng vô địch World Cup 2002, á quân World Cup 1998 rồi cả Copa America (giải bóng đá vô địch Nam Mỹ) 1997. Thế nhưng, rốt cục, XMHP đã ăn phải quả lừa to đùng khi ném vài triệu USD vào một "thương binh chính hiệu". Ngoài việc biểu diễn vài đường cơ bản lúc ra mắt đội bóng trước sự săm soi của giới truyền thông Việt Nam, Denilson chẳng thể làm gì khác vì chấn thương nghiêm trọng ở đầu gối mà anh và người đại diện đã cố tình giấu nhẹm. Biết bị lừa và trước sức ép của dư luận đất cảng, XMHP đã phải ép Denilson ra sân trong trận đấu với HA.GL. Dù đã ghi bàn từ chấm đá phạt nhưng Denilson đã lộ nguyên hình một cầu thủ hết date và chẳng còn khả năng tiếp tục chơi bóng. Không thể chịu đựng lâu hơn, XMHP đã chấm dứt hợp đồng với Denilson chỉ sau đúng 3 tuần ngắn ngủi, đương nhiên phải đền bù kha khá.

Quay ngược lại lịch sử, Denilson bắt đầu được cả thế giới biết đến nhờ vũ điệu "rang lạc" trên sân cỏ ở FIFA Confederations Cup và World Cup 1998. Hồi đó, trình độ rê dắt của Denilson đã hoàn toàn làm mê hoặc các đại gia của châu Âu nhưng đội bóng thuyết phục thành công Denilson tới lục địa già thi đấu lại là một Real Betis nhỏ bé của La Liga do dám bỏ ra số tiền kỷ lục thế giới khi ấy (hơn 21 triệu bảng vào thời điểm 1998). Tuy nhiên, Denilson chẳng thể hiện được gì nhiều ở Betis ngoại trừ mấy cái kỹ thuật lừa bóng đặc trưng (nhưng sau này cũng bị đối phương dễ dàng bắt bài vì quá cũ kỹ, không được sáng tạo thêm) lại cộng thêm hay gặp vấn đề về sức khoẻ. Giá trị của Denilson mau chóng rớt thảm hại, đến mức Betis muốn bán rẻ cũng chẳng ai thèm. Bởi thế, Denilson đã miễn cưỡng gắn bó với Betis tới tận năm 2005. Về sau, sự nghiệp mới nhú của anh cũng liên tục lao dốc không phanh. Bên cạnh XMHP, Denilson còn khoác áo vài CLB khác trên khắp thế giới (Mỹ, Ả Rập Xê Út, Pháp, Brazil) và ở đâu, Denilson cũng là nỗi thất vọng. Năm 32 tuổi, Denilson quyết định giải nghệ, chấm dứt sự nghiệp chông gai của một "thiên tài nhi đồng".

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X