Thứ Ba, 24/12/2024 Mới nhất
Zalo

Premiership và những ông chủ người Mỹ

Thứ Tư 30/01/2008 07:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 

(Bongda24h) - Tính đến thời điểm này, 10/20 CLB đang chơi tại Premiership đã thuộc về nhưng ông chủ ngoại trong đó có tới 4 cái tên đã thuộc sự sở hữu của những nhà đầu tư người Mỹ.

 

Những cuộc xâm lăng

 

Ngày 28/1/2008 vừa qua, ban lãnh đạo của CLB Derby County đã chính thức công bố Andrew Appleby, chủ tịch công ty General Sports & Entertainment (GSE) sẽ là ông chủ mới của đội bóng đang đứng cuối bảng xếp hạng Premiership. Trước đó, đã có 3 CLB khác là MU, Liverpool và Liverpool cũng đã thuộc quyền sở hữu của những ông chủ Mỹ

 

Andrew Appleby trở thành ông chủ Mỹ thứ 4
 nhảy vào Premiership

Rõ ràng Premiership đang là một miếng mồi béo bở đối với những nhà đầu tư nước ngoài. Nhận thấy được tiềm năng cũng như giá trị lợi nhuận mà giải bóng đá xứ sở sương mù đem lại, những nhà đầu tư Mỹ đã cất công bay từ bên kia Đại Tây Dương để đổ tiền vào môn thể thao hái ra tiền này.

 

Cách đây 3 năm, sự kiện gia đình Glazer bỏ ra tới 800 triệu bảng  để mua CLB Manchester United đã làm nổi đình nổi đám cả thế giới bóng đá. Đúng nửa năm sau, tiếp bước Glazer, bộ đôi người Mỹ, Tom Hicks và George Gillett trở thành những ông chủ của Liverpool sau khi bỏ ra số tiền 174 triệu bảng.7 tháng sau đến lượt Aston Villa bị thâu tóm cũng bởi một tỷ phú người Mỹ, Randy Lerner sau khi cựu chủ tịch Doug Ellis đồng ý nhường lại CLB với giá 62,6 triệu bảng. Với số tiền 50 triệu bảng bỏ ra để mua Derby, Appleby sẽ là ông chủ người Mỹ thứ 4 sở hữu một CLB của Premiership.

 

Liệu đồng tiền có thay đổi được số phận?

 

Để có được những số tiền khổng lồ ấy, Glazer, Hicks và Gillett hay Lerner đều đã phải chạy vạy vay hết ngân hàng này đến ngân hàng khác. Để rồi sau khi đạt được mục đích của mình, họ bắt đầu công cuộc trả nợ bằng lợi nhuận thu được từ các CLB nắm giữ.Vì vậy, trong hai năm đầu tiếp quản, MU chỉ là công cụ kiếm tiền để gia đình nhà Glazer trả khoản nợ kếch xù từ ngân hàng. Hay như trường hợp của Liverpool, cái cách mà họ hướng đội chủ sân Anfield theo mục đích kinh doanh đang khiến cho các fan ruột của đội bóng cảm thấy ngấy tận cổ. Chưa đầy một năm, Liverpool xuống dốc thê thảm cả về doanh thu lẫn thành tích trên sân cỏ. Thu nhập giảm sút, không danh hiệu, như một kết quả tất yếu hai ông chủ người Mỹ hiện đang vấp phải sự phản đối kịch liệt tại Anfield.


Malcom Glazer đang đưa MU đến với thành công
 

Nhưng nếu chỉ nhìn vào thực trạng đó mà đánh giá chiến lược đầu tư ồ ạt này đang làm suy giảm chất lượng của giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh cũng không đúng. MU tìm lại được ngôi vua Premiership sau 4 năm trắng tay. Gia đình Glazer đồng ý để HLV Alex Ferguson chi mạnh trên thị trường chuyển nhượng với số tiền gần 60 triệu bảng trong mùa hè vừa qua. Thành công trên sân cỏ gắn liền với thành công về tài chính. “Quỷ đỏ” đang dẫn đầu bảng xếp hạng trong khi túi tiền của họ ngày càng dày thêm nhờ doanh thu từ bán vé, bản quyền truyền hình và quảng cáo. Tính đến hết tháng 12/2007, theo thống kê, MU là đội có doanh thu tốt nhất với 245 triệu bảng (nhiều hơn 44 triệu bảng so với 201 triệu bảng của Arsenal).

 

Tuy không có được thành công như MU nhưng Aston Villa cũng đã thay đổi nhiều sau khi Lerner mua dứt CLB từ tay Doug Ellis. Đội chủ sân Villa Park không những thoát khỏi số nợ chống chất từ ngân hàng mà còn nhận được những khoản tiền đầu tư lớn.  Mùa hè vừa qua, số tiền mà Lerner chi trên thị trường chuyển nhượng lên tới 23,5 triệu bảng với bản hợp đồng kỷ lục của CLB, Ashley Young (9,65 triệu bảng). Nhờ đó, Villa đang là một trong những đội bóng chơi ổn định nhất tại Premiership. Thậm chí nếu chơi tốt, họ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh một suất dự Champions League.

 

Derby có thể nhìn vào những mặt tích cực đó mà hy vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước. Mùa giải năm nay coi như đã chấm dứt sớm ở sân Pride Park. Bị loại tơi bời ở League Cup và FA Cup, cuộc chiến ở Premiership cũng không còn ý nghĩa nhiều khi họ chỉ có được vỏn vẹn 13 điểm sau 23 vòng đấu. Ngày về với giải hạng nhất chỉ còn là vấn đề thời gian đối với thày trò HLV Paul Jewell. Dù Appleby có cố gắng đến mấy cũng không thể giúp được Derby lúc này. Nhưng điều mà họ cần bây ngờ là  những nước đi cho tương lai giống như những hứa hẹn mà ông chủ người Mỹ đã tuyên bố trong ngày ra mắt khi hứa sẽ chi mạnh tiền để Derby có thể trở lại trong thời gian tới. Đó có thể là 1 năm, 2 năm hay thậm chí là 5, 10 năm và lâu hơn thế. Dù đó chỉ là lời nói những trong hoàn cảnh đang rơi tự do, Derby đã có được một bàn tay nâng đỡ. Thành công hay không thành công còn là chuyện của tương lai.

  

Kiều Phong

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X