Thứ Tư, 24/04/2024 Mới nhất
Zalo

Premier League: Mặt trái của tấm huy chương

Thứ Hai 30/07/2007 11:17(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Đằng sau một Premier League hấp dẫn và giàu có, là bóng tối của một nền bóng đá luôn tự huyễn hoặc rằng mình đang ở đỉnh cao của thế giới. Nhiều người nói đùa rằng Giải Ngoại Hạng chỉ còn cái tên hiệu là thuần Anh (Premier League) còn tất cả đều nằm trong tay người nước ngoài.

Những cầu thủ người Anh ngày càng ít đi ở những đội bóng lớn như MU. Đây là đội hình giành cú ăn ba vĩ đại mùa giải 1999-2000 

Trước hết, đó là ảnh hưởng của làn sóng những ngôi sao ngoại đang tràn vào Premier League. Từ khi giải ngoại hạng Anh được thành lập, người ta đã chứng kiến những ngôi sao nước ngoài đến đây thi đấu. Nhưng lúc đó các cầu thủ người Anh vẫn chiếm những vị trí chủ chốt. Hãy xem Arsenal vô địch mùa giải 1997-1998 với bộ khung là những người Anh chính gốc như Seaman, T.Adams... còn khi giành cú ăn ba vĩ đại năm 1999-2000 MU cũng có tới 6-7 cầu thủ chính quốc trong đội hình.

Còn hiện tại thì sao? Liverpool, Arsenal, Chelsea hay thậm chí MU đều có thể đưa ra sân một đội hình toàn các cầu thủ đến từ nước ngoài. Cũng không thể trách các HLV bởi áp lực danh hiệu khiến họ buộc phải sử dụng những người có phong độ tốt nhất bất chấp quốc tịch của người đó ra sao. 

Ở một khía cạnh khác thật khó kiếm được một cầu thủ người Anh chơi được mà lại có giá vừa phải, khi mà doanh thu từ bản quyền truyền hình cùng những các khoản thu khác cộng với những lời tâng bốc của báo chí đã khiến giá chuyển nhượng của các cầu thủ nội địa tăng lên một cách khó hiểu và không phản ánh đúng giá trị thực của họ. Thật là “khôi hài“ biết bao khi một cầu thủ thuộc loại khá như D.Bent lại được định giá cao hơn một siêu sao là T.Henry.

Một cầu thủ như Darren Bent còn được định giá cao hơn Henry


Một số cầu thủ trẻ thuộc loại chưa có tên tuổi, không nằm trong quân số của đội chính cũng được hét giá cao ngất ngưởng. Mùa bóng vừa qua đã cho thấy một bước tiến vượt bậc của bóng đá Anh khi có đến 3/4 đội lọt vào bán kết Champions League đến từ xứ sở sương mù, tuy nhiên những cầu thủ đóng góp vào thành công này hầu hết là người ngoại quốc. Điều này đã khiến nhiều người phải thốt lên “Người Anh ở đâu?!!!

Thậm chí trên băng ghế huấn luyện cũng chẳng còn có chỗ cho những người Anh nữa. “Nhóm bộ tứ huyền ảo” của bóng đá Anh là Arsenal, Liverpool, MU, Chelsea đều được dẫn dắt bởi những HLV người nước ngoài. Không chỉ có thế, vai trò người chi tiền cũng đã thay đổi. Với việc Thaksin chính thức nắm quyền chủ tịch Man Xanh có đến 8/20 đội bóng nước Anh do những nhà tài phiệt nước ngoài nắm giữ.

Abramovich và tiền của ông ta đang xâm chiếm Premier League


Tất nhiên những chuyện này có vẻ là quá bình thường trong một thế giới đang ngày một phẳng với quá trình toàn cầu hoá đã xoá nhoà mọi biên giới về địa lí và quốc gia. Thế nhưng nhiều người Anh cũng không khỏi ngậm ngùi cho cái gọi là bản sắc hay màu cờ sắc áo.
 

Không chỉ có thế báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng vốn nổi tiếng lắm điều của nước Anh cũng góp phần không nhỏ vào việc làm “biến dạng” Premier League. Với công nghệ lăng xê các ngôi sao của giải Ngoại hạng, người hâm mộ đội tuyển Anh lúc nào cũng ảo tưởng rằng họ đang có những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong đội hình. Nhưng cái tên như Terry, Lampard, Gerrard, Rooney được tung hô hết lời nhưng những gì mà họ thể hiện trong màu áo đội tuyển quốc gia chỉ là những nỗi thất vọng khôn nguôi. 


Người Anh đã lâu lắm rồi không được hưởng cái hương vị chiến thắng tại bất kỳ giải đấu nào ở cấp độ đội tuyển. Điều này khiến cho các cổ động viên cảm thấy thực sự bị shock bởi họ đã kỳ vọng quá nhiều vào các ngôi sao, những người mà báo chí không tiếc lời ca ngợi và những cầu thủ tưởng như trên thế giới không có ai sánh được ngang họ về mặt tài năng.


Lampard và Terry chưa bao giờ toả sáng trên trường quốc tế

Không những thế, các bản hợp đồng khổng lồ cùng những mức lương cao chót vót cũng đang phá hoại một phần của lớp cầu thủ Anh. Hàng ngày trên các mặt báo người ta thấy không ít những scandal về ăn chơi, rượu chè, bồ bịch của các ngôi sao tại Premier League. Chính việc nổi tiếng quá sớm cũng như giầu có một cách nhanh chóng đã khiến cho những “cậu bé” như Rooney đã không thể giữ được mình trước những cám dỗ. Đó là một vấn nạn thực sự mà bóng đá Anh đang gặp phải trong những năm trở lại đây và nếu không có những giải pháp kịp thời thì có thể đó sẽ là một căn bệnh không thể chữa trị của giới cầu thủ Anh.


Ngoài ra, chính làn sóng đầu tư này cũng đang đào sâu hố ngăn cách giầu nghèo giữa các câu lạc bộ của giải Ngoại hạng. Nếu trước đây các câu lạc bộ nhỏ vẫn có cơ hội thu hút những cầu thủ tài năng thì bây giờ với cái giá cầu thủ đang đội lên hàng ngày cũng như họ ngày một đòi hỏi mức lương cao hơn thì các đội bóng chiếu dưới đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chiêu mộ cầu thủ.


Hơn nữa các đội bóng nhỏ cũng khó thu được lợi nhuận hơn các đội bóng lớn, điều ngày ngày càng khiến cho khoảng cách giữa các câu lạc bộ trong giải Ngoại hạng ngày một gia tăng. Người ta đã nói nhiều đến những trận đấu “bạc triệu” ở lượt đấu Play off nhằm thăng hạng Premier League như một minh chứng hùng hồn cho hố sâu ngăn cách đang ngày một đào sâu giữa các đội bóng chiếu trên và chiếu dưới.

Tiền là khác biệt giữa một đội bóng chiếu trên và chiếu dưới

Khoảng cách giữa một đội bóng thuộc Premier League với Championship (giải hạng Nhất) là 60 triệu Bảng tiền bản quyền truyền hình và dự kiến sẽ tăng lên 76 triệu Bảng trong những năm tới. Đó là cả một con số khổng lồ, bởi nó tương đương với số tiền hoạt động của một CLB trong vòng 1 năm.


Rõ ràng, Premier League ngoài vẻ hào nhoáng còn đối mặt với nhiều vấn đề nội tại nảy sinh. Đã đến lúc người Anh thôi ảo tưởng và nhìn thẳng vào sự thật rằng giải đấu hàng đầu nước Anh đang bị toàn cầu hoá. Nền tảng của sự phát triển bóng đá Anh mới chính là nhiệm vụ quan trọng của Premier League trong thời điểm này.

  • Hà Thành

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X