Trong một phát biểu gần nhất, HLV Roy Hodgson từng thổ lộ rằng ông muốn tuyển Anh cần phải giữ bóng tốt hơn nữa. Phải chăng đó là động thái đầu tiên cho việc tiki-taka hóa Tam sư? Họ sinh ra không phải để đá tiki-taka, chẳng việc gì phải thay đổi.
Khi tiki-taka là mốt
Sau những thành công vang dội của Barcelona vài năm gần đây, cũng như thực tế Tây Ban Nha là đội tuyển đầu tiên trong lịch sử giành ba chức vô địch lớn liên tiếp (EURO 2008, 2012, World Cup 2010), tiki-taka đang trở thành mốt thời thượng. Sau khi Chelsea đã bước lên đỉnh châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử bằng thứ bóng đá phòng ngự phản công kiểu xe bus 2 tầng cực kỳ khó chịu, ông chủ Roman Abramovich vẫn bắt Di Matteo cải cách toàn diện để hướng đến một lối chơi tấn công đẹp mắt, theo kiểu tiki-taka. Việc họ mang về hàng loạt những tiền vệ đẳng cấp như Eden Hazard hay Oscar để đá cùng với Mata là một minh chứng.
Họ sinh ra không phải để đá tiki-taka, chẳng việc gì phải thay đổi.
Và ở Premier League, không chỉ có Chelsea muốn học đòi tiki-taca. Ở mùa giải trước, một đội bóng nhỏ bé với ngân sách eo hẹp và gần như không có ngôi sao là Swansea City đã khiến cho xứ sương mù ngạc nhiên bởi lối chơi đầy tự tin cầm bóng vượt trội so với các đối thủ. Nhà cầm quân của "Swansealona" khi đó là Brendan Rodgers, sau khi chuyển sang Liverpool cũng đã mang theo hai cậu học trò Joe Allen và Fabio Borini để hướng đội bóng thành phố cảng theo lối chơi tiki-taka. Tất nhiên, không thể bỏ qua ĐKVĐ Man City, đội bóng đã mang về Etihad hai ảo thuật gia từ Liga (Yaya Toure, David Silva), và lối chơi của họ cũng rất chú trọng đến việc kiểm soát bóng. Arsenal từ lâu đã tự xem rằng lối chơi của mình gần với tiki-taka nhất, và sau khi mất Fabregas, họ đã mang về Emirates một bộ não Tây Ban Nha khác (Santi Cazorla), và tiền vệ nhỏ con này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong các nhịp lên bóng của Pháo thủ.
Premier League là ví dụ cụ thể nhất cho hiệu quả của sự toàn cầu hóa trong bóng đá, và thực tế là lối chơi của các đội bóng Anh đã bớt khô khan, thực dụng đi rất nhiều nhờ những ngôi sao ngoại, vốn giàu kỹ thuật và tư duy sáng tạo. Nhưng nói như thế không có nghĩa rằng những đội bóng vốn rất quen với phong cách sút và chạy, bóng dài và bóng bổng lại có thể áp dụng thành công lối đá nhỏ, đập nhả liên tục vốn đã là thương hiệu của Barca. Cuộc cách mạng dang dở ở Anfield là một bài học. Chelsea đang thăng hoa ở Premier League, nhưng nên nhớ họ từng bị Atletico vùi dập 4-1 trong trận siêu cúp châu Âu khi mà Di Matteo hoàn toàn mất phương hướng: muốn đá tiki-taka nhưng không thể kiểm soát bóng. Muốn trở lại phong cách cũ thì không còn Drogba.
Không hợp, sao phải cố
Những khó khăn trên mới diễn ra ở cấp CLB, còn để tạo ra một cuộc cách mạng về lối chơi ở cấp đội tuyển thì có lẽ đó là điều không tưởng. Đội tuyển Anh không có những đôi chân mềm mại và giàu kỹ thuật, không có những nhạc trưởng đạt đến tầm Xavi, Iniesta, và quan trọng nhất, người đang dẫn dắt họ là Roy Hodgson, một ông già 65 tuổi, và là một tín đồ của phong cách cổ điển.
Những gì mà Roy Hodgson nhận xét đơn thuần chỉ hướng tới một khía cạnh nhỏ trong lối chơi: khả năng kiểm soát bóng. Tại EURO 2012, người Anh tưởng như có thể thoát khỏi cái dớp 16 năm không vượt qua vòng tứ kết ở các giải lớn, nhưng rốt cuộc Tam sư đã gục ngã trước Italia (2-4pen) trong một trận đấu mà họ chỉ cầm bóng có 36%. Sau thất bại, Hodgson trầm ngâm "Chúng ta không thể phớt lờ xu thế ấy (tiki-taka). Thật tuyệt khi nghe các HLV ở bán kết nói về việc kiểm soát bóng. ĐT Anh sẽ phải giữ bóng nhiều hơn, chủ động hơn trong việc gây sức ép, thay vì chịu trận và mong chờ vào phòng ngự phản công".
Thật ra, không ai có thể trách Roy Hodgson và các học trò khi họ lựa chọn lối chơi yếm thế như vậy ở EURO 2012. Tam sư đã bước vào VCK khi vắng một loạt những tiền vệ trụ cột vì chấn thương, còn nguồn cảm hứng Wayne Rooney thì bị treo giò ở hai lượt trận đầu. Đá kiểu tiki-taka chẳng khác gì tự sát, còn việc chơi phòng ngự phản công là một phương án biết người biết ta, và phù hợp nhất.
Nhưng ngay cả ở thời điểm hiện tại, tuyển Anh cũng không thể đá tiki-taka bởi một lý do đơn giản: họ không hợp. Để kiểm soát bóng thật tốt, một đội bóng không chỉ cần một nhạc trưởng có khả năng cầm nhịp đầy thông minh và sáng tạo như Xavi, mà còn cần cả một hệ thống xung quanh hoạt động liên tục theo guồng quay ấy, với những pha phối hợp nhỏ, chạy chỗ liên tục. Ở tuyến giữa Tam sư bây giờ, Gerrard, Lampard hay Carrick đã không thể thay đổi, trong khi những gương mặt trẻ như Cleverley hay Jonjo Shelvey thật ra cũng không phải những mẫu tiền vệ phù hợp với tiki-taka, dù tố chất kỹ thuật cũng như sự nhiệt tình của họ là rất đáng nể.
Mà thật ra, tại sao Hodgson phải thay đổi khi mà hệ thống đề cao sự kỷ luật và tính công bằng của ông vẫn đang hoạt động không tồi, ít nhất là được thể hiện qua mặt kết quả với 10 trận bất bại (7 thắng, 3 hòa). Tại sao phải thay đổi, khi biết rằng không hợp?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)