(Bongda24h) – 2 năm liền 3 đội bóng nước Anh góp mặt ở bán kết, để Barca rời vào thế “thân cô thế cô”. Nhưng mùa giải năm nay ‘Vua đấu cúp’ Liverpool đã được thay thế bằng Arsenal, và Barca cũng đã lột xác so với hình ảnh bất lực thời Rijkaard. Chức vô địch với Barca tuy khó nhưng không phải là không thể.
Châu Âu trong lòng Premiership: Bỏ tiền mua thành công
Đây là lần thứ năm trong lịch sử Champions League, có tới 3 đại diện của cùng một giải vô địch quốc gia có tên trong tốp 4 CLB mạnh nhất lục địa già. Trước đây là các trường hợp của La Liga (1999-2000), Serie A (2002-2003) và 3 lần liên tiếp thuộc về người Anh (2007, 2008, 2009). Dễ thấy màn sương mù của nước Anh đang che phủ nền bóng đá châu Âu.
Barcelona trên đường tái hiện chức vô địch của Milan năm 2007?
Năm 1992, khi giải hạng nhất ở xứ sở sương mù đổi tên thành Premier League, Liên đoàn bóng đá Anh FA đã thể hiện tham vọng đưa giải bóng đá của mình vươn ra tầm thế giới. Với chiến lược thông thoáng, mở cửa đón chào các nhà đầu tư ồ ạt, chất lượng của Premiership được tăng lên theo cấp số nhân. Dần dần, các đội bóng nước Anh đã tìm được tiếng nói và vị thế tại các cúp châu Âu vốn từ lâu bị thâu tóm bởi người Tây Ban Nha và Italia. Chẳng cần phải chờ đến chức vô địch Champions League của Liverpool (năm 2005), người Anh đã báo hiệu về sự hình thành một thế lực mới tại châu Âu bằng cú ăn ba của MU (năm 1999).
Những số tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình, hợp đồng quảng cáo béo bở đến các khoản doping tiền tấn của các ông chủ giàu có đã giúp các đội bóng Anh thâu tóm được những ngôi sao sáng nhất lục địa già, cũng như những chiến lược gia tài ba nhất. Xét về sự giàu có, Premiership luôn chiếm tới 9-10 CLB trong tốp 25 đội bóng có nền tài chính hùng mạnh nhất thế giới. Giống như tài khóa 2008, họ góp mặt 3/4 CLB trong bản danh sách giàu nhất hành tinh, dẫn đầu là Manchester United (tổng giá trị tài sản 1,8 tỉ USD).
Theo các số liệu thường niên được công ty kiểm toán Deloitte cung cấp, bắt đầu từ mùa bóng 2005/06, doanh thu bình quân hàng năm của các CLB tại Premiership luôn đứng số 1 tại châu Âu, xấp xỉ 700 triệu bảng. Gần gấp đôi so với các đội bóng ở Serie A (490 triệu), Bundesliga (389 triệu) và La Liga (275 triệu). Lợi thế của “Big Four” là 3/4 CLB trong số họ thuộc sở hữu của những cá nhân (Abramovich - Chelsea, Malcom Galzer - MU, Hicks & Gillett - Liverpool). Lẽ đương nhiên, một ông chủ làm bóng đá sẽ sử dụng tiền phóng khoáng hơn các CLB được quản lý theo dạng công ty cổ phần hữu hạn (có cổ đông) như Real, Barcelona…
MU đang sở hữu rất nhiều ngôi sao đắt giá
Thử lấy một ví dụ diển hình nhất: Tỉ phú người Nga - Abramovich đã bơm hàng loạt liều doping tiền tấn vào thị trường chuyển nhượng để The Blues tậu về Drogba, Essien, Ballack, Sheva... buộc MU và Liverpool phải nhập cuộc đua để không bị "gã nhà giàu" bỏ xa trên mặt trận mua sắm (Berbatov, Tevez, Hargreaves, Torres, Babel...). Đó đều là những ngôi sao người nước ngoài đóng vai trò chủ chốt trong đội hình của họ, điều mà các nền bóng đá khác khó bì kịp về mức độ thành công.
Barca và nhiệm vụ cứu châu Âu
Theo những diễn biến của mùa giải năm nay, các đội bóng nước Anh thường rất sợ phải đối đầu với những đối thủ theo trường phái tấn công. Porto, với hình ảnh lấn lướt khác xa so với lối chơi phòng ngự tiêu cực thời Mourinho, đã từng hạ bệ Arsenal 2-0 ở vòng đấu bảng .Họ cũng chính là người đặt nhà đương kim vô địch Manchester United vào tình thế nan giải với trận hòa 2-2 trên sân Old Trafford ở tứ kết lượt đi, khiến NHM phải chứng kiến một Quỷ đỏ xấu xí tại Dragao, đầy tính toán và cam chịu để lọt vào bán kết. Còn Chelsea, họ suýt chút nữa đã vấp phải cú ngã đau điếng bởi Liverpool, đối thủ ghi tới 5 bàn vào lưới Petr Cech và khiến The Blues bộc lộ quá nhiều điểm yếu ở hàng thủ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sức tấn công như vũ bão của thầy trò Pep Guardiola mùa này chính là điều mà người Anh sợ nhất. Đến thời điểm hiện tại, Barca đã có tổng cộng 129 bàn thắng trên tất cả các mặt trận, trong đó có 87 bàn ở Liga, vượt xa so với những gì Manchester United, Chelsea và Arsenal làm được. Ở Champions League, họ cũng là đội ghi nhiều bàn hơn bất cứ đội bóng nào (29), gần gấp đôi so với các CLB của Anh: 14 (MU), 16 (Arsenal), 19 (Chelsea).
Với công thức 6+5 cổ điển, khi 6 cầu thủ nắm nhiệm vụ phòng ngự, 5 cầu thủ khác thực hiện hiệu lệnh tấn công trong sơ đồ 4-1-2-3, Barcelona đang làm khuynh đảo cả trời Âu. Hàng công những Andres Iniesta, Xavi Hernandez, Samuel Eto'o và Leo Messi có thể làm bối rối mọi đối thủ. Và hẳn HLV Arsene Wenger vẫn chưa ngờ hết năng lực thực sự của cậu học trò cũ Henry khi anh đã ghi tổng cộng 20 bàn trong mùa giải năm nay.
Khó ai cản được Messi khi anh hưng phấn
Năm 2007, AC Milan vượt qua hết MU rồi Liverpool , những đại diện ưu tú nhất của Premiership giàu có để ngự trị ở ngôi vua. Để làm được điều ấy, họ nắm trong tay ông “vua việt vị” Super Pippo, người ghi 2 bàn trong trận chung kết. Và không thể không nhắc tới Hoàng tử Kaka với 10 bàn thắng tại Champions League, chủ nhân của “Quả bóng vàng châu Âu” cùng “cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” sau đó, phần lớn vì phong độ của anh ở đấu trường châu Âu.
Có khá nhiều tương đồng giữa Barca hiện tại và Milan 2007. Họ đều phải vất vả tham dự vòng sơ loại, cùng cấn đến những cựu binh “hồi xuân” (Seedorg, Inzaghi, Henry…) kết hợp với những ngôi sao sáng nhất để vươn tới thành công. Nếu Milan 2007 có Kaka, Barca 2009 đã có Messi, cầu thủ đang trên đường thâu tóm những danh hiệu cá nhân năm nay khi thể hiện vai trò chủ đạo trong lối đá tấn công của Barca (8 bàn, dẫn đầu danh sách Vua phá lưới). Thậm chí, Barca lúc này còn nguy hiểm hơn vì có được chiều sâu đội hình cũng sự đồng đều ở “dàn sao” đang có phong độ cao: Xavi, Eto’o, Iniesta, Alves… Sau Milan, Barcelona chính là nhà biên kịch số 1 để viết lại hoàn hảo một phần mới của bộ phim có tên gọi “Một mình chống lại Premiership”.
Tuy nhiên, Barcelona không phải không có điểm yếu. Trước những đối thủ chơi chủ động, chắc chắn, có tổ chức và tốc độ, họ thường gặp bối rối nhất định. Các Barcelonista từng ghi 5 bàn vào lưới Lyon nhưng cũng để thủng lưới 2 lần. Ở La Liga, họ là đội để thủng lưới ít nhất, nhưng cũng có giai đoạn để thua liên tiếp. Những đối thủ khôn ngoan thường khoét sâu vào hành lang cánh phải của Daniel Alves, một hậu vệ không có hơi hướng chơi phòng ngự. Bên trong, Puyol và Marquez đã quá chậm chạp, trong khi thủ thành Victor Valdes thường xuyên mang lại những cú sốc về sai lầm... Song, bất chấp những tồn tại ấy, khi sức mạnh tấn công của Barca còn thu về hiệu quả thì họ vẫn luôn là mối đe doạ với tất cả, nhất là người Anh. Barcelona đang hướng tới lần thứ sáu góp mặt trong một trận chung kết Champions League. Họ từng lên ngôi vào hai năm 1992 và 2006. Trong khi đối thủ của họ tại bán kết, Chelsea, mới một lần lọt vào ngày hội cuối cùng của châu Âu (2008) và chưa có bất kì danh hiệu vô địch nào. Nhưng HLV của Chelsea, Hiddink, từng giành ngôi Vua châu Âu cùng PSV năm 1988. Manchester United cũng hướng tới lần thứ 4 góp mặt trong trận chung kết. Đáng chú ý là cả ba lần trước họ đều lên ngôi vô địch: 1968, 1999 và 2008. Trong khi Arsenal đang muốn tái lập lại thàh tích năm 2006, lọt vào chơi trận chung kết ở Paris và để thua trước chính Barcelona với tỉ số 1-2.
-
Phong Hải