- Thêm 1 cầu thủ ngoại muốn khoác áo ĐT Việt Nam
- Việt Nam sẽ tổ chức hàng loạt giải đấu quan trọng của ĐNA
- Cải tổ V-League: Tăng chất, giảm số lượng
Những năm qua đã có biết bao cầu thủ nhập tịch muốn khoác áo ĐT Việt Nam. Thay vì đền đáp tấm lòng của họ thì VFF chỉ im lặng phủi tay không cần suy nghĩ. Thế nhưng giờ là lúc mà chúng ta phải ngồi lại để xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này.
Kể từ sau cú phốt Santos năm 2008, VFF đã quay ngoắt 180 độ với các cầu thủ nhập tịch mà không chút đắn đo. Dù đã có rất nhiều cầu thủ giỏi thật sự muốn khoác chiếc áo đỏ linh thiêng nhưng những người đứng đầu nền bóng đá luôn lắc đầu. Từ Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley, Hoàng Vũ Samson và sắp tới là Van Bakel đều là những cầu thủ chất lượng cao bậc nhất ở V-League. Có vợ và gia đình sống ở mảnh đất hình chữ S, thế nhưng việc cầu thủ nhập tịch khoác áo ĐT Việt Nam vẫn chỉ là một thứ gì đó hết sức xa vời. Thậm chí một trong những điều đầu tiên mà VFF góp ý với các HLV ngoại trước khi ký hợp đồng là không được gọi những cầu thủ gốc ngoại vào ĐTQG. Tất nhiên đây là suy nghĩ hết sức cổ hủ, đi ngược lại xu thế của tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Vì thế có lẽ đã đến lúc VFF cân nhắc triệu tập những cầu thủ thật sự muốn khoác áo ĐT Việt Nam thay vì việc lắc đầu không chút đắn đo như vậy.
Mới đây, trung vệ người Hà Lan Danny Van Bakel xin nhập quốc tịch Việt Nam để mong muốn khoác lên mình chiếc áo đỏ.
Có thể vào lúc này, VFF hay cao hơn là Tổng cục TDTT vẫn sợ một trường hợp thứ 2 như của Phan Văn Santos năm xưa. Thế nhưng cần phải công bằng rằng chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm” với mọi cầu thủ nhập tịch. Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley, Hoàng Vũ Samson đều được đánh giá là những cầu thủ chuyên nghiệp thật sự, thậm chí họ được coi là mẫu cầu thủ “ngoan” hiếm hoi ở V-League. Quan trọng hơn họ đã có một nửa của mình là người Việt, có những đứa con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất hình chữ S. Đó là những yếu tố quan trọng bên cạnh chuyên môn để xem xét việc triệu tập họ những cầu thủ nhập tịch vào ĐT Việt Nam. Chưa kể Phan Văn Santos khi xưa chỉ là xin về nghỉ phép 1 tuần khi vợ anh vừa sinh hạ đứa con đầu lòng (nhưng không được HLV Calisto đồng ý nên bỏ về). VFF và những nhà quản lý không nên “thù dai” hay sợ liên đới trách nhiệm trong việc này bởi người nhập tịch cũng là công dân Việt Nam, điều mà chúng ta phải công nhận chứ không nên phân biệt như bây giờ.
Cần phải coi các cầu thủ nhập tịch như công dân Việt Nam |
Mới đây, thêm 1 cầu thủ gốc ngoại nữa muốn trở thành công dân Việt Nam là trung vệ Danny Van Bakel. Hậu vệ người Hà Lan thừa hiểu anh không có cơ hội khoác áo ĐT Việt Nam nhưng vẫn nhập tịch bởi đơn giản anh đang có một gia đình hạnh phúc tại mảnh đất hình chữ S và muốn gắn bó lâu dài. Lúc này, Bakel đã chuẩn bị bước sang tuổi 32, cái tuổi xế chiều ở sự nghiệp cầu thủ, chắc chắn việc nhập tịch cũng không phải chỉ là vì muốn khoác áo ĐT Việt Nam. Van Bakel hiện nay đã là một “hotboy” trong làng showbiz với ngoại hình cực chuẩn của mình, anh cũng kiếm tiền từ việc làm người mẫu, đóng quảng cáo nhiều hơn chơi bóng. Thế nhưng trong thâm tâm Bakel rất muốn được khoác áo ĐT Việt Nam bởi đơn giản anh muốn có một sự công nhận từ cộng đồng. Bakel đã có vợ, con người Việt, anh đã sống hòa đồng tại mảnh đất hình chữ S suốt 5 năm qua và anh muốn trở thành một công dân “con rồng cháu tiên” thật sự. Đa số người dân cũng ủng hộ người nhập tịch, pháp luật cũng thừa nhận thì cớ gì VFF lại không thừa nhận, không triệu tập họ vào ĐTQG như bao cầu thủ Việt Nam khác.
Trường hợp của Van Bakel chỉ ra rằng cầu thủ nhập tịch không chỉ đơn giản là muốn khoác áo ĐT Việt Nam mà quan trọng hơn là họ muốn trở thành người Việt. Đa số những cầu thủ nhập tịch đều có vợ, con là người Việt, họ cũng sẽ gắn bó với mảnh đất hình chữ S như chúng ta. Vậy thì khác biệt từ gốc gác đâu có quan trọng bằng hiện tại. Việc gọi cầu thủ nhập tịch vào ĐTQG là chuyện “xưa như diễm” ở mọi quốc gia trên thế giới. Từ những nước tôn trọng truyền thống như Nhật Bản, đến những nền văn hóa tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ đều có rất nhiều cầu thủ nhập tịch. Ngay cả những nền bóng đá mạnh như Tây Ban Nha, Đức cũng mở lòng với những cầu thủ gốc ngoại. Họ trọng dụng cầu thủ nhập tịch không hẳn cho ĐTQG mạnh lên (Costa ở Tây Ban Nha), (Emre Can, Boateng ở Đức) mà đó chỉ đơn giản là sự thừa nhận quyền công dân, bình đẳng như bao cầu thủ khác, đá hay mới được gọi còn không sẽ bị loại.
Thay vì suy nghĩ kiểu cũ, VFF và những cơ quan quản ý cao hơn hãy nghiêm túc xem xét vấn đề gọi cầu thủ nhập tịch vào ĐT Việt Nam. Bởi vào lúc này nó không còn nằm trong phạm vi bóng đá hay thể thao nữa mà là quyền công dân, quyền con người. Chúng ta phải ngồi lại để giải quyết vấn đề chứ không nên ngại đối diện với nó chỉ vì sợ mang tiếng là bệnh thành tích.
Doãn Công