(Bongda24h) – Vừa ngồi lên chiếc ghế chủ tịch chưa ấm chỗ, Florentino Pérez đã biến Bernabeu thành tâm điểm của phiên chợ châu Âu khi lên danh sách chiêu mộ hàng loạt những ngôi sao sáng giá nhất thế giới lúc này, từ Kaka đến Ronaldo, từ Villa đến Ribery… Để làm được điều ấy, tiềm lực tài chính của họ phải rất đáng nể. Vậy, túi tiền không đáy của Real ở đâu mà có?
Không có sự hẫu thuẫn của các tài phiệt người Nga hay những Hoàng thân ném tiền qua cửa sổ người Ả Rập, Real vẫn trở thành một thế lực đáng gờm trong mỗi cuộc chạy đua tài chính. Họ, CLB Hoàng gia Tây Ban Nha, không chỉ là đội bóng vĩ đại nhất thế kỉ XX, với thương hiệu nổi tiếng toàn cầu mà còn có sức hút ghê gớm đối với các nhà tài trợ. Chẳng thế mà suốt 5 năm qua, dù liên tiếp bị loại ngay ở vòng 1/8 Champions League, Real vẫn luôn là lá cờ đầu trong danh sách các CLB giàu nhất thế giới do tập đoàn kiểm toán số 1 thế giới Deloitte công bố (tính đến hết năm 2008).
Florentino Perez đang khiến châu Âu rúng động
Ở châu Âu, Real là CLB đứng thứ 3 về lượng CĐV dự khán mỗi trận đấu, trung bình 73.153 người/ trận, chỉ kém Barcelona (74.433) và Manchester United (75.304). Con số ấn tượng này mang về món lợi nhuận khổng lồ cho Los Merengues trong mỗi mùa bóng. Ngoài ra, những chuyến du đấu châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, cũng giúp Real thu về những khoản tiền tài trợ đáng kể.
So với những CLB lớn của châu Âu, Real cũng như các CLB Tây Ban Nha, nhận được sự ưu ái đặc biệt của pháp luật, mà ở đây là luật thuế thu nhập cá nhân. Các cầu thủ nước ngoài chơi bóng ở đây trong 5 năm đầu tiên chỉ phải đóng góp cho Nhà nước 23% tổng số tiền thu nhập một năm, trong khi ở hầu hết các quốc gia khác như Italia hay Anh, con số này lên tới 50%.
Theo những tiết lộ nội bộ, Real đã kí hợp đồng bản quyền truyền hình “bom tấn” với MediaPro, kéo dài trong 5 năm (từ 2006), trị giá 1,1 triệu euro (khoảng 956 triệu bảng). Như vậy, mỗi năm họ đút túi 191 triệu bảng, gấp đôi những gì Manchester United được hưởng từ bản quyền hình ảnh ở giải đấu trong nước.
Cuối cùng, cũng là yếu tố quan trọng nhất; Real là CLB phi lợi nhuận, được điều hành bởi 100% những thành viên người Tây Ban Nha (socios). Họ không phải chạy đôn chạy đáo mỗi mùa để trả đủ số nợ 30 triệu bảng cho các ông chủ sở hữu như MU hay Liverpool. Hầu hết những khoản vay của Real (chiếm 23% tổng giá trị tài sản CLB, tính đến tháng 4/2009) được “mượn” từ ngân hàng địa phương, và dưới sức ép từ socios – những chính trị gia và thương nhân danh tiếng – Real luôn được “giãn nợ” và được vay với mức lãi suất gần như bằng 0. Ở châu Âu, chỉ có Barcelona và Real Madrid là 2 CLB hoạt động theo thể thức ấy.
Bộ máy điều hành Real dưới thời Perez
Vài nét về “cấu trúc thượng tầng” của Real
Perez đã ngồi lên chiếc ghế chủ tịch của Real, song chắc hẳn còn rất nhiều người vẫn mơ hồ về cách thức bầu cử cũng như điều hành ở Real. CLB Hoàng gia TBN là một trong bốn CLB, cùng với Barcelona, Osasuna và Athletic Bilbao – được “luật hóa” vào năm 1991, đưa những người Tây Ban Nha lên nắm quyền cao nhất, nhằm chống lại nguy cơ bị thôn tính từ các ông chủ nước ngoài. Họ sẽ tổ chức các buổi bầu cử chủ tịch theo nhiệm kì, người trúng cử có quyền lập lên bộ máy điều hành CLB.
Trước tiên, để được ghi tên vào danh sách tranh cử, ứng viên phải hội tụ đủ các yếu tố bắt buộc: là công dân Tây Ban Nha, thành viên của CLB (socios) trong vòng ít nhất 10 năm và phải sở hữu ít nhất 50 triệu bảng, bằng với 15% ngân sách của Real. Nếu chỉ có duy nhất một ứng viên tranh cử, ứng viên đó nghiễm nhiên trở thành chủ tịch Nhà trắng (giống Perez vừa rồi); nếu không các thành viên CLB sẽ bỏ phiếu bầu người đứng đầu Bernabeu.
Khi đã trở thành chủ tịch của Real, Perez cũng như những người tiền nhiệm trước đó, chỉ có quyền điều hành Real một cách đơn thuần. Điều đó có nghĩa Pérez, dù là một trong những người giàu nhất châu Âu với khối tài sản ước tính 1,8 tỉ USD (theo Forbes), song không được phép đổ tiền túi, cũng như kiếm lời từ CLB. Tuy nhiên, với mối quan hệ “đại chúng” với hàng loạt những ngân hàng và nhà tài trợ, Perez hứa hẹn sẽ mang lại cho Real lợi nhuận không tưởng sau mỗi tài khóa, giống như ông đã làm vào lần đương nhiệm trước đây (xóa khoản nợ 300 triệu euro của Real).
Tốp 5 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất Real dưới thời Perez |
1. Kaká, từ AC Milan, mùa hè 2009, giá chuyển nhượng 56,2 triệu bảng: “Thiên thần có nụ cười của Chúa” đã chọn Madrid thay vì Manchester United, Man City hay Chelsea. 2. Zinédine Zidane, Juventus, 2001, 45,6 triệu bảng: “Zizou” đã phá vỡ mọi kỷ lục trên TTCN (và cả những trái tim yêu mến từ các CĐV Juventus). 3. Luís Figo, Barcelona, 2000, 38 triệu bảng: Đơn giản, Figo là lời hứa khi vận động tranh cử của Florentino Pérez – người đàn ông đã nói là làm. Anh là viên gạch đầu tiên trong công trình “Galacticos” đồ sộ mà Perez dầy công xây dựng. 4. Ronaldo, Inter Milan, 2002, 30 triệu bảng: “Người ngoài hành tinh” kí hợp đồng với Real ngay khi anh trở lại sau chấn thương từ World Cup 2002, năm đăng quang của Brazil và thăng hoa của Ronaldo. 5. David Beckham, Manchester United, 2003, 25 triệu bảng: Becks đã từ chối Barcelona để đầu quân cho Real, nơi anh phát huy tối đa hiệu quả hình ảnh của mình, nhưng cũng góp phần không nhỏ cho chức vô địch La Liga năm 2007. |
-
Ngô Thắng (Tổng hợp)