Thứ Ba, 23/04/2024 Mới nhất
Zalo

Barca: Nỗi lo biết bao giờ vơi?

Thứ Bảy 06/09/2008 18:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Nhìn vào những bàn thua của Barcelona trong các trận đấu giao hữu trước mùa giải và mới đây là pha thủng lưới ngay ngày mở màn La Liga trước Numancia, một dấu hỏi lớn về sự chắc chắn nơi hàng thủ, cộng với sự linh hoạt trong lối chơi đang được đặt ra cho HLV Pep Guardiola.

 

"Chết" ở hàng thủ

 

Cái cách mà hàng hậu vệ Barca "thả sổng" tiền đạo đối phương trong trận đấu gặp Boca Juniors cũng như Numancia khiến không ít các Cules nghi ngại. Nỗi hoài nghi và sự lo lắng sẽ còn lớn hơn nữa một khi Barca gặp phải các đối thủ lớn. 75 triệu Euro đã được Barca chi ra để củng cố hàng thủ nhưng hiệu quả của các bản hợp đồng mới vẫn chưa đến.


Barca đã chi khá nhiều tiền để mua về các hậu vệ như Pique
 

Nhìn một cách tổng thể hàng phòng ngự của Barca, chúng ta sẽ không khỏi bất ngờ vì những tên tuổi như Puyol, Marquez, Caceres, Abidal hay tài năng như Pique, Alves lại không thể xây dựng được một hàng thủ vững vàng. Gần như tất cả trong số họ đều là những hậu vệ hàng đầu của châu Âu và thế giới lúc này. Nhưng giống như bị bỏ bùa, tất cả những con người ấy đều đã mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn nhất trong các trận đấu đã qua của mùa giải mới. Với Guardiola, dường như hàng thủ không phải là nỗi lo khi bước vào mùa bóng năm nay, khi mà ông đã có thêm những sự lựa chọn chất lượng như Pique hay Alves, cộng thêm nguồn lực sẵn có của Barca. Nhưng xem ra Pepe chưa thể giải quyết vấn đề cố hữu vốn là căn bệnh "truyền kỳ" của Barca.

 

Khách quan mà nói, hàng phòng ngự của Barca chưa bao giờ được đánh giá cao, ngay cả khi họ giành cú đúp Champions League và La Liga năm 2006, vì đơn giản ở Barca tấn công mới là phương án phòng ngự tối ưu nhất.

 

Quay ngược thời gian về quá khứ, chúng ta đã thấy Rijkaard "khổ sở" như thế nào với hàng thủ của Blaugrana. Chỉ sau cú đúp lịch sử năm 2006 một thời gian ngắn, cựu HLV Barca đã mang về rất nhiều cái tên như Zambrotta, Abidal, Toure và Thuram để tăng cường sức mạnh phòng thủ. Rijkaard đã làm đủ mọi cách nhưng cuối cùng ông vẫn không thể chữa được căn bệnh "nan y" cho các Cules. Có thể dễ dàng nhận thấy các hậu vệ lúc ấy của Barca đều là những siêu sao thi đấu thành công trong màu áo ĐTQG nước mình, nhưng khi đầu quân cho đội chủ sân Nou Camp, họ lại vật lộn với chính phong độ của bản thân, trồi sụt và luôn thi đấu dưới sức.

 

Tương tự như vậy, trong triều đại đầu của Guardiola, chúng ta lại thấy căn bệnh phòng ngự Barca tái phát. Trong trận giao hữu gặp Boca Juniors, tất cả 4 hậu vệ của Barcelona đều tỏ ra non nớt và sai nhịp trong phối hợp khi toàn bộ hàng thủ chạy theo bám đuổi hai tiền đạo của Boca, để lộ khoảng trống chết người khiến thủ thành Pinto không thể làm gì hơn trong pha đối mặt. 


Hàng thủ Barca rất hay mắc lỗi bắt người
 

Bàn thua tương tự cũng xảy ra trong một trận đấu giao hữu khác, mà đối thủ hoàn toàn vô danh, vô danh đến nỗi tên của CLB ấy còn không đọng lại trong tâm trí NHM. Chỉ có điều thay vì chạy theo tiền đạo đối phương, toàn bộ hàng phòng ngự của Blaugrana lại dồn hết về cánh trái để cắt đường chuyền dài của đối phương, để cho một tiền đạo khác xuất hiện bất ngờ ở cánh phải, đón pha tạt ngang và dứt điểm thành công. Đây là những lỗi lầm có thể được tha thức trong những trận cầu vô thưởng vô phạt, nhưng trong các trận đấu mang tính quyết định, mọi sai lầm đều phải trả giá rất đắt mà bàn thua trước Numancia là ví dụ điển hình nhất.

 

Ngoài ra chống bóng bổng cũng là một điểm yếu của Barca lúc này. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều các đối thủ lớn ở châu Âu tận dụng triệt để bài bản tạt cánh đánh đầu khi gặp Barca, giống như Manchester United đã làm. Chắc chắn MU sẽ không lạm dụng chiến thuật ấy một khi họ gặp Chelsea hay Milan nhưng với Barca, đó lại là sự lựa chọn số 1.

 

Việc làm trước tiên của Guardiola là phải "thiết quân luật" những nguyên tắc cho hàng thủ, đặc biệt trong khâu phân chia nhiệm vụ kèm người. Nói thì có vẻ dễ nhưng thực chất đây cũng là vấn đề mà Rijkaard cũng khó lòng giải quyết nổi khi còn tại vị. Chỉ cần một vài lỗ hổng ở hàng thủ, Barca sẽ phải trả giá bằng những bàn thua đau đớn.

 

Vấn đề hàng công và lối chơi "độc đạo"

 

Vấn đề tiếp theo của Barcelona, kéo dài từ mùa giải trước, chính là khả năng tận dụng các pha bóng chết, đặc biệt là phạt góc. Ở thời kì đỉnh cao, Ronaldinho rất nguy hiểm với những pha sút phạt hàng rào nhưng trong mùa giải năm ngoái anh không ghi được nhiều bàn thắng từ các chấm đá phạt trực tiếp. Và bây giờ, khi các chuyên gia đá phạt như Deco, Ronnie rời xa Nou Camp, Barca càng khó khăn hơn trong việc ghi bàn từ các pha bóng chết. Henry khi còn khoác áo Arsenal là một cầu thủ rất hay ghi bàn từ các pha sút phạt nhưng lúc này phong độ của anh không còn được như trước.


Henry chưa tìm lại được phong độ cao nhất
 

Cũng trong mùa giải năm ngoái, bàn thắng bắt nguồn từ các pha đá phạt góc của Barca là cực hiếm, đến nỗi có thể đếm bằng một bàn tay. Hầu hết trong số đó được ghi bởi các trung vệ như Marquez.

 

Barcelona cũng không có được nhiều phương án lựa chọn trong lối chơi. Họ trung thành với những đường chuyền cũng như phối hợp ở cự ly ngắn và trung bình, với các cầu thủ có kỹ thuật và tốc độ. Tuy nhiên một khi lâm vào bế tắc do đối phương bắt bài, Barca khá thụ động trong việc biến đổi linh hoạt về lối chơi. Guardiola chắc hẳn nhận thức rõ điều này ở trận đấu đầu tiên với Numancia nhưng những gì ông điều chỉnh lại không đem lại nét tươi mới trên hàng công.

 

Tiêu tốn tới 88 triệu Euro để "shopping" (chiếm 1/3 tổng số tiền chuyển nhượng mùa hè của La Liga), trong đó có các bản hợp đồng đắt giá của Alves, Henrique, Caceres hay Pique nhưng xem ra thành quả mà Barca thu được chưa tương xứng với nguồn vốn đầu tư của họ. Đến bao giờ Nou Camp mới sạch bóng nỗi lo?

 

  • N.Thắng

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X