Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

Các đại diện Premier League gây thất vọng: Bóng đá Anh đang sa sút?

Thứ Sáu 26/10/2012 09:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Arsenal, Chelsea, Man City đồng loạt gục ngã, còn M.U đã phải lội ngược dòng mới thắng sát nút Sporting Braga trên sân nhà. Nhưng mới chỉ sau một lượt trận, liệu có thể kết luận rằng bóng đá Anh đã sa sút?

Thật ra, đáng báo động nhất trong số này chỉ là Man City, đội bóng đang chết dí ở đáy bảng D với vỏn vẹn 1 điểm sau ba trận. Mùa thứ hai liên tiếp, thầy trò Mancini rơi vào bảng đấu tử thần của Champions League, và rất ít người tin họ có thể làm được điều thần kỳ ở lượt về vòng bảng. Nên nhớ rằng ở mùa giải trước, dù giành tới 10 điểm, Man xanh vẫn bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Chính Mancini đã phải cay đắng thừa nhận rằng chỉ có phép màu mới giúp đội bóng của ông đi tiếp.

man city ajax
 

Sau khi Chelsea gục ngã 1-2 ở Donetsk, một số tờ báo Anh đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ trở thành nhà vô địch Champions League đầu tiên bị loại sau vòng bảng. Nhưng nên nhớ rằng, đó mới là thất bại đầu tiên của Roberto Di Matteo ở đấu trường châu Âu. Mà thật ra, thua sát nút trên sân một đội bóng đang có phong độ khủng khiếp như Shakhtar Donetsk (toàn thắng 12 trận ở giải VĐQG, suýt đánh bại Juve ngay tại Italia) cũng không phải một thảm họa. Tại bảng E lúc này, nhà ĐKVĐ vẫn đang xếp thứ nhì, do Juve vừa hòa Nordjelland, đội bóng từng thua Chelsea đến 0-4. Lạc quan hơn một chút, Chelsea có thể lấy dẫn chứng rằng khi Barca phải bảo vệ danh hiệu Champions League 2008-09, họ cũng chỉ giành được 4 điểm sau 3 lượt trận đầu tiên.

Arsenal là đội gây thất vọng nhất lượt trận này khi gục ngã 0-2 ngay trên sân nhà trước Schalke 04, nhưng họ vẫn đang vững vàng ở ngôi nhì bảng B nhờ vốn liếng là hai chiến thắng liên tiếp trước đó. M.U, đội bóng Anh duy nhất chiến thắng ở lượt trận này, thậm chí còn đặt một chân vào vòng knock-out khi giành trọn 9 điểm tuyệt đối ở bảng H. Hiện tại, ngoài họ ra, chỉ có Barca, Malaga và Porto là còn toàn thắng. Tất nhiên, cái cách mà M.U phải lội ngược dòng trước Braga khiến nhiều người thót tim, nhưng nên nhớ rằng ở lượt đấu điên rồ vừa qua, đến Barca cũng phải đợi đến phút bù giờ mới kiếm được ba điểm trước đội khách Celtic, vốn bị đánh giá thấp hơn họ rất nhiều.

Đẳng cấp hay không, hãy chờ vòng knock-out

Tất nhiên, để có cơ hội thể hiện đẳng cấp ở những vòng knock-out thì trước hết phải vượt qua vòng đấu bảng. Nhưng khi giai đoạn này mới đi được một nửa chặng đường, và cơ hội các đội bóng vẫn còn nguyên, thì chẳng thể nào nói trước được điều gì.

Và nếu những ai xem thường các đội bóng Anh thì hãy nhìn vào một thực tế rằng trong suốt 8 năm qua, chỉ có đúng một mùa giải trận chung kết Champions League vắng bóng một CLB Anh. Đó là mùa 2009-10, khi mà hai đại diện Premier League vào sâu nhất là M.U và Arsenal đều dừng bước ở tứ kết, còn trận chung kết ở Bernabeu là cuộc so tài giữa Bayern Munich và Inter Milan. Tuy nhiên, ở tất cả những mùa còn lại, người Anh đều góp mặt ở chung kết. Họ là Liverpool (2005, 2007), Arsenal (2006), M.U (2008, 2009, 2011), Chelsea (2008, 2012). Thậm chí trận chung kết mùa 2007-08 còn là cuộc nội chiến giữa M.U và Chelsea.

Tất nhiên, người Anh cũng phải nhìn thẳng vào hiện tại để nhận thấy rằng mỗi CLB của họ đều có những vấn đề riêng. Man City không thể đổ lỗi cho số phận đã khiến họ rơi vào bảng tử thần năm thứ hai liên tiếp, khi mà trước đối thủ dễ đá nhất bảng là Ajax, họ cũng bộc lộ rõ sự non nớt (thực tế đây mới là mùa thứ 2 Man City dự Champions League). Rõ ràng, bảo vệ chức vô địch Premier League đã khó, gây dựng tên tuổi ở đấu trường danh giá nhất châu Âu còn khó hơn nhiều. Và nên nhớ, Mancini là một HLV hết sức vô duyên với Champions League.

Vấn đề với hai đội bóng thành London lại không phải là kinh nghiệm. Sau hai thất bại liên tiếp trước Norwich và Schalke, Arsenal dường như lại trở lại vế xe đổ cũ: khủng hoảng niềm tin bởi không vượt được qua chính mình. Bài toán ấy tưởng như đã được giải quyết khi Cazorla, Podolski thích nghi rất nhanh, trong khi hàng phòng ngự dưới bàn tay của Steve Bould đã có nhiều biến chuyển tích cực. Trong khi đó, Chelsea đang gặp phải những khó khăn tất yếu trong quá trình thực hiện một cuôc cách mạng về lối chơi.

M.U cũng chẳng vui vẻ gì với chính sách lấy công bù thủ, song rõ ràng, đó là sách lược khả dĩ nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Điều quan trọng là Sir Alex và các học trò quyết tâm theo đuổi lối đi ấy, và họ vẫn đang làm rất tốt.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X