Nếu coi danh hiệu là cái đích cuối cùng của đời cầu thủ, thì thế giới bóng đá có hàng vạn kẻ “thất bại” mỗi mùa giải. Nhưng tất nhiên đó không phải ý nghĩa cuối cùng của thể thao.
1. Nước Anh có 92 CLB chuyên nghiệp, với khoảng 4.500 cầu thủ chuyên nghiệp. Mỗi mùa, nếu tính cả ngôi đầu bảng những hạng dưới cũng là “danh hiệu”, thì có tổng cộng 6 danh hiệu chính thức được trao. Nếu trung bình mỗi CLB có 30-40 cầu thủ thuộc đội hình chính, thì cũng chỉ có trên dưới 200 người đoạt danh hiệu. Hơn 4.300 cầu thủ khác, không có chiếc huy chương nào.
Nếu coi danh hiệu là cái đích cuối cùng của đời cầu thủ, thì thế giới bóng đá có hàng vạn kẻ “thất bại” mỗi mùa giải. Nhưng tất nhiên đó không phải ý nghĩa cuối cùng của thể thao. Sau trận hòa giữa QPR và Man City, người ta sẽ nói nhiều tới hai nhân vật: thủ môn Julio Cesar, người đã từ chối chiến thắng của Man City bằng một pha cản phá xuất quỷ nhập thần ở phút 42. Và người thứ hai, là Mario Balotelli, tiền đạo đã chính thức chia tay Man City trong hôm qua.
Nhưng nhân vật được đồng đội xếp thành 2 hàng, vỗ tay tiễn vào đường hầm sau trận đấu ấy, là Ryan Nelsen. Trung vệ 35 tuổi sẽ chia tay QPR sau trận đấu này, sang MLS để bắt đầu sự nghiệp HLV cùng Toronto FC.
2. Ryan Nelsen là cầu thủ xuất sắc nhất trên sân trận QPR-Man City. 5 cú tắc bóng, 10 pha phá bóng, 9 lần cắt đường chuyền của đối phương, tỷ lệ chuyền bóng chính xác 100%, chính anh là người đã cướp đi một chiến thắng của Man City. Một màn chia tay đáng nhớ.
Nelsen không có danh hiệu đáng kể nào trong sự nghiệp. Anh luôn thuộc về 4.300 “kẻ vô danh” cuối mùa giải. Sẽ ít CĐV trung lập nhớ được mặt anh. Nhưng chính những người như Nelsen góp phần tạo nên cái gọi là “bóng đá” như chúng ta đang ngưỡng mộ.
Nelsen là thủ lĩnh của đội tuyển New Zealand cầm hòa Italia tại World Cup 2010, một trong những cú sốc lớn nhất giải đấu. Nelsen cũng là người đã lãnh đạo hàng thủ QPR trụ vững trước Man City. Sẽ chẳng ai trao danh hiệu gì cho anh sau những trận đấu ấy. Nhưng không có Nelsen, không có những đội bóng như New Zealand ngày 21/6/2010 hay QPR ngày 29/1/2013, bóng đá sẽ không còn là bóng đá nữa.
Bây giờ thì anh đã là HLV trưởng của một CLB nhỏ. Anh có thể biến mất khỏi thế giới truyền thông, nhưng anh cũng có thể nối bước những cầu thủ làng nhàng khác, như Alex Ferguson hay Arsene Wenger để viết lại lịch sử bóng đá.
Bóng đá không chỉ thuộc về những cầu thủ có danh hiệu. Bóng đá là nơi tôn vinh những người biết chiến đấu vì danh dự. Ryan Nelsen đã treo giày trong danh dự. Thậm chí bóng đá đôi khi không tôn vinh chiến thắng: QPR “chỉ” hòa được Man City, New Zealand “chỉ” hòa được Slovakia, Italia và Paraguay.
3. Người ta có thể có danh dự dù không chiến thắng. Và người ta cũng có thể đánh mất danh dự dù không thua. Roberto Mancini đã hơn một lần nói rằng Man City vẫn đang tiến bộ. Họ có FA Cup sau 2 năm ông nắm đội. Sau 3 năm, Man City vô địch nước Anh. Như thế chẳng phải là tiến bộ thì là gì?
Nhưng nếu QPR của Redknapp sẽ được tán dương chỉ vì họ trụ hạng, thì Man City cũng có thể nhận chỉ trích vì họ chỉ xếp thứ Nhì. Nếu Ryan Nelsen được đồng đội đứng đó, vỗ tay tôn vinh, chỉ vì anh đã làm nên những trận hòa, thì Man City có thể nhận chỉ trích vì họ không thể thắng cách biệt hơn 2 bàn.
Thước đo danh dự là khác nhau. CĐV Liverpool có thể đau đớn chia tay Benitez. CĐV Tottenham phẫn nộ vì việc sa thải Redknapp. Đó đều là những người không vô địch nước Anh. Nhưng nếu nhà vô địch Premiership 2011/12, Roberto Mancini rời khỏi Etihad, e rằng có ít người muốn đứng dậy xếp thành một hàng rào danh dự, vỗ tay để chào tạm biệt ông.
Đức Hoàng - Bongdaplus.vn