Trước tiên, hãy nói về khả năng Chelsea lọt khỏi top 4 tại Premier League 2012-2013 đã. Chẳng có gì là bất hợp lý, với một phong độ phập phù như thế này, một HLV mới nắm quyền và các cầu thủ thì đá lúc được lúc không, việc Chelsea đến giờ này xếp tận... thứ 3 là một điều bất ngờ chứ chẳng phải là xứng đáng gì. The Blues còn trụ được trong top 4 không phải vì họ mạnh, mà là vì các đội khác chưa đủ mạnh để chen chân vào thế chân vạc Chelsea - Man City - Man Utd. Suy cho cùng The Blues cũng đâu phải một đội bóng nhỏ ở Premier League, nhưng những gì họ đang thể hiện không cho thấy một bộ mặt của đội bóng lớn. Premier League còn tới 14 vòng, và thậm chí Liverpool cũng có thể soán ngôi Chelsea được. Hãy nhìn một chút vào bảng xếp hạng, nơi mà Chelsea đang đứng thứ 3 với 46 điểm, bị theo sát bởi đối thủ cùng thành phố Tottenham Hotspur cùng 4 điểm kém hơn. 4 điểm chẳng phải cái gì đó quá khó để san lấp: Man City kém Man Utd 7 điểm nhưng vẫn còn đầy hi vọng vô địch, QPR kém Southampton ở vị trí thứ 15 cũng 7 điểm và họ đang hi vọng trụ hạng với những thành tích tốt liên tiếp gần đây. Vậy thì 4 điểm khoảng cách giữa Tottenham và Chelsea có nghĩa lý gì khi Premier League còn tới 14 vòng, và Chelsea thì cứ đánh mất điểm phút cuối như trong trận đấu với Reading giữa tuần qua? Một đội bóng lớn bắt buộc phải có bản lĩnh thi đấu. Một nhà vô địch không được phép để trận đấu trôi về tỉ số hòa khi đã dẫn 2 bàn đến phút 87. Một đội bóng trong top 4 không được phép có sự thiếu ổn định đến kì lạ như Chelsea.
Nói họ thiếu ổn định, bởi đằng sau những chiến công hào nhoáng như thắng Aston Villa 8-0, đả bại Everton ngay trên đất Goodison Park trong một mùa giải mà Maroune Fellaini và các đồng đội thi đấu như lên đồng, hay vượt qua Stoke tới 4 bàn không gỡ tại thánh địa Brittannia là những khoảng tối mà Chelsea viện hết cớ này đến cớ khác để lấp liếm, che đậy. Hòa Southampton 2-2 ngay tại sân nhà sau khi dẫn 2-0, Benitez định bào chữa thế nào? Rồi một kết quả tương tự xảy ra tại sân nhà của Reading. Tóm lại, sau khi vấp ngã, Chelsea không tìm ra được bất kì một bài học nào hữu ích cho mình để rồi lần sau lại mắc phải lỗi lầm tương tự. Họ hòa Swansea 0-0 ở Capital One Cup sau khi thua 0-2 ở lượt đi, dẫn tới bị loại khỏi đấu trường này. Người Chelsea cao giọng: Capital One Cup chẳng quan trọng. Ok, chẳng quan trọng thì lấy đội hình chính thức ra để so kè làm gì, để rồi cố gắng nỗ lực đến phút cuối cùng nhưng vẫn thua? Tốt nhất là không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, có trách thì trách Chelsea đã chơi quá kém trong cả 2 lượt trận tiếp Swansea tại đấu trường cúp kể trên. Vua đấu cúp Rafa Benitez chẳng hề coi nhẹ Capital One Cup, bởi những trận đấu của đấu trường này vẫn có sự góp mặt của những Mata, Oscar, Hazard hay Ivanovic, Petr Cech... Chelsea thua là vì năng lực, chứ không phải vì coi nhẹ Capital One Cup.
Có sai không khi gọi Chelsea là "Ông lớn nửa mùa" ? |
Vì vậy, có thể đi tới một khẳng định: Chelsea không mạnh như người ta vẫn nghĩ. Họ phập phù, thiếu ổn định và may cho họ là trận thua Swansea không diễn ra tại Premier League. Nhìn sau lưng Tottenham, còn 3 đối thủ nữa có thể soán ngôi Chelsea, bao gồm Everton, Arsenal và Liverpool với các khoảng cách lần lượt là 5, 8 và 11 điểm. Như đã nói, nếu cứ thể hiện bộ mặt thiếu tích cực như thế này, chẳng có gì lạ nếu khoảng cách của The Blues với các đội xếp sau bị san lấp, nhất là trong bối cảnh họ sẽ rất dễ hụt hơi trong khoảng 8 vòng cuối. Thực sự, để nói tích cực thì trong 8 vòng này họ giành được 16 điểm đã là cả 1 kỳ tích: sau khi được Southampton đón tiếp tại St. Mary (Southampton chính là đội bóng đã cầm chân Chelsea 2-2 sau khi bị dẫn 0-2 trong trận lượt đi), Chelsea trở về tổ ấm Stamford Bridge để gặp 2 cái tên cực xương xẩu là Sunderland và Tottenham. Tiếp đó, The Blues tới Anfield để gặp Liverpool trước khi lại quay về để giáp mặt Swansea, đội bóng đã loại họ quá thuyết phục ra khỏi Capital One Cup. Vòng 36, Chelsea gặp Man Utd tại sân Old Trafford trước khi gặp Aston Villa và Everton ở 2 vòng cuối cùng. Nên nhớ, Everton không hề yếu: họ đang xếp thứ 5. Nếu The Blues giải quyết tốt 5 trận gặp Tottenham, Liverpool, Swansea, Man Utd và Everton, họ sẽ có chỗ trong top 4. Còn nếu không, công sức của Benitez và các học trò từ đầu mùa đổ sông đổ bể.
Và với việc phong độ cứ dần sa sút thảm hại, Roman Abramovich cũng sẽ có thể thỉnh thoảng vui lòng được thấy đội bóng con cưng của mình sảy chân trong một trận đấu mà họ được đánh giá là sẽ thắng dễ dàng, hoặc ngang cơ đối thủ. Tiếp Newcastle ở vòng tới, liệu Chelsea có thắng được không? Rồi sau đó, gặp Man City, West Brom, Fulham, liệu rặng The Blues có thể đánh mất điểm ở những phút cuối? Chẳng có gì là không thể, đến Reading họ còn hòa được sau khi đã dẫn 2-0 thì quả thực rằng những cái tên kể trên có khả năng đem tới hậu họa khôn lường cho Abramovich cùng bộ sậu.
Như đã phân tích trong một bài báo trước đây, một HLV giỏi ở Chelsea cần phải dùng được những người mà Abramovich muốn mua, chơi sexy và phải có chức vô địch (trên thế giới chắc chỉ có mỗi... Barca là lúc nào cũng tấn công và vô địch), đồng thời phải giữ được mạch trận thắng ổn định nếu không thì ra đường lúc nào chẳng hay. Chính thế mà Abramovich rất thèm khát Pep Guardiola, nhưng chia buồn với ông chủ người Nga là Pep đang dẫn dắt Bayern mất rồi. Chẳng có cái tên nào sẵn sàng đứng ra để giúp ông khi Jose Mourinho ưa chuộng điểm đến là Man City hoặc Man Utd, Felipe Scolari hay Carlo Ancelotti thì Abramovich cũng... thử qua hết rồi. Thế nên nếu Benitez ra đường (khả năng 99% là vậy vì chẳng có lấy 1 sự ủng hộ ở Stamford Bridge), công cuộc tìm kiếm HLV cho Chelsea sẽ làm ông chủ người Nga rất đau đầu. Luciano Spaletti cũng là một cái tên được nhắm tới, nhưng một HLV mới chỉ có kinh nghiệm dẫn dắt tại Ý và Nga liệu có thể thỏa mãn được Roman? Khi ông nói rằng ông cần thời gian để nghiên cứu đội bóng mới, coi chừng ông đã bị săm soi bởi Abramovich rồi.
Còn cầu thủ, Chelsea cần phải xây nhà từ gốc. Việc các công thần cứ tới tuổi là bị bán vô tình tạo nên một ấn tượng xấu của các cầu thủ với Chelsea: họ không tôn trọng nhân tài của mình như trường hợp của Man Utd - những Gary Neville, Paul Scholes hay Ryan Giggs đều có thể ở lại Old Trafford đến cuối sự nghiệp. Còn Drogba, Lampard hay Anelka, Malouda, Ashley Cole đều còn giá trị sử dụng, nhưng vẫn bị bán. Xây nhà theo kiểu Chelsea là xây nhà từ nóc, họ chỉ thấy được lợi ích trước mắt chứ tính toán đường dài, Chelsea còn phải học những Real Madrid, Barcelona hay Manchester United nhiều. The Blues cần có được những công thần trung thành như John Terry, nhưng đáng tiếc rằng ngoảnh đi ngoảnh lại, có khi đến một lúc nào đó, chính Terry cũng bị bán. Việc không có được hệ thống công thần đóng góp sức lực cho đội bóng trong cả sự nghiệp nhưng lại tồn tại tình hình Thế lực đen trong phòng thay đồ, Chelsea còn vô số việc để làm nếu muốn trở thành một ông lớn của bóng đá châu Âu.
Vì vậy, những cái tên như Falcao, Taison mà Chelsea đang theo đuổi chẳng phải những giải pháp có thể giúp họ cải thiện được mình. Quan trọng là một chiến lược dài hơi với những con người thực sự tận tâm với nó. Nhưng tận tâm không phải tận tâm kiểu Abramovich, cứ thọc mũi vào các vấn đề chuyên môn, điều mà các HLV tại Stamford Bridge cực kì khó chịu. "Tận tâm" có nghĩa là ai làm việc của mình, chọn đúng người, làm đúng nhiệm vụ. Nếu làm được điều đó, cùng tiềm lực tài chính siêu khủng, Chelsea sẽ thành công. Nhưng đó là chuyện tương lai, mùa này hãy dè chừng Everton, Tottenham, Arsenal và Liverpool đi đã. Top 4 không dễ ăn đâu, Abramovich!
- Thành Nguyễn - Bongda24h.vn