Mọi chuyện vẫn vậy, trái đất vẫn quay và các CĐV Arsenal vẫn cứ nhìn thấy đội bóng của họ chấp chới phía dưới top 4. Hệt như một người lữ hành kỳ dị, cứ bước đi trong giông bão bỏ mặc ngoài tai mọi chỉ trích, đoàn Pháo thủ đã cho thấy một bộ mặt thật khó giải mã cả ở cách chơi lẫn tinh thần.
Tiếp tục lại là những sai lầm không thể tưởng tượng ở bóng đá đỉnh cao, tiếp tục là sự chậm chạp cách ly hoàn toàn khỏi phong cách, và rồi khi bóng tối ập xuống, chiếc Ferrari đỏ-trắng đột nhiên tăng tốc mà không hề có dấu hiệu nào báo trước...
Walcott tiếp tục nổ súng, giúp Arsenal ngược dòng ngoạn mục.
Hai thế giới
Những người chứng kiến màn trình diễn của Arsenal trước The Kop chắc hẳn sẽ tự hỏi: Tại sao đội bóng đó lại chỉ có thể bùng nổ sau 2 bàn bị dẫn trước, mà không sớm hơn? Không hề có thay đổi nào quá lớn về cách chơi, nhân sự cũng không nốt. Khi Henderson một mình đánh bại tới 4 cái bóng áo đỏ để ghi bàn thứ 2, Emirates như tê liệt. Tê liệt và hụt hẫng vì sự thất vọng, vì cảm giác mất thăng bằng ghê gớm bởi một hình ảnh rất “đời”, nhưng lại quá đỗi xa lạ với những ước mơ.
Ngay cả nhiều cầu thủ Liverpool cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra với hàng thủ đối phương. Wenger đã rất đúng khi gọi đó là biểu hiện của sự căng thẳng, từ mọi tuyến tới mọi cầu thủ. Căng thẳng vì muốn chiến thắng. Và cả vì sợ... thua.
Nhưng đội bóng ấy đã không vì thế mà chơi kiểu chấp nhận, giống hệt như 3 trận liên tiếp trước đó tại Premier League. Lần lượt trước Man City, Chelsea và West Ham, dù ở những tình huống hiểm nghèo hay phút thăng hoa, Arsenal vẫn biết cách bùng lên dữ dội sau giờ nghỉ.
Không ai biết vì sao những Podolski, Walcott hay Wilshere dường như lại chạy nhanh hơn, Giroud xuất hiện ở điểm nóng nhiều hơn, và Cazorla chuyền bóng tốt hơn hẳn những gì xảy ra trước đó. Cứ như thể một chiếc xe đua đã vào số lớn, đoàn Pháo thủ lao đi với tốc độ nghẹt thở dưới bầu không khí tràn ngập quyết tâm. Dường như, Giáo sư người Pháp đã không biết phải làm gì khác ngoài việc ngồi tận hưởng điều đó.
Màn "tra tấn" The Kop bằng tốc độ và thể lực sung mãn diễn ra quá tốt, tới mức Arsenal không thể thay ai ra khỏi cỗ máy đó. Chỉ cần 1 chút chính xác nữa, 1 chút may mắn nữa, mọi thứ sẽ trở nên hoàn hảo. Nhưng thực ra, như vậy cũng đã đủ để The Gunners chứng tỏ họ có thể làm được những gì.
Tương lai không chỉ là sự than trách hay im lặng. Nó phải được xây dựng bằng những nỗ lực thực sự trong hiểm nguy, và cả những phút hứng đòn.
Vì sao Wenger chưa muốn mua?
Tới lúc này, ai cũng thấy rõ Wenger không hề mặn mà với các thương vụ mùa Đông. Một kế hoạch mạo hiểm khi Arsenal đang bất lợi ở cuộc đua vào top 4? Có thể đúng, hoặc cũng có thể xem đó là biểu hiện của sự bảo thủ quen thuộc từ Giáo sư.
Nhưng trái lại, Wenger luôn là người biết tính toán, và cũng luôn là người dám chịu trách nhiệm về tính toán của mình. Không phải vấn đề tiền, và cũng không phải việc ông tránh thừa nhận các lỗ hổng nhân sự. Đơn giản, kinh nghiệm cho thấy để có được 1 bản hợp đồng tốt ở thời điểm tháng Một là không dễ, chưa tính đến các trở ngại từ đối tác (như trường hợp Villa). Thêm vào đó, cái họ cần hơn cả là sự ổn định, là thái độ tự tin, và cả cảm giác an toàn khi được trọng dụng. Bổ sung lực lượng không phải để rồi phải gạt bỏ những nhân tố đã hy sinh cho đội bóng.
Công bằng mà nói, nếu các Pháo thủ có thể chơi tốt đến thế ở 30 phút cuối trước Liverpool, họ có quyền tin tưởng vào khả năng cải thiện phong độ. Và nếu họ vẫn còn tin tưởng Wenger như một người dẫn đường trí tuệ và dũng cảm, Arsenal vẫn sẽ thực sự được chờ đợi mỗi dịp bóng lăn.
Sau cùng, hình ảnh ăn mừng theo kiểu “ký hợp đồng” của Walcott cũng chính là hình ảnh “chiến thắng” của Arsenal sau một năm đầy âu lo, mệt mỏi. Xen lẫn thất bại và búa rìu dư luận, xen lẫn giữa những cạm bẫy và sai lầm, vẫn còn đó những tia chớp lóe lên cho hy vọng. Cho tương lai chờ đợi. Và cho cả những tuổi thanh xuân đã mất tự bao giờ.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)