Scandal cầu thủ đi vũ trường được xử lý qua quýt với lời giải thích “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Cũng với cách giải thích này thì rất nhiều tiềm năng đã vĩnh viễn lụi tàn, vì “người chạy lại” thường kém xa với chính họ lúc “chạy đi”.
Nếu bản thân các cầu thủ thuộc đội U21 Việt Nam đã xem chuyện mặc áo có gắn tên đội tuyển đi vũ trường là chuyện vặt, nếu BHL và chính những người đang điều hành bóng đá nội đã xem đấy là chuyện nhỏ, thì dư luận có phản ánh cỡ nào đi chăng nữa, với họ mọi thứ vẫn là… chuyện vặt.
Cái này thuộc về nhận thức mà nhận thức thì không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, nếu bản thân những người trong cuộc cũng không nhận ra đúng bản chất của vấn đề. Sở dĩ dư luận cần những án kỷ luật nghiêm, hơn là hình thức khiển trách qua loa là ở chỗ những cầu thủ vừa vi phạm, nếu tiếp tục được dung dưỡng và được xử lý qua quít mỗi khi phạm lỗi như thế này sẽ sớm… “rụng”, như hàng loạt tiềm năng của bóng đá Việt Nam đã rụng trước đó, cũng vì người lớn thiếu kỷ cương, còn bản thân của cầu thủ lại thiếu nhận thức.
Nói về tiềm năng có lẽ khó ai hơn Phạm Văn Quyến, đấy là tài năng rất đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Nhưng Phạm Văn Quyến thực chất chỉ tỏa sáng đến sau năm 21 tuổi (tính theo giấy tờ), đến sau SEA Games 2005 rồi vật vờ cho đến tận bây giờ.
Văn Quyến chìm sớm cũng vì những cậu chuyện khởi đầu mà người lớn tưởng như vặt vãnh như chuyện vừa xảy ra với một số cầu thủ thuộc đội U21 Việt Nam. Cậu bé vàng ngày nào của bóng đá Việt Nam chìm vì người lớn thay vì gò Quyến vào kỷ cương ngay từ đầu, lại dung dưỡng, để đến lúc Quyến đi sai đường thì đã muộn.
Sau Phạm Văn Quyến, cách nay 6 năm, Nguyễn Hồng Việt từng được dự đoán sẽ là tài năng lớn trong tương lai. Nhưng cũng thời điểm đó, có HLV hiểu chuyện đã nói rằng Hồng Việt trước sau gì cũng hỏng, khi nhìn vào cách sinh hoạt bên ngoài sân cỏ của cầu thủ này. Giờ thì Hồng Việt mất hút, dù lẽ ra đây là giai đoạn đẹp nhất trong đời cầu thủ của chàng trai mới 25 tuổi này.
Trước Phạm Văn Quyến, người ta cũng biết đến một tài năng khác của bóng đá xứ Nghệ là Phan Thanh Tuấn. Nhưng Phan Thanh Tuấn chưa bao giờ tỏa sáng ở đội tuyển. Không phải là anh không có tài, ngặt nỗi cái tật của cầu thủ này lại lớn hơn cái tài. Nhiều người bảo sở dĩ Phan Thanh Tuấn không thể lên tuyển vì ở đội tuyển, cầu thủ này không bao giờ có được chế độ sinh hoạt đặc biệt như ở CLB, trong khi cuộc sống bên ngoài bóng đá của Phan Thanh Tuấn quá phức tạp.
Vũ Như Thành hay Châu Phong Hòa cũng là những ví dụ sinh động khác. Nếu bản thân các cầu thủ vừa nêu có nhận thức tốt, nếu người lớn biết cách nắn họ đi đúng đường, thay vì làm ngơ với những bê bối của chính họ, có lẽ những tài năng lớn này không kết thúc sự nghiệp thi đấu đỉnh cao sớm đến vậy.
Buồn nhất là lúc có chuyện, khi cầu thủ bê bối, cấp quản lý thay vì nghiêm túc chấn chỉnh, thường có chung kiểu giải thích: “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại!”. Không biết khi phát biểu câu đấy, họ có hiểu hết thông điệp từ câu nói vừa nêu hay không? Nếu “người chạy đi” thực sự sửa đổi, thực sự hiểu ra vấn đề thì mới đáng gọi là “chạy lại”.
Còn nếu chỉ là nhận lỗi hình thức cốt để tránh bão dư luận, trước khi chờ mọi việc lắng xuống rồi “chạy tiếp”, thì chẳng khác nào người lớn đang dung dưỡng cho thói xấu của những cầu thủ vốn chưa thành tài đã sinh tật. Rồi cũng đã có hàng loạt cầu thủ nội lúc “chạy lại” kém xa so với chính họ khi mới “chạy đi”, cả về chuyên môn lẫn phong cách. Cứ phải nhắc đi nhắc lại sở dĩ dư luận đòi hỏi có kỷ luật nghiêm cầu thủ vi phạm, vì phần đông người hâm mộ nhận thức được tác hại của thói hư nhỏ nếu không được sửa kịp thời sẽ sinh ra tác hại lớn.
Chỉ có những người trong cuộc là chưa nhận ra, vẫn xem chuyện đấy là chuyện vặt. Chỉ có điều nếu đấy thực sự là chuyện vặt thì có lẽ bóng đá Việt Nam đã không mất hàng loạt tài năng. Nếu đấy thực sự là chuyện vặt thì nó đã không biến những ngôi sao có thời ngỡ như sẽ rất sáng trở thành sao băng, sao xẹt!
(Theo Dân Trí)