Nghe những giải trình về thất bại tại SEA Games 26 của HLV Falko Goetz, nhiều chuyên gia không khỏi khâm phục trình độ cãi của ông. Quả thật, ông Goetz đã đạt đến trình độ thượng thừa khi đứng trước hằng hà sa số “lưỡi gươm đao” vẫn tỉnh táo vượt qua nhẹ như không. Ông thoải mái biện luận, đưa ra dẫn chứng để thuyết phục rằng, những gì mình làm là không sai còn thất bại đến từ yếu tố khách quan hoặc lỗi của người khác.
Ai cũng bị đổ lỗi
Đối tượng bị ông Goetz đổ lỗi rất nhiều, từ cầu thủ chất lượng kém, VFF cung cấp không đủ thông tin về đối thủ, V.League đá giống “kiểu bóng đá Anh” đến cả sức ép không đáng có từ NHM và báo giới. Theo quan điểm của ông Goetz, không có ai là không có lỗi trong thất bại của U.23 VN. Với cách tư duy đó thì đương nhiên sai sót của Goetz nếu có cũng rất nhỏ trong một chuỗi những sai sót của cả hệ thống. Thế nên, ông Goetz có thể yên tâm rằng “các ngài đừng hòng thay tôi, bởi nguyên nhân thất bại ở SEA Games 26 đến từ cả bộ máy BĐVN đều mắc lỗi”.Nghe những giải trình về thất bại tại SEA Games 26 của HLV Falko Goetz, nhiều chuyên gia không khỏi khâm phục trình độ cãi của ông
Thử lật ngược lại vấn đề, tất cả những lý do ông Goetz đưa ra đều không mới. Cầu thủ U.23 chất lượng kém ư? Có thể nhưng phần lớn những cầu thủ này dưới bàn tay dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng từng thi đấu cực kỳ ấn tượng trong năm 2010, đoạt Cúp bóng đá TP.HCM sau khi thắng U.23 Iran rồi hạ cả U.23 Bahrain tại Asian Games 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Sau 1 năm, trình độ của những Thành Lương, Thanh Trung, Trọng Hoàng, Long Giang, Quốc Long, Chu Ngọc Anh, Đình Tùng, Văn Thắng… bỗng nhiên “lùn” đi chăng? Hay là trình độ của những đội như Indonesia, Malaysia, Myanmar mới tiến bộ nhanh hơn nên vượt tầm cả U.23 Iran hay U.23 Bahrain?
Ông Goetz cũng nói rằng VFF không cung cấp đầy đủ thông tin về các đối thủ nên thất bại vì “không biết mình, biết người”. Thế nhưng trong quá khứ đã bao giờ công tác thu thập tư liệu về các đối thủ của BĐVN tốt đâu? VFF gần như phó mặc công việc này cho các HLV nên họ phải tự đề xuất hướng khắc phục. Như HLV Calisto trước đây thường xuyên phải tự mày mò xem trên Youtube hoặc nhờ bạn bè giúp đỡ tìm tư liệu về đối thủ. Trong bối cảnh VFF còn thiếu chuyên nghiệp, hãy cứ so sánh cách làm của 2 ông thầy ngoại này thì ra vấn đề.
Nói đến lý do các đội bóng V.League thường xuyên chơi bóng dài, bóng bổng khiến ông Goetz gặp khó khăn khi xây dựng lối đá nhỏ ở U.23 VN, nhiều chuyên gia phải phì cười.
Thứ nhất, cách chơi của các đội bóng ở V.League gần như không thay đổi trong những năm qua, các HLV Riedl, Calisto vẫn có thành tích trên cái nền V.League đó nên đổ lỗi cho V.League là rất vô lý. Thứ hai, nói chuyện các đội bóng V.League chơi bóng dài, bóng bổng kiểu Anh là không thật chính xác, ở V.League vẫn có rất nhiều đội bóng chơi nhỏ, đập nhả đẹp mắt kiểu như B.Bình Dương, HN.T&T, HA.GL…
Còn chuyện đổ lỗi cho sức ép thì thật buồn cười, bóng đá luôn là môn thể thao Vua, được quần chúng dành cho sự quan tâm lớn. Chính nhờ sự quan tâm đó mà lương của ông Goetz là 22.000 USD/tháng chứ không phải là 2.000 USD/tháng như các chuyên gia môn điền kinh, TDDC hay xe đạp. Trong quá khứ, sức ép thành tích từ sự quan tâm đó luôn rất lớn và các cầu thủ phải biết tự vượt qua để giành thành tích. Sức ép trước đây và hiện nay không có gì khác nhau cả, chỉ khác là đội bóng của ông Goetz thảm bại.
“Giả mù, giả điếc”?
Nghe cách ông Goetz cãi là biết nếu có bị VFF bác bỏ những lý do kể trên thì ông cũng sẽ nghĩ ngay ra 5 lý do mới. Hôm trước, trong buổi trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông đưa ra một số lý do kiểu như cầu thủ VN thể hình bé, sức yếu nên thua. Đến khi bị báo chí bẻ là cũng thể hình bé như thế mà VN đã giành chức VĐ AFF Cup 2008 thì ông đã xoay ngay ra 5 lý do mới. Đến cả việc ông chỉ đạo cầu thủ chơi tấn công biên, lật cánh thay vì chơi bóng nhỏ, tấn công trung lộ dưới thời Calisto mà ông cũng cãi là do cầu thủ chơi tự phát thì hết biết rồi.
Thế nên, có tranh luận với Goetz về lý do thất bại cũng bằng thừa. Chỉ có điều, rất nhiều bạn đọc thắc mắc là cuộc họp có đầy đủ những chuyên gia bóng đá hàng đầu của VFF cùng cả ông Chủ tịch HĐ HLV QG mà có thể bị ông Goetz “qua mặt” dễ dàng vậy sao?
Trên thực tế, chỉ cần nhìn cách tổ chức cuộc họp đúng vào thời điểm ông Chủ tịch VFF đi công tác vắng, còn nhân vật số 2 là PCT Lê Hùng Dũng ở ngay TP.HCM cũng không chịu bớt thời gian vàng ngọc ra dự (thay vào đó là tham gia giao lưu trực tuyến) là biết động thái của VFF là thế nào. Những người ở lại biết là kiểu gì ông Goetz cũng tại vị thì việc gì phải bắt bẻ, việc gì phải lật tấm mặt nạ của nhau ra cho khó làm việc sau này.
Chưa kể, trong thất bại của ĐT U.23 VN có đến quá nửa nguyên nhân là do VFF, trong đó có cả việc chọn 1 người như Falko Goetz. Sa thải Goetz là tự thừa nhận thất bại của mình và rồi sẽ có người phải ra đi theo Goetz nên dại gì VFF đi vào cửa tử đó.
Thôi thì “cùng hội, cùng thuyền” với nhau, cứ “giả mù, giả điếc” để đi nốt con đường có khi lại hay hơn.
(Theo Thể thao 24h)