Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Barca: Không có chỗ cho tình thương bao la

Thứ Bảy 01/06/2013 19:39(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chỉ là không có tình thương bao la, chứ không hẳn là không có tình thương.

Cùng diễn đạt việc Abidal rời Barca sau mùa giải này nhưng nếu nói “Abidal chia tay Barca” là không thỏa đáng và có phần quy sự chủ động ra đi thuộc về anh. Cách nói hợp lý đúng theo những gì thực tế diễn ra nên là “Barca chia tay Valdes” khi không tiếp tục gia hạn hợp đồng.

 

Chuyện Abidal rời Camp Nou sau mùa giải này vốn đã được dự báo từ trước. Nhưng khi Barca thông báo Abidal cùng chủ tịch Rosell sẽ có buổi họp báo tại Camp Nou vào ngày 30 tháng 5 thì ai nấy cũng đã rõ mồn một chuyện gì sẽ xảy ra: Abidal sẽ không còn là cầu thủ của Barca. Hy vọng cuối cùng để níu kéo Abidal ở lại chính anh nhận đảm nhiệm một cương vị mới trong thành phần ban quản trị CLB. Và sau buổi họp báo vừa qua, Abidal không phải là nhân vật chính của một câu chuyện với kết thúc có hậu. Cầu thủ người Pháp không muốn (hoặc chưa muốn) trở thành một biểu tượng, anh muốn tiếp tục mặc quần đùi áo số chứ không phải áo vest thắt ca-vát. Vì lẽ đó anh từ chối lời đề nghị của CLB và tìm đến một đội bóng khác để chơi bóng.

Cách bày trí, sắp xếp của buổi lễ họp báo chia tay Abidal tái hiện một cách gần như hoàn hảo ký ức người hâm mộ Barca về buổi họp báo Guardiola chia tay Barca. Những nhân vật chính (Guardiola và Abidal) vẫn chỉ ngồi bên rìa trái và ngài chủ tịch thì vẫn ngồi giữa, bên cạnh GĐ thể thao Zubizarreta. Bên dưới là đông đảo cánh báo chí cũng như nhiều thành phần trong đội bóng. Kết thúc vẫn là những cái ôm (rất nhiều những cái ôm là đằng khác, khi Abidal ôm hôn chào từ biệt từng đồng đội, từng thành viên ban huấn luyện). Chỉ khác là có thêm những khẩu hiệu “Merci Abidal” được trang hoàng cẩn thận: đã có một kế hoạch được lên sẵn.

Vấn đề tương lai của Abidal chỉ thật sự bị đặt dấu hỏi một cách đậm nét khi các tờ báo TBN tiết lộ hợp đồng của Abidal sẽ kết thúc vào mùa hè này thay vì được tự động gia hạn thêm 1, 2 năm nữa, bởi điều khoản quy định điều kiện thi đấu đủ số trận. Không khó để nhận ra trường hợp của Abidal khá giống với trường hợp của Seydou Keita (không có một buổi họp báo chia tay dành cho cầu thủ người Mali vào cuối mùa giải 2011/12, có thể vì Keita không có giá trị biểu tượng như Abidal). Song, có một chi tiết đáng chú ý trong toàn bộ vụ việc: ngày 20 tháng 12 năm 2012, phó chủ tịch Bartomeu của Barca tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh phát thanh RAC1 rằng “bản hợp đồng mới đã được soạn sẵn, ngay khi Abidal chính thức trở lại thi đấu trận đầu tiên sau quãng thời gian dưỡng bệnh và tập luyện, anh sẽ lập tức được gia hạn”. Cũng vì thế mà Johan Cruyff mới tỏ ra ngạc nhiên khi nghi vấn “cớ sao đã nói sẽ gia hạn nhưng cuối cùng lại để Abidal ra đi?”. Phải chăng Bartomeu đã nói hớ, hay có một sự không thống nhất trong các quyết định? Cũng có một cách lý giải khác: Barca đã suy nghĩ lại và cuối cùng đổi ý.

Trong suốt những năm qua, Abidal là một biểu tượng của Barca. Cũng những năm đó, giá trị của đội bóng này ngoài việc được xây nên trên nền tảng đồ sộ của thành tích, còn được tô điểm bởi những giá trị mang tính nhân văn đến từ Abidal, và sau đó là Vilanova. Không phủ nhận Barca xứng đáng với những giá trị đó, cũng phải thừ nhận Barca đã biết cách khai thác tốt ưu thế này – một ưu thế đặc trưng. Rosell có thể bị đánh giá chỉ là một tay chuyên làm kinh tế với tầm hiểu biết về bóng đá hạn hẹp so với người tiền nhiệm là Laporta, song không đến nỗi ông không nhận ra đâu là cách làm mang lại hiệu quả cho CLB cũng như cho chính công cuộc duy trì quyền lực của mình. Dựa trên hình ảnh Abidal để khuếch trương thanh danh CLB và từ đó quy đổi thành những giá trị tính bằng euro có thể minh chứng cho tư duy kinh tế nhạy bén của Rosell, nhưng không đồng nghĩa với việc ông hoàn toàn không trân trọng và không cổ xúy cho những giá trị nhân văn Catalunya thấm đượm tình thương. Người làm kinh tế đều được dạy về yếu tố đạo đức kinh doanh.

Vậy thì quyết định không gia hạn với Abidal nói lên điều gì? Trước hết, có thể hiểu theo nhận xét của GĐ thể thao Zubizarreta, đó là một quyết định “phức tạp, tổng hòa của nhiều yếu tố” đến nỗi để có phán quyết cuối cùng những nhà lãnh đạo Barca đã phải “đeo theo gánh nặng trong mỗi lần đi ngủ”.

Động cơ đầu tiên đến từ yếu tố chuyên môn. Abidal đã 33 tuổi và Barca cho rằng sức khỏe của anh không còn đảm bảo cho tần suất thi đấu 2, 3 trận/tuần. Nói như Rosell, nói “không” với Abidal thì rất khó, nhưng nói “có” thì lúc nào cũng dễ. Phải, nếu đó là “có” thì sau nữa là gì? Abidal sẽ vẫn là cầu thủ Barca, nhưng anh tiếp tục ngồi dự bị, liệu đó có phải là điều anh muốn? Cũng từ đây mà yếu tố kinh tế được nhắc đến. Gia hạn với Abidal, Barca sẽ tốn thêm một khoản lương vài triệu euro/mùa chỉ để anh dự bị hoặc ra sân vài trận… Nếu vẫn là “có”, thì mọi thứ theo lại cũng trở nên dễ dàng: Abidal tiếp tục là biểu tượng để Barca khai thác, khẩu hiệu “Més que un club” vì thế sẽ không bị hoài nghi như hiện tại và Rosell được tụng ca là một nhà kinh tế có lòng thay vì một kẻ chỉ biết đến tiền.

Nhưng, trong kinh doanh và trong bóng đá không có chỗ cho tình thương bao la. Vốn là có tình thương, nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó: anh có thể trụ lại đến bao lâu tùy thuộc vào đóng góp của anh, nhất là trên sân, còn không giữ anh ở lại cũng là một cái tội với chính anh. Quyết định chia tay Abidal là một nước cờ mang tính hai mặt, đắn đo giữa việc tiếp tục duy trì giá trị nhân văn nhưng không gặt hái về mặt doanh thu, lợi nhuận. Xét rằng một thương hiệu nổi tiếng về tính nhân văn vẫn có thể thu hút một số lượng người hâm mộ vị tha, nhưng người hâm mộ bóng đá từ xưa đến nay vốn chỉ thu nạp những thương hiệu thành công về khía cạnh thể thao, thành tích – muốn nhân văn người ta sẽ tìm đến những tổ chức phi lợi nhuận. Và trong bối cảnh hiện tại, Barca dường như đang bỏ quên khía cạnh thành tích ấy hoặc không được nhớ đến. Quyết định cuối cùng của Rosell hay ban lãnh đạo Barca đã tạo nên nhiều làn sóng trái chiều, đồng thời dự báo về một viễn cảnh những Puyol, Xavi, Iniesta hay cả Messi cũng có thể chẳng khác mấy Abidal. Song, nó nhắc nhở tất cả rằng Barca rốt cuộc không phải là một dạng thực thể NPO (dù cũng không hẳn là một tổ chức kinh tế), mỗi cá nhân cuối cùng vẫn đứng dưới tập thể, Barca vẫn dành cho họ một tình thương đậm sâu, nhưng không bao giờ là bao la. Và có lẽ cũng đã đến lúc chuyên tâm cho công tác bóng đá thuần túy: giành danh hiệu. Lấy danh hiệu để đánh bóng tính nhân văn (vốn có) cũng tương tự “có thực mới vực được đạo”.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X