Arsene Wenger bị sa thải, điều tưởng như sẽ không bao giờ xảy ra ở Emirates lại trở thành một nguy cơ hiển hiện ngay trước mắt.
Michu chỉ mất đúng 3 phút để kéo sập pháo đài Emirates với 2 pha ghi bàn chớp nhoáng. Nhưng có lẽ chính bản thân tiền đạo của Swansea cũng không thể ngờ được rằng anh đã đánh sập luôn chút niềm tin cuối cùng mà ban lãnh đạo cũng như cổ động viên The Gunners dành cho Arsenne Wenger sau 16 năm gắn bó.
Thông thường, mỗi khi một đội bóng nào đó thất bại, HLV sẽ là người phải đứng ra chịu trách nhiệm. Nhưng với Wenger, người đã trải qua 8 năm liên tiếp trắng tay cùng Arsenal với vô số những thất bại nhưng vẫn được tin dùng, thì liệu rằng việc "giáo sư" đứng trước nguy cơ bị sa thải chỉ sau một trận thua trước Swansea có phải do lỗi của một mình ông? Câu trả lời chắc chắn là không ! Vậy thì ai là người phải chịu chung trách nhiệm với Wenger khi Arsenal cứ liên tục lắc đầu trước chiến thắng?
Những kẻ đầu tiên có lỗi trong chuỗi 8 năm liền "đói" danh hiệu của Arsenal phải là...MU và Chelsea. Vì kể từ năm 2005 tới nay, chỉ một lần duy nhất Man City chen được chân vào cuộc chiến song mã của 2 đội bóng này, đó là ở mùa năm ngoái. Còn lại, MU và Chelsea cứ thay phiên nhau thống trị xứ sở sương mù, hết năm này qua năm khác.
Đẳng cấp của họ, như Arsene Wenger từng thừa nhận, rõ ràng đã vượt quá tầm với của Arsenal, chưa kể tới Man City với tiềm lực hùng hậu đang nuôi tham vọng tiếp tục xưng vương ở nước Anh, giống như họ đã làm được ở mùa trước.
Không chỉ riêng MU, Chelsea, Barca cũng có lỗi. Vì chỉ trong vòng 6 năm ngắn ngủi, đội bóng xứ Catalan hết quật ngã Arsenal trong trận chung kết Champions League 2006 rồi thẳng tay cướp đi của họ hàng loạt những ngôi sao sáng giá nhất, từ Thierry Henry, Alexander Hleb cho tới Cesc Fabregas và mùa hè vừa rồi là Alex Song. Bên cạnh đó, những cuộc "tháo chạy" hàng loạt của Nasri hay Robin van Persie sang 2 đội bóng thành Manchester cũng để lại những lỗ hổng không thể bù đắp. Arsenal làm sao để chiến đấu khi các đối thủ thì ngày càng mạnh lên, còn những "đấu sĩ" hảo hạng của họ cứ lần lượt xách vali đi tìm miền đất hứa.
Tất cả những lý do ở trên, gián tiếp có, trực tiếp có, đều ảnh hưởng tới thành bại của một đội bóng luôn phải đứng giữa ranh giới thất bại và thành công như Arsenal. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là cho dù đã có rất nhiều biến động xảy ra trong những năm qua, thì ở Arsenal vẫn có một thứ vững bền trong suốt triều đại của Wenger, đó là lối chơi. Và nếu như coi đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới thất bại thì Arsene Wenger chính xác là người có lỗi.
Lỗi của Wenger là ông đã quá trung thành với thứ bóng đá tấn công cống hiến đến mức ngây thơ và...lố bịch. Càng tai hại hơn nữa khi ông cứ lầm tưởng rằng lối chơi ấy sẽ khiến người hâm mộ Arsenal cảm thấy mãn nguyện mà quên đi cơn khát danh hiệu gần một thập kỉ qua.
Hãy nhìn xem, trong suốt 8 năm trời Arsenal "tấn công" trong vô vọng, Chelsea đã trở thành một thế lực ở nước Anh và Châu Âu với triết lý bóng đá thực dụng đến tàn nhẫn. MU học được cách bảo vệ mành lưới của mình trước khi tràn lên phần sân đối phương. Ngay cả Barca, đội bóng nổi tiếng với lối tấn công hủy diệt cũng luôn sở hữu cho mình hàng phòng ngự vững chắc nhất.
Lối chơi mà Arsenal đang thể hiện có thể đem lại cho cổ động viên những giây phút thăng hoa tột đỉnh, giống như khi họ đánh bại Barcelona hùng mạnh trong thế bị dẫn trước, hay "vùi dập" Chelsea ngay tại Stamford Bridge nhưng nó cũng khiến họ trả giá khi đối thủ biết cách kiên nhẫn, rình rập để rồi tung ra những nhát dao chí mạng, giống như Swansea đã làm cách đây vài ngày.
Đời chỉ thay đổi khi ta thay đổi. Cuối tuần qua, chẳng phải cổ động viên Arsenal đã xuống đường biểu tình đó sao, Arsene Wenger!
(Theo VTC)