Roman Abramovich có thể phải thay đổi cách nhìn và cách sử dụng HLV nếu Chelsea không thể hồi sinh dưới bàn tay của Rafa Benitez.
Trong suốt 9 năm rưỡi kể từ khi mua lại Chelsea, Abramovich không nói một lời nào trong tư cách ông chủ của The Blues. Không phát biểu, không trả lời phỏng vấn, không thông báo. Một chữ cũng không. Lần duy nhất người Anh nghe ông nói là ở... tòa án, trong vụ kiện với Boris Berezovsky. Chấm hết.
Nhưng có thể thấy được quan điểm, cách dùng người của ông qua những thay đổi tại Chelsea. Nổi bật nhất là vấn đề HLV. Chỉ một con số thống kê đủ nói lên tất cả: Benitez là HLV thứ 9 của Chelsea trong 9 năm với Abramovich.
Không hề quá lời khi Abramovich xem HLV như chiếc áo. Áo đã cũ, đã nhàu rồi, thì thay. Không mong chờ nó mới lại, đẹp lại, hợp thời. Đã có nhiều tiền thì cứ mua áo mới. Mặc vào, đẹp hơn, hợp thời trang hơn. Từ hai bàn tay trắng, Abramovich nhanh chóng đổi đời và trở thành tỷ phú trong giai đoạn tình hình chính trị, kinh tế của nước Nga rất phức tạp. Với ông, những mâu thuẫn cá nhân, quyền lực chồng chéo ở Chelsea chẳng là gì. Ông chọn giải pháp đơn giản nhất: thay tướng.
Mỗi lần Abramovich "thay áo", thay tướng, Chelsea lại thi đấu khởi sắc. Lần đầu thì chưa nói lên nhiều điều. Nhưng nhiều lần như thế, thay tướng giữa dòng trở thành công thức chiến thắng mà Abramovich tin dùng. Abramovich đã chứng minh cho tất cả (có lẽ cả Arsenal) thấy rằng, không phải cứ ổn định, trung thành với một HLV là tốt.
Trong bản đăng ký của Chelsea, Rafa Benitez là HLV tạm quyền. Thực ra, về bản chất, mọi HLV dưới thời Abramovich đều là "tạm quyền". HLV nào cũng chỉ tạm quyền khi thi đấu thành công. Nếu thất bại, HLV tạm quyền khác xuất hiện. Trong quan điểm của Abramovich, thành công của Chelsea không phải nhờ ngôi sao hay HLV, mà phải in đậm dấu ấn của ông chủ.
Điều nguy hiểm nhất của chính sách này: các HLV giỏi và coi trọng tính lâu dài, ổn định sẽ không chọn Chelsea. Họ thừa biết, chỉ vài trận thua thôi, họ sẽ bị Abramovich sa thải. Khi bị sa thải, tên tuổi của HLV sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, kéo theo những lời chào mời trong tương lai không còn ngọt ngào, cụ thể là không còn được hưởng lương cao so với kỳ vọng.
Báo chí Anh đưa tin, trước khi bổ nhiệm Benitez, Chelsea đã tiếp cận với Pep Guardiola và bị từ chối. Tính xác thực đến đâu thì chưa biết, nhưng không có gì lạ khi cựu HLV Barca không chọn Chelsea. Guardiola không phải HLV nhút nhát, thiếu can đảm. Ông đã cực kỳ can đảm khi ngồi vào chiếc ghế HLV Barca 4 năm về trước, thời điểm mà kinh nghiệm huấn luyện của ông chỉ là con số 0. Nhưng quan điểm xây dựng đội bóng và thành công của ông không phù hợp với chính sách "tạm quyền" của Abramovich. Ví dụ: Làm sao Chelsea có thể đá tiki-taka chỉ sau hai tháng khi mà họ vốn đi lên từ một đội bóng cực kỳ thực dụng?
Có thể tin rằng, Chelsea đã liên hệ với nhiều HLV danh tiếng khác nhau khi tìm kiếm người thay thế Di Matteo. Nhưng cuối cùng lại chọn Benitez, dù thừa biết CĐV Chelsea sẽ phản đối, phản ứng dữ dội và một số trụ cột không thích (Terry gián tiếp bày tỏ sự tiếc nuối khi Di Matteo ra đi). Nên nhớ rằng, Benitez đã thất nghiệp trong 1 năm qua và không được các đội bóng lớn tiếp cận vì ông từng "phá nát" Liverpool lẫn Inter.
Giờ Benitez đang "phá" tiếp Chelsea. Nhưng có thể, đây là điều tốt cho Chelsea trong dài hạn. Có thể Abramovich sẽ phải thay đổi quan điểm, chính sách dùng HLV.
HLV Chelsea không thể cứ mãi là tạm quyền.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)