Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

Vấn đề của M.U: Không Rooney, ai nổi lửa cho bầy "Quỷ đỏ"

Thứ Năm 08/08/2013 06:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vấn đề lớn nhất của M.U trong trường hợp phải bán Wayne Rooney là tìm đâu ra một chiến binh có khả năng vực dậy tinh thần đồng đội trong những thời điểm khó khăn nhất. Nói cách khác, họ cần có một người truyền lửa.

Wayne Rooney tiếp tục vắng mặt, và M.U lại trải qua 90 phút tương đối nhạt nhẽo, khi làm khách trên sân AIK Stockholm. Cho dù chỉ mang tính chất giao hữu, song trận hòa 1-1 ở Solna, cùng sự u ám trên thị trường chuyển nhượng, khiến cho rất nhiều người lo lắng về viễn cảnh của M.U ở mùa giải mới.

Xúc tiến bán Rooney (trái), M.U đồng thời hỏi mua Fellaini (phải)
Xúc tiến bán Rooney (trái), M.U đồng thời hỏi mua Fellaini (phải)

Có ngôi sao, nhưng không thủ lĩnh

Những màn trình diễn tương đối thuyết phục của các cầu thủ trẻ trong chuyến du đấu mùa hè không thể phủ nhận một thực tế rằng M.U đang thiếu một thủ lĩnh thực sự về cả tinh thần và lối chơi.

M.U đã tránh khỏi thất bại mất mặt tại Thụy Điển, sau khi Angelo Henriquez ghi bàn gỡ hòa từ đường chuyền của Wilfried Zaha. Nhưng ngoại trừ tình huống ấy, các học trò của David Moyes chỉ để lại một cảm giác nhàn nhạt, thiếu ý tưởng và sự dứt khoát cần thiết. Carrick và Giggs là những người cầm trịch tuyến giữa, còn van Persie là mũi nhọn trên hàng công, nhưng họ đã không thể truyền cảm hứng cho những đồng đội đàn em. Robin van Persie thậm chí còn gây thất vọng trong đúng ngày sinh nhật của mình (06/08) khi bỏ lỡ một số cơ hội khá ngon ăn. 

Mà thật ra, ngay cả trong thời điểm có phong độ cao nhất, ở M.U hay Arsenal, van Persie cũng không phải mẫu cầu thủ có thể làm điểm tựa về cả chuyên môn cũng như tinh thần. Anh đơn giản là làm tốt công việc của mình, ghi bàn hoặc kiến tạo. Mùa trước, Carrick đã gánh cả hàng tiền vệ M.U, nhưng sự thầm lặng đã khiến anh không thể trở thành một “người truyền lửa” thực thụ của đội bóng. Trước đó, Paul Scholes cũng không thể coi là một thủ lĩnh bởi lý do tương tự.

Sự thực là kể từ ngày Roy Keane rời Old Trafford (2005), cầu thủ xứng đáng được coi là “người truyền lửa” của M.U nhất chỉ có Wayne Rooney. Anh không chỉ ghi bàn, kiến tạo, tham gia phòng ngự mà còn có khả năng xốc đồng đội dậy bằng ngọn lửa của một chiến binh đích thực.

Đáng tiếc, ngọn lửa ấy đang dần nguội lạnh trong anh. Chấn thương liên tiếp, phong độ sa sút, sự hiện diện của van Persie, mâu thuẫn với Sir Alex, là những nguyên nhân chủ yếu. David Moyes không thể thắp lại ngọn lửa ấy, mà còn vùi dập hơn bằng những tuyên bố lạnh lùng. Trong chuyến du đấu châu Á, ông tuyên bố nếu van Persie chấn thương, Rooney mới được tính đến. Sau trận hòa với AIK Stockholm, một phóng viên đã hỏi liệu Moyes có tìm cách thuyết phục Rooney ở lại Old Trafford hay không, ông bực mình đáp lại rằng “Gần đây tôi chẳng hề hỏi Wayne về chuyện ấy. Mà tôi cũng chẳng cần phải thuyết phục một ai đó chơi cho M.U”.

Dù từng tuyên bố sẽ nhất quyết giữ Rooney, song rõ ràng những hành động của David Moyes lại không nhất quán với lời nói. Vì ông đã không thẳng thắn, nên đừng trách Rooney muốn ra đi.

Hết nạc thì vạc đến xương

Thất bại khi lôi kéo Thiago, đầu hàng trong thương vụ Cesc Fabregas, và có vẻ không tự tin lắm về việc mời gọi Bastian Schweinsteiger, M.U lại quay trở về phương án mà họ đã từng dè bỉu: Marouane Fellaini.

Một cầu thủ chỉ thuộc hạng khá Fellaini nay lại được coi là mục tiêu trọng điểm của M.U. Đó là minh chứng hùng hồn nhất cho những gì mà người ta từng suy đoán về tân HLV Quỷ đỏ, người vốn đã quá quen với việc chi tiêu tiết kiệm, bỗng chốc được làm quen với cơ hội mua sắm những bản hợp đồng đình đám. Dưới bàn tay của Moyes, M.U đã nhắm rất nhiều ngôi sao, nhưng đều hụt ăn cả. Đó chính là khác biệt lớn nhất giữa ông và bậc tiền bối đồng hương Sir Alex. Nên nhớ, năm ngoái M.U không mất nhiều thời gian ve vãn câu kéo nhưng vẫn giật van Persie ngay trước mũi Man City, và chính thành công đó là bước đà để M.U đòi lại ngôi vương ở Premier League.

Fellaini chính là bản hợp đồng đắt giá nhất của David Moyes trong suốt hơn 10 năm ông dẫn dắt Everton. Tháng 9/2008, anh chuyển từ Standard Liege đến Goodison Park với giá 15 triệu bảng, vượt qua kỷ lục trước đó của Yakubu (11,25 triệu bảng từ Middlesbrough). Không sở hữu phẩm chất kỹ thuật nào đặc biệt, và cũng chưa bao giờ thể hiện khả năng dẫn dắt trận đấu, Fellaini chỉ được đánh giá cao ở thể hình lý tưởng, sức càn lướt, và hay khó chịu cho các hàng phòng thủ trong những pha xâm nhập hoặc không chiến. Tiền vệ người Bỉ thậm chí còn bị coi là hơi vụng về, trái hẳn với những mẫu cầu thủ như Fabregas hay Modric. Anh bị đánh giá là không thể thích nghi được với môi trường tại M.U.

BLĐ M.U không phải không biết điều ấy. Họ lần lữa không chịu đáp ứng điều khoản giải phóng hợp đồng 23,5 triệu bảng cũng chính vì cho rằng con số ấy quá cao so với đẳng cấp của Fellaini. Nhưng bây giờ thì chính họ lại không có nhiều lựa chọn, và đành trở lại với phương án này. Hết nạc thì vạc đến xương.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X