Phản ứng của các cầu thủ da màu khi bị phân biệt chủng tộc ngày càng dữ dội và FA không muốn những mầm mống nổi loạn này trở nên khó lường.
Ở vòng đấu thứ 8 Premier League, hầu hết các cầu thủ lúc khởi động trước khi ra sân đều mặc chiếc áo có ghi chữ "Kick It Out" ở trước ngực. Đó như một thông điệp mà Hiệp hội cầu thủ Anh (PFA) muốn gửi tới toàn thể giới cầu thủ rằng hãy xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong môn thể thao vua.
Thế nhưng không phải ai cũng ủng hộ cái phong trào ấy. Càng ngạc nhiên hơn khi 4 cái tên không chịu mặc áo đều là những cầu thủ da màu. Đó là anh em nhà Ferdinand (Rio và Anton), tiền đạo Jason Roberts và trung vệ Joleon Lescott.
Sở dĩ họ đồng loạt phản ứng như vậy là vì cho rằng án phạt dành cho John Terry của FA là quá nhẹ. 4 trận treo giò cùng số tiền phạt 220.000 bảng có vẻ như là chưa đủ để anh em nhà Ferdinand cảm thấy nguôi ngoai sau những lời lẽ mà họ cho là đã nhận được từ đội trưởng của Chelsea.
Những thành viên chống lại phong trào "Kick It Out"
Luật Rooney được đặt tên theo Dan Rooney, chủ tịch CLB bóng bầu dục Pittsburgh Steelers, đội bóng có truyền thống sử dụng các HLV là người Mỹ gốc Phi. Theo đó, các CLB buộc phải phỏng vấn ít nhất 1 HLV trưởng là người da màu hoặc bố trí họ làm những công việc quan trọng trong đội bóng. Chỉ 3 năm sau khi luật Rooney ra đời vào năm 2003, tỉ lệ các HLV da màu tại Mỹ đã tăng từ 6% lên 23%. |
Không chỉ có vậy, anh em nhà Ferdinand còn "giận cá" chém luôn cả "thớt". Ashley Cole, sau khi đứng ra làm chứng về việc Terry không xúc phạm Anton Ferdinand, đã bị trung vệ của QPR lơ tít trong thủ tục bắt tay trước trận đấu giữa QPR và Chelsea hồi tháng 9.
Nặng nề hơn, ông anh Rio Ferdinand cũng đang có ý định làm điều tương tự khi tính xin ý kiến Alex Ferguson về việc có nên bắt tay bộ đôi của Chelsea trước trận thư hùng ở Stamford Bridge cuối tuần này hay không.
Những phản ứng liên tục và có tính hệ thống như vậy khiến PFA thực sự điên đầu. Hiệp hội cầu thủ Anh không hề muốn có sự chia rẻ giữa các thành viên trong hội và họ đã vạch sẵn chương trình hành động để ngăn chặn hố sâu ngăn cách này trở nên rộng thêm.
Một bản quy tắc 6 điểm với tên gọi "Luật Rooney" đã được PFA thảo sẵn và đang chờ ngày trình lên FA để xem xét. Nội dung chính của bộ luật mới này là muốn gia tăng số lượng HLV da màu tại Premier League, đồng thời có những án phạt rõ ràng được ghi thành luật dành cho những cầu thủ có hành vi phân biệt chủng tộc.
Thêm một điểm nữa mà PFA muốn hướng tới, đó là dập tắt xu hướng ly khai của giới cầu thủ da màu ở Premier League. Theo những nguồn tin nội bộ thì anh em nhà Ferdinand đang cầm đầu một nhóm tự xưng là Black Players' Association - Hiệp hội những cầu thủ da màu.
Mục tiêu của nhóm này, được cho là sẽ vươn lên làm một đối trọng với PFA trong những sự vụ liên quan tới phân biệt chủng tộc. Và nếu điều này trở thành sự thật thì đó sẽ là một thách thức thực sự, không chỉ với PFA mà còn là cả với FA. Đơn giản là vì số lượng cầu thủ da màu đang thi đấu ở Premier League là rất lớn.
Hơn thế nữa, trong số những thành viên cốt cán của Hội những cầu thủ da màu còn có Jason Roberts - một thành viên trong Ban điều hành PFA. Anh này từng nhiều lần đề đạt nguyện vọng muốn có một sự bình đẳng rộng rãi hơn trong giới cầu thủ ở giải Ngoại hạng Anh,
Roberts có lần phát biểu trên Sportsmail: "Các bộ phận của PFA cần phải thay đổi để có thể hoạt động mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Họ cần nhiều hơn 1 hay 2 nhân viên hiện tại để giải quyết triệt để những vấn đề liên quan tới các cầu thủ".
Hẳn những cầu thủ da màu như Jason Roberts không hề cảm thấy hài lòng khi John Terry chỉ bị phạt cấm thi đấu 4 trận (quá nhẹ so với án 8 trận mà Luis Suarez nhận năm ngoái) và số tiền 220.000 bảng (chỉ hơn 1 tuần lương của đội trưởng The Blues một chút). Và họ, những cầu thủ da màu muốn tiếng nói của họ cần được coi trọng hơn, muốn có 1 tổ chức hẳn hoi đứng ra làm trọng tài trong những vụ việc như này về sau.
Bản thân Chủ tịch FA, David Bernstein cũng đang xem xét việc ban hành các điều luật cụ thể cho những hành vi như vậy. Tuy nhiên, việc ly khai của nhóm cầu thủ da màu là điều không được đa số người tán thành.
Chủ tịch PFA, Gordon Taylor khẳng định: "Nếu họ (những cầu thủ da màu) cho rằng việc tạo một nhóm riêng có thể gây ảnh hưởng lớn hơn tới PFA thì họ đã phạm một sai lầm lớn. Bởi làm như vậy chỉ càng làm cho tình hình trở nên xấu đi, hố sâu ngăn cách càng trở nên rõ rệt và đó không phải mục tiêu hướng đến của bóng đá".
Cựu cầu thủ Arsenal, Brendon Batson thì bình luận: "Tôi thật sự thất vọng với cái được gọi là Hiệp hội các cầu thủ da màu. Sẽ chẳng có bất kỳ lợi ích gì rút ra được từ cái tổ chức ấy. Những gì chúng ta cần làm là lắng nghe tâm tư của các cầu thủ da màu, xem họ cần gì và muốn gì. Chúng ta sẽ hành động nhưng cần phải có một sự hợp lý và tính toán rõ ràng".
Từ những vấn đề như vậy, "Luật Rooney" đã ra đời. Nó là một bản thống nhất các nguyên tắc ứng xử giữa các cầu thủ, HLV với nhau. Và nếu FA phê duyệt, nó sẽ có hiệu lực, bắt đầu từ mùa giải sang năm.
(Theo VTC)