Mở đầu bằng kết quả 5-2 trong trận derby Bắc London, chỉ với 8 trận đã đấu ở vòng 12 Premier League đã có 29 bàn thắng, đạt hiệu suất 3,6 bàn/trận. Những cơn mưa bàn thắng ngày càng rơi “nặng hạt” và tần suất ngày một nhiều, chuyện gì đang xảy ra ở xứ sở “Sương mù”?
Từ sự biến mất của hàng phòng ngự…
Nền tảng phòng ngự làm nên 4 chức vô địch Premier League gần nhất của M.U hay chiếc xe bus 2 tầng mà Chelsea đã đem đến Munich mùa hè vừa qua đã bốc hơi, không còn dấu vết. Người Anh có vẻ đã chán ngán những bộ phim khoa học nhàm chán để chuyển hẳn sang các bom tấn hành động rượt đuổi, chạy đua kịch tính, thậm chí là hoang đường. Họ quên ráo những bài học về nghệ thuật phòng ngự và quay trở lại thời kỳ “hồng hoang”: đá bóng là phải xông pha, tranh cướp rồi sút một cách điên cuồng.
Sự hồn nhiên đã đem lại 7 bàn thắng ở Emirates
Cả Premier League lao vào nhau như những… đứa trẻ, không tính toán, bất chấp các chiến thuật và mặc kệ sự an toàn của bản thân. Lĩnh 3 hoặc 4 nắm đấm, họ cố gắng trả lại bằng 5 hay 6 cú đạp khác. Từ Chelsea, M.U cho đến Man City, Arsenal, Tottenham đều vô cùng hớ hênh trong phòng ngự, họ liên tục hở sườn do các hậu vệ cánh dâng cao, các trung vệ cũng thiếu đi sự gắn kết và hỗ trợ trong khi các tiền vệ trung tâm bỏ quên nhiệm vụ phòng ngự từ xa và mải mê lao lên phía trước. Những sai lầm trong trận đấu trước tiếp tục bị bỏ qua và tái diễn ngay sau đó.
… đến cuộc “cách mạng” của Premier League
Phải chăng các chiến thuật gia ở Anh đã vứt bỏ đống sách vở và âm mưu đưa bóng đá xứ “Sương mù” trở về “thời kỳ đồ đá” khi những kết quả lạm phát về số lượng bàn thắng đang ngày một tăng và có tính hệ thống? Từ việc những CLB ở Premier League đang lạc lối giữa mớ bòng bong của các mê cung chiến thuật, phong cách hay hình mẫu (Barca, tuyển Tây Ban Nha, hoặc cảm hứng 3-5-2 từ Juve) khiến họ dần đánh mất mình và trở nên “hồn nhiên” đến kỳ lạ. Hãy nhìn xem, Arsenal đã “hồn nhiên” để Tottenham nhảy múa ngay tại Emirates trong 20 phút đầu, hoặc Spurs không hề có dấu hiệu phòng ngự khi mất người để rồi “hùng hục” lao lên vào thời điểm đã thua tan nát.
Còn M.U, sơ đồ thường thấy của họ cuối mỗi trận đấu là… 4-2-4 trong khi Chelsea tại The Hawthorns đêm trước, Hazard, Oscar, Mata, Moses, Sturridge rồi thậm chí cả Cech cũng hòa mình vào không khí nhiệt náo trước khung thành West Brom. Tính đến thời điểm này, Premier League đã có 336 bàn thắng được ghi, trung bình 2,87 bàn/trận, vượt xa hiệu suất 2,80 bàn/trận của mùa giải năm ngoái. Những cuộc cách mạng ồ ạt nhưng thiếu định hướng hồi đầu mùa đã khiến các tiền đạo bị ném vào cuộc đua bàn thắng. Con số trên bảng điện tử liên tục nhảy múa và những màn rượt đuổi ly kỳ cứ tiếp diễn.
NHM rõ ràng đang được hưởng lợi khi liên tục phải nhảy lên ăn mừng nhưng với sự hồn nhiên ấy, liệu nó có đem về những chiến thắng ở châu Âu? “Cách mạng” hay “cách cái mạng của mình”, xứ Angles?
(Theo Bóng đá toàn cầu)