Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Arsene Wenger: Hãy tìm lại chất "cơ bắp" cho Arsenal!

Thứ Sáu 28/03/2014 15:05(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Arsenal lại tỏ rõ dấu hiệu hụt hơi đúng vào thời điểm quan trọng của mùa giải, một kịch bản quen thuộc kể từ lần cuối họ đăng quang ở Premier League vào mùa giải 2003-2004. Hiện giờ, Arsenal không còn được xem là ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu vô địch giải Ngoại hạng Anh. Thậm chí, chưa biết chừng Arsenal sẽ thất bại nốt ở cúp FA, mục tiêu khả dĩ nhất vào thời điểm này để họ chấm dứt 9 năm trắng tay tuyệt đối. Song dù thế nào thì ban lãnh đạo đội bóng đừng vội tính tới khả năng tiến hành một cuộc cách mạng lớn trên băng ghế huấn luyện (chia tay Wenger và đưa về một nhà cầm quân mới). Sự khủng hoảng của Man Utd sau khi David Moyes lên nắm quyền chính là bài học nhãn tiền mà Arsenal cần tránh. Cần phải khẳng định, Wenger vẫn là sự lựa chọn tốt nhất cho chiếc ghế nóng ở Emirates, tới khi nào ông nghĩ đến chuyện nghỉ hưu như người đồng nghiệp Fergie. Mấu chốt nằm ở chỗ, Wenger đang biến Arsenal thành một đội bóng quá "ẻo lả", mất dần đi phẩm chất sức mạnh, cơ bắp trong lối chơi mà chính mấy thứ này đã từng là "chất liệu" làm nên một Arsenal vững mạnh trong quá khứ.

Dưới triều đại Arsene Wenger, Arsenal luôn được xem là "lạc loài" ở Premier League bởi sở hữu lối chơi tấn công quyến rũ, đẹp mắt theo phong cách La-tinh đậm nét (tức là sử dụng nhiều các đường chuyền ban ngắn, thiên về phối hợp nhỏ, bật tường ăn ý ở trung lộ) trong khi dù đã thay đổi nhiều thì về cơ bản đa phần các CLB tại Premier League bao gồm cả những đại gia "cùng mâm" với Arsenal vẫn đặt nặng yếu tố sức mạnh, thể lực trong cách đá cũng như không thể xoá bỏ hoàn toàn cái kiểu "kick and rush (đá và chạy)" đặc trưng của nền bóng đá Anh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự khác biệt lớn giữa Arsenal thời thịnh trị cách đây hơn 10 năm mà đỉnh cao là mùa giải "bất khả chiến bại" 2003-2004 và Arsenal hiện tại. Đó chính là, Arsenal đã mất đi tính cân bằng cao trong đội hình. Thời đó, bên cạnh những "nghệ sỹ sân cỏ" như Thierry Henry, Robert Pires, Dennis Bergkamp hay Freddie Ljungberg thì Arsenal cũng không thiếu những "chiến binh dũng mãnh" như Patrick Vieira, Sol Campbell, Martin Keown mà đã tạo nên chất thép cần thiết cho đội bóng. Thế nhưng bây giờ, Arsenal chỉ còn là tập hợp của những cầu thủ thích "dùng đầu hơn dùng sức" và chất kỹ thuật đã lấn át hoàn toàn. Do đó, kể cả khi đôi lần Wenger cho đội bóng chơi thực dụng thì trông Arsenal vẫn rất mong manh, dễ vỡ nếu như đối thủ chủ trương lấy sức mạnh "đàn áp" bởi đơn giản, phàm đã là nghệ sỹ thì làm sao "tàn nhẫn" và "rắn mặt" như đấu sĩ, thành phần quan trọng của trường phái thực dụng.

Arsenal đang thiếu một cầu thủ cơ bắp như Patrick Vieira
Arsenal đang thiếu một cầu thủ cơ bắp như Patrick Vieira

Trong đội hình Arsenal hiện giờ, cầu thủ được xem "ngon" nhất về khoản thể hình là Oliver Giroud nhưng anh lại chơi trên hàng tiền đạo. Thêm vào đó, Giroud cũng không hẳn là mẫu tiền đạo giỏi "tỳ đè", khoái khai thác ưu thế về sức mạnh của bản thân với đối phương. Nói một cách khác, Giroud không khác gì "tiền nhiệm" Robin Van Persie, một dạng chân sút nặng về kỹ thuật. Còn lại, gần như toàn bộ cầu thủ Arsenal trên mọi tuyến đều khá "mỏng cơm", không giỏi tranh chấp tay đôi và quan trọng hơn, Wenger luôn chỉ đạo họ tránh đua sức, không đối đầu trực diện mà sử dụng sự khôn ngoan, tinh ranh, trí não để truy cản. Ngay cả ở vị trí mà cần đến sức mạnh như cặp trung vệ hay tiền vệ đánh chặn thì những Mertesacker, Koscielny, Flamini hay Arteta rõ ràng thua xa lớp tiền bối ở khoản thể lực, dũng mãnh mà như thế, làm sao có thể "thị uy", trấn áp đối phương như Vieira, Campbell hay Keown. Còn nhớ, Vieira từng làm không ít đối thủ phải khiếp sợ đôi khi chỉ bằng lời nói "suông" và cách chơi quyết liệt trên sân (thời huy hoàng, Vieira và Roy Keane của Man Utd đã tạo thành bộ đôi "oan gia ngõ hẹp" bởi cả hai luôn sẵn sàng sửng cồ, gây hấn với đối thủ nên khi đối đầu trực diện thì sự thú vị, máu lửa tăng thêm vài phần) trong khi Mertesacker hay Flamini giờ chẳng đe doạ nổi ai vì họ thuộc dạng cầu thủ hiền lành, "nhu mì", thích "động não hơn động thủ" từ trong tính cách cho đến lối đá. Thế là, sự thua thiệt (dẫn đến kết quả không tốt) trong một môi trường mà những "chiến binh" luôn có đất sống như Premier League là khó tránh khỏi.

Trách nhiệm chính tất nhiên phải thuộc về Wenger. Chẳng hiểu sao, kể từ sau thời của Vieira (anh ra đi vào năm 2005), Wenger đã không ngừng thực hiện chính sách "giảm bớt sức mạnh" và khái niệm "chiến binh" dần biến mất hoàn toàn khỏi Emirates. Gương mặt gần nhất mang phong cách dũng mãnh điển hình là Alex Song nhưng anh đã bị đẩy sang Barcelona, bất chấp đã thi đấu đầy ấn tượng và được thay bằng một Mikel Arteta vốn là "nhạc trưởng" của Everton (song Arteta đã phải chơi như một tiền vệ đánh chặn ở Arsenal). Kể ra, trong đội hình hiện giờ của Arsenal, vẫn còn một "đấu sĩ" lợi hại (Abou Diaby) nhưng anh chàng từng được xem là "Vieira mới" này (Diaby cũng mang quốc tịch Pháp như Vieira) thường xuyên làm bạn với giường bệnh. Ở vị trí trung vệ, ông cũng đem về những "lãng tử" như Vermaelen, Mertesacker, Koscielny chứ không phải một "hộ pháp" như Sol Campbell. Rõ ràng, đã có sự thay đổi trong "nhân sinh quan" của vị "Giáo sư" đáng kính. Phải chăng Wenger muốn hình ảnh của Arsenal càng trở nên long lanh và mỹ miều hơn khi bớt hẳn đi sự "hiếu chiến", hùng hổ của những "dũng sỹ" (trước đó, Arsenal thỉnh thoảng vẫn bị chê là chơi quá bạo lực, "chém đinh chặt sắt" chủ yếu do sự "đóng góp" của Vieira hay Keown). Hay là do Wenger quá ngưỡng mộ Barcelona phiên bản Josep Guardiola với những năm tháng thống trị tuyệt đối TBN và châu Âu dựa trên lối chơi vô cùng hoa mỹ, "thuê hoa dệt gấm" do dàn "nghệ sỹ" vẽ ra nên đã hướng đội bóng theo mô hình Blaugrana. Song dù thế nào thì dường như sự "cải cách" của Wenger là quá sai lầm và có phần "chủ quan duy ý chí", mặc cho ý định sâu xa bên trong quá tốt đẹp.

Thứ nhất, không dễ xuất hiện một đội bóng thứ hai vĩ đại như thế. Ngoài lối chơi tiqui-taka đạt đến độ hoàn mỹ và được xem là phong cách mới vào thời điểm đó (mà cái gì mới, mang tính đột phá cũng dễ mang đến thành công vào thuở ban đầu khi mà các đối thủ chưa tìm ra cách hoá giải. Chứ bây giờ, tiqui-taka đâu có còn là thứ "chìa khoá vạn năng" để Barca mở ra mọi cánh cửa tới thành công) thì "gã khổng lồ" xứ Catalan còn sở hữu một thế hệ tài năng thuộc vào diện xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, lại được "điểm xuyết" bằng một thiên tài mà phải hàng chục năm mới xuất hiện một người: Lionel Messi. Thiếu một trong hai thứ đó, chắc chắn Barca không thể thống trị hành tinh. "Phát kiến" ra lối chơi đủ sức "áp đảo quần hùng" đã là công việc cực kỳ khó khăn, huống chi lại cần phải có trong tay một lực lượng "siêu khủng".

Thứ hai, lịch sử Premier League đã chứng minh không bao giờ có chỗ cho những đội bóng thiếu "sức mạnh cơ bắp". Chu kỳ thành công của Man Utd phiên bản Alex Ferguson gắn liền với tên tuổi của những "chiến binh" như Schmeichel, Jaap Stam, Roy Keane, Darren Fletcher, Vidic, Rio Ferdinand (ở thời đỉnh cao) hay Cristiano Ronaldo. Đế chế Chelsea cũng được dựng lên vững chãi bởi những "viên gạch chịu lửa" như Drogba, Essien, Lampard, Terry. Mới đây, Mourinho chiêu mộ thêm Matic cũng nhằm mục đích củng cố chất thép cho tuyến giữa. Hay như nền tảng của Man City bây giờ dựa trên những cầu thủ dũng mãnh như Yaya Toure, Kompany, Sergio Aguero. Thử đặt giả thuyết, Barca của Pep chuyển sang tham dự Premier League thì chưa chắc đã có thể tạo dựng được vị thế bởi La Liga rõ ràng cởi mở hơn nhiều, lại nặng về kỹ thuật và không đòi hỏi cao chuyện thể lực như Premier League. Đừng vì đôi lần Barca đánh bại các đội bóng Anh ở châu Âu mà đã vội cho rằng họ thừa sức lấn át nếu góp mặt ở giải Ngoại hạng Anh. Thêm vào đó, há chẳng phải Barca đã thua đau đớn trước Inter Milan của Jose Mourinho, một người đã quá thầm nhuần "chất Premier League" thuần khiết hay Bayern Munich, CLB khi cần có thể lấy "cơ bắp đè người" một cách đơn giản. Do đó, việc một đội bóng định "nghĩ khác, làm khác" trong môi trường như vậy thì khả năng thất bại là rất lớn, thậm chí dễ bị "guồng quay" của nó nghiền nát. Bằng chứng hùng hồn mùa này: Arsenal đạt thành tích rất kém khi chạm trán những đối thủ "cùng hạng". Họ thua cả một Man Utd đang hỗn loạn trong khủng hoảng, bị Chelsea đè bẹp đến 0-6 và thua tan nát 3-6 trước Man City. Họ chỉ hạ gục được duy nhất Liverpool bằng tỷ số 2-0 (nhưng đến lượt về, bị The Kop huỷ diệt tới 5-1).

Tất nhiên, vẫn chẳng thể dự đoán trước tương lai. Biết đâu đấy, rồi sẽ có ngày Wenger khẳng định cho tất cả thấy sự đúng đắn của mình tuy nhiên, nếu muốn mau chóng lấy lại vị thế thì ông cần phải bổ sung vài "chiến binh" trên mọi tuyến: một "cột trụ hậu phương" như Sol Campbell, một "hòn đá tảng" ở tuyến giữa như Vieira và một "võ sỹ giác đấu" nơi tuyến đầu như Ian Wright (tay săn bàn vĩ đại thứ 2 trong lịch sử Arsenal sau Thierry Henry). Wenger đã 64 tuổi, không còn trẻ trung để theo đuổi những giấc mộng xa vời mà hãy sống thực tế hơn. Chỉ như thế, lúc ông ra đi mới để lại được di sản đáng giá cho người kế nhiệm chứ không phải một "công trình xây dựng dở dang". Một Man Utd vững chắc là thế còn bị Moyes phá tan tành chỉ trong thời gian ngắn thì Arsenal càng dễ lâm vào kết cục tương tự, một khi Wenger không tỉnh táo, đưa Arsenal trở về "bản ngã" đích thực của một đội bóng Premier League.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

 

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Xem thêm
top-arrow
X