Được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá nội phát triển ngang tầm châu lục, cũng như giúp cho các giải đấu trong nước, các CLB trong nước chuyên nghiệp hơn, kiếm tiền giỏi hơn. Tuy nhiên, vài tháng ở với bóng đá nội, đấy dường như là đề tài quá khó với ông Tanabe.
Cách nay không lâu thì chuyên gia Tanabe đã về nước vì có việc gia đình (theo tiết lộ của chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng). Đấy cũng chính là lý do mà người ta thấy vắng bóng vị chuyên gia người Nhật trong mấy vòng đấu cuối lượt đi V-League 2013.
Hợp đồng 1 năm giữa ông Tanabe với VPF đã trôi qua vài tháng, và công việc chính của người đàn ông đến từ xứ Hoa Anh Đào thời gian qua chủ yếu là nắm tình hình của bóng đá nội, của các đội bóng trong nước.Ông Tanabe được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi lớn cho bóng đá Việt Nam
Và qua vài tháng ấy, không khó để ông Tanabe nhìn thấy những mặt trái của bóng đá Việt Nam tầm CLB. Đấy là hệ thống cơ sở vật chất chưa đảm bảo, như ông từng than phiền khi đến sân Đồng Nai, thậm chí khi ông xem đá bóng ở sân Long An.
Đấy còn là chuyện các đội bóng trong nước phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh, nhất là khi ông Tanabe xem một số trận đấu có B.Bình Dương hay V.Ninh Bình hồi đầu mùa, những CLB sở hữu đến 5 – 7 “Tây” trong đội hình.
Điều ấy theo ông Tanabe là không tốt cho quá trình phát triển, càng không tốt khi hầu hết các CLB đều yếu khâu đào tạo trẻ, trong khi đội một chỉ hoạt động chủ yếu nhờ mua sắm cầu thủ.
Trước nữa, chính ông Tanabe chỉ ra rằng chuyện các CLB bóng đá trong nướ phụ thuộc vào hầu bao của 1 ông bầu rõ ràng là không ổn. Nó khác xa với thực tế ở Nhật là mỗi CLB biết tự nuôi sống mình bằng cách kêu được nhiều gói tài trợ khác nhau, và nhất tồn tại bằng cách gắn chặt với cộng đồng, có nguồn CĐV riêng.
Những điều chưa chuyên mà chuyên gia Tanabe đã chỉ ra cũng là những điều mà không chỉ mỗi mình ông Tanabe nhìn thấy. Ngay cả các chuyên gia bóng đá trong nước cũng vài lần nói đến những vấn đề trên. Nhưng ngặt nỗi những người đang liên quan trực tiếp đến bóng đá Việt Nam đều làm điều ngược lại.
Bây giờ không chỉ một đội bóng phụ thuộc vào 1 ông bầu, mà nhiều đội bóng cùng phụ thuộc vào 1 ông chủ mới đáng ngại. Chưa giải quyết xong chuyện của bầu Hiển, bóng đá Việt Nam đã có thêm trường hợp của bầu Thắng với 2 đội ĐT Long An và Kiên Giang. Thế thì khó nói là chuyên nghiệp. Và lại càng khổ cho ông Tanabe khi chính sếp trực tiếp của ông đang vi phạm “luật chơi”.
Một nguồn thu quan trọng khác của bóng đá chuyên nghiệp là bản quyền truyền hình, sau thời điểm bầu Kiên đấu ầm ầm với AVG để giành lại quyền phân phối sóng, mọi chuyện tiếp tục đi vào bế tắc.
Tiền bản quyền truyền hình của các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam 2 mùa qua có được thông qua các nhà bảo trợ. Nhưng phần đông các nhà bảo trợ lúc này cũng chính là người của VPF, cụ thể là tiền từ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức và tập đoàn Đồng Tâm của bầu Thắng, theo kiểu khó kiếm quá thì 2 nhân vật đứng đầu VPF phải móc hầu bao bù vào, chứ bản quyền truyền hình chưa được khai thác để mang lại lợi nhuận đúng nghĩa.
Ông Tanabe có thể dễ dàng chỉ ra những bất cập của bóng đá Việt Nam, nhưng có lẽ sẽ rất khó để ông thay đổi cách làm bóng đá của những người trước giờ quen kiểu làm nghiệp dư nhưng gắn mác chuyên nghiệp. Và sẽ càng khó thay đổi hơn khi chính những người đang điều hành nền bóng đá cũng mang trong mình tư tưởng làm theo kiểu ăn xổi, thay vì tính chuyện xây dựng cái gốc căn cơ.
Thực tế là đã có vị khi ngồi ở vị trí lãnh đạo bóng đá TPHCM cách nay không lâu toàn bàn chuyện nhập khẩu các đội bóng bên ngoài vào thành phố, mà chẳng màng đến yếu tố khán giả, yếu tố truyền thống, tính địa phương như mỗi CLB ở xứ của ông Tanabe bắt buộc phải có. Đấy là cách làm của người cậy có tiền và chẳng hề mang tính lâu dài. Bằng chứng đến khi không làm được vì vị đấy “chạy mất dép”, để lại hậu quả là những người đi sau phải lãnh đủ.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu có nói 1 câu rất hay: “Để bóng đá Việt Nam phát triển, điều cần thiết là phải phân biệt đâu là những người làm bóng vì sự nghiệp với những người mượn bóng đá để làm việc khác”. Đề tài mà ông Bửu đưa ra mới là khó cho ông Tanabe, và vài tháng hay 1 năm chắc chắn là chưa đủ với vị chuyên gia người Nhật để ông đủ khả năng phân biệt đâu là vàng đâu là thau.
(Theo Dân Trí)