Ít nhất có 2 sự kiện thể thao liên quan đến 2 chữ Việt Nam gây tiếng vang tại châu Âu trong mấy ngày gần đây.
Thứ nhất là trường hợp Hoàng Thanh Trang – kỳ thủ đầu tiên của Việt Nam vô địch châu Âu. Thứ hai là hình ảnh “Running man” Vũ Xuân Tiến với lá cờ đỏ sao vàng trên vai chạy trong tiếng reo hò của hàng chục ngàn khán giả ở sân Emirates.
Đó là 2 ngôi sao, có được sự nổi tiếng bởi những cách khác nhau. Hoàng Thanh Trang lớn lên và được huấn luyện ở Hungary. Nữ kỳ thủ từng vô địch thế giới U.20 cờ vua nữ cách đây hơn chục năm vẫn giữ quốc tịch Việt Nam nhưng chiến tích vừa rồi lại thuộc về đội tuyển Hungary. Câu hỏi là nếu ở Việt Nam, liệu Hoàng Thanh Trang có thể trở thành niềm tự hào của cờ vua Việt Nam? Rất khó trả lời.Vũ Xuân Tiến trở thành Ngôi sao Internet
Thế nhưng hãy hiểu một điều rằng cơ chế quản lý cũng như các chính sách đãi ngộ nhân tài thể thao ở Việt Nam còn thiếu và yếu. Tiến Minh dù là tay vợt Top 10 thế giới nhưng rất ít cơ hội cọ xát vì thiếu kinh phí. Lê Quang Liêm thậm chí còn mang tiền nhà đi đấu giải. Ở các lĩnh vực khác, Ngô Bảo Châu khó đoạt giải toán học danh giá nếu chỉ được nghiên cứu và học tập ở Việt Nam.
Câu chuyện Hoàng Thanh Trang là câu chuyện tiềm năng và cách phát huy tiềm năng. Thể thao Việt Nam rất nhiều tiềm năng, nhưng để phát huy những tiềm năng ấy như việc khai phá tìm ra những mỏ kim cương lại là câu chuyện khác. Khác với Hoàng Thanh Trang, Vũ Xuân Tiến có tài năng không? Phải nói ngay là tài năng của Tiến chẳng có gì nổi bật ngoài chuyện có thể chạy 5km theo chiếc xe bus của đội Arsenal.
Nhưng Tiến nổi tiếng, thành “ngôi sao internet” theo cách gọi của báo chí Anh là sự tình cờ, là may mắn nhưng cũng lại là bài học cho thể thao và truyền thông nước nhà về việc phát hiện và đẩy một sự kiện mang tính nhân văn lên một tầm cao mới. Tiến sẽ chẳng là ai nếu chỉ chạy theo những chiếc xe bus hàng ngày trên đường, chẳng là ai nếu đuổi theo xe một CLB nào đó ở V.League.
Đó là sự khác biệt giữa cách làm bóng đá chuyên nghiệp thực sự và làm bóng đá chuyên nghiệp nửa vời. Thực tế với trường hợp Vũ Xuân Tiến, Arsenal đã có một màn PR không thể tốt hơn, với chi phí thấp nhất. Họ, không chỉ có thêm một Vũ Xuân Tiến mà còn có thêm hàng triệu fan Việt Nam - một thị trường đầy tiềm năng.
Giá trị của “Running man” Vũ Xuân Tiến là ở chỗ đó, qua nhào nặn của những nhà tổ chức sự kiện đại tài những giá trị tinh thần biến thành những giá trị cụ thể hơn, nó là thị trường, là tiền. Bây giờ thì nhiều người tiếc hùi hụi.
Nghịch lý là ở chỗ, Arsenal nhìn thấy hình ảnh một fan chạy theo xe, họ nhìn thấy một thị trường bóng đá và đặt ngay kế hoạch quyết tâm khai thác thi trường ấy. Trong khi đó, ngay chính địa hạt V-League, nhiều đội bóng đã có lượng fan đông đảo nhưng không thoát khỏi cơn bão tài chính. SLNA có hàng trăm ngàn những “Running man” nhưng chính những người hâm mộ SLNA lại phải lên kế hoạch gom tiền cứu đội bóng.
Sân Kiên Giang từng là nơi tưng bừng mỗi khi có trận đấu, giờ đây phải tính chuyện “mở cửa tự do” cho người hâm mộ vào sân xem thi đấu với hy vọng sự có mặt đông đảo của khán giả sẽ thúc đẩy tinh thần cầu thủ. Chúng ta đã bỏ qua những cơ hội và có thể phải trả giá. "Running man" Vũ Xuân Tiến và nữ hoàng Cờ vua Hoàng Thanh Trang đã đang tiếp tục mang tới những niềm tự hào nhất định. Nhưng phía sau là nỗi buồn, là vị mặn khi hàng ngày chúng ta đã bỏ qua những cơ hội và tiềm năng ngay trước mặt.
(Theo Thể Thao 24h)