(Bongda24h) Bóng đá mang đến cho cuộc sống niềm vui, bóng đá phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống. Và bóng đá cũng chỉ ra rằng cuộc sống giờ đây ngày càng khắc nghiệt.
Sự khắc nghiệt đó thể hiện rõ qua tình hình mua sắm mùa Đông năm nay. Hiếm khi người ta thấy các đội bóng ăn dè ở xẻn như thế. Thống kê đã chỉ ra rằng tổng giá trị các thương vụ mua cầu thủ ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu hiệu nay chỉ rơi vào khoảng 243 triệu euro, chưa bằng nửa mùa trước (501,4 triệu euro). Sự sụt giảm đến hơn 50% đó là minh chứng không thể hùng hồn hơn. Đi sâu vào các giải đấu, Premier League tuy vẫn giữ được vẻ tráng kiện hàng đầu song cũng phải ghi nhận sự sụt giảm thê thảm (năm trước là hơn 200 triệu euro, còn mùa Đông vừa qua chỉ còn khoảng 74 triệu euro). Đứng sau đó là Bundesliga – 53,5 triệu euro. Giải đấu này không xê dịch là bao so với năm ngoái và những năm trước đó. Bởi các đội bóng Đức chi tiêu rất chủ động, họ không tạo ra những thương vụ bom tấn (trừ Bayern Munich) và cũng không hay rơi vào cảnh khủng hoảng (khoảng 10 năm gần đây chỉ duy nhất có Dortmund). Ở 5 giải VĐQG hàng đầu, La Liga sụt giảm thảm hại với tổng chi vỏn vẹn 9 triệu euro, gồm đa phần là những thương vụ “ruồi” của các CLB đang lê lết ở nhóm cuối như Sociedad, Granada…Gary Cahill (7 triệu bảng, sang Chelsea) là một trong số ít thương vụ đáng nói ở mùa Đông năm nay
Âu cũng là hợp lý bởi nền kinh tế châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đang khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng ấy vẫn chưa thể tìm ra lối thoát, chưa thể định hướng cho mình một con đường bền vững. Đó là cuộc khủng hoảng nợ công đã làm khuynh đảo nhiều quốc gia châu Âu, đã khiến hàng trăm ngàn người điêu đứng. Vì thế mà bóng đá không thể làm ra tiền và cũng chẳng thể kiếm đâu ra những nguồn tiền đầu tư như trước. Sự khác biệt giữa 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu cũng tương đương với tình hình kinh tế trong năm qua các các quốc gia sở hữu những giải đấu đó. Nước Anh nhờ thế mạnh của đồng Bảng cũng như chính sách tiết kiệm chi tiêu công đã và đang có những bước đi vững chắc trong bão. Cộng thêm mưa tiền từ thế giới Arab không ngừng đổ vào, họ tiếp tục duy trì được vị thế là giải đấu mạnh tay số 1 châu Âu. Tiếp đến là Đức và Pháp, 2 quốc gia hàng đầu châu Âu và thế giới về kinh tế. Đức, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn tiếp tục thể hiện sự chặt chẽ, tường tận của mình trong các quyết định. Bóng đá đã phần nào chỉ ra rằng nền kinh tế của người Đức vẫn còn khá lành mạnh (các sân bóng ở Đức vẫn chứng kiến tỷ lệ lấp đầy các khán đài trung bình hơn 95%, cao nhất châu Âu, trong khi giá vé lại rẻ hơn Premier League, La Liga và cả Serie A). Sự lành mạnh ấy mang lại cho nền bóng đá Đức một cuộc sống bình yên trong bão.
Còn Pháp, họ chưa bao giờ quá tốn kém cho bóng đá nên cũng bởi vậy mà bóng đá Pháp không cảm thấy bị thay đổi trước thời cuộc. Chỉ duy nhất mùa năm nay, sự táo bạo của PSG trên thị trường chuyển nhượng đã hình thành nên một cuộc đua mua sắm, để rồi cả Marseille, Lille cũng bạo chi. Tất cả giúp Ligue I ghi nhận khoản chi lớn chưa từng có trong 5 năm qua – 53 triệu euro, qua đó giúp họ trở thành giải đấu mạnh tay thứ 3 (sau Premier League và Bundesliga).Sự chịu chơi của PSG đã làm mát mặt Ligue I
Còn Serie A và La Liga, đại diện tiêu biểu cho 2 nền kinh tế ốm yếu của Italia và Tây Ban Nha, tình hình thật thảm hại. Italia năm vừa qua chứng kiến nền kinh tế đi xuống. Tỷ lệ thất nghiệp ở Italia đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua do thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc suy thoái nghiêm trọng ở nước này. Cụ thể là 8,3%. Còn ở Tây Ban Nha, một kỷ lục đã được thiết lập với 22,6% dân cư không công ăn việc làm. Quốc gia này còn sắp đuổi kịp Hy Lạp và CH Ireland về số chi tiêu công lẫn nợ công. Những tín hiệu ấy chỉ ra rằng, nếu không tìm cách vượt lũ, TBN sẽ trở thành con nợ khổng lồ, nuốt một lượng tiền lớn của toàn châu Âu. Lượng tiền đó đi đâu, đang ở nơi nào thì chẳng ai biết, chỉ biết rằng cuộc sống của La Liga, nơi 2 gã khổng lồ Real Madrid và Barcelona ngự trị đang mong manh trông thấy.
Trong cơn bĩ cực, chính phủ TBN đã phải bòn rút La Liga khi nâng thuế thu nhập cá nhân từ 47 lên 56%, qua đó đưa La Liga trở thành giải đấu nặng nề thuế má nhất châu Âu. Đây là đòn đau cho các CLB, và nó cũng lý giải phần nào chuyện mùa Đông năm nay, La Liga gần như đóng băng chợ cầu thủ.
Cũng không thể phủ nhận sức ép từ luật công bằng tài chính mà UEFA đưa vào thực tiễn. Nhưng nên nhớ rằng luật công bằng tài chính chỉ tác động bằng pháp lý lên một CLB lỗ hơn 45 triệu euro/năm. Nếu những nền kinh tế ở châu Âu khỏe mạnh, các CLB hoàn toàn tự tin có thể không lỗ hơn ngần ấy mỗi năm, đặc biệt là các CLB lớn. Tình hình chi tiêu dè xẻn của họ không xuất phát từ nỗi sợ luật công bằng tài chính, mà là xuất phát từ nỗi sợ về một nền kinh tế khủng hoảng không lối thoát.
Lam Ngọc (Theo UEFA)