Thứ Ba, 23/04/2024Mới nhất
Zalo

SEA Games 27: Bi hài cái gọi là "lợi thế chủ nhà"

Thứ Hai 16/12/2013 08:52(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nếu chỉ nhìn vào bảng tổng sắp huy chương hiện tại thì không ít người sẽ tưởng rằng Myanmar là cường quốc thể thao mới nổi của khu vực, bởi Myanmar đang dẫn đầu bảng tổng sắp SEA Games 27 trong một thời gian khá dài.

Bây giờ tuy không còn đứng đầu bảng xếp hạng nhưng Myanmar vẫn xếp trên Indonesia, Malaysia và Singapore, những nước rất mạnh ở các môn thể thao cơ bản của Olympic như điền kinh, bơi lội và liên tục giành huy chương trong 2 kỳ Olympic gần đây nhất.

Đội kata đồng đội nữ Việt Nam đã được tổ trọng tài xin lỗi sau khi bị xử thua
Đội kata đồng đội nữ Việt Nam đã được tổ trọng tài xin lỗi sau khi bị xử thua

“Lợi thế chủ nhà”

Vậy tại sao và như thế nào mà một quốc gia đã không hề có mặt trong tốp 3 SEA Games suốt gần 20 năm qua, mà bây giờ bỗng nhiên lại vọt lên vị trí dẫn đầu ở SEA Games 27, và phải chăng chỉ có một nguyên nhân duy nhất là lợi thế chủ nhà?

Có lẽ chẳng khó để trả lời câu hỏi này, nếu căn cứ vào những tiếng phàn nàn hay chỉ trích về công tác trọng tài của các đoàn thể thao Đông Nam Á tại SEA Games mấy ngày vừa qua, trong đó đoàn thể thao Việt Nam cũng không tránh khỏi bị liên quan với những chiếc HCV bị tuột mất một cách vô cùng cay đắng như kata đồng đội nữ của karatedo, đi bộ 20km của điền kinh hay thể hình…

Có mặt tại nhà thi đấu karatedo vào ngày 14/12 để chứng kiến nội dung kumite hạng cân 75kg nam thì cũng phần nào giải thích được vì sao cơn mưa HCV vẫn đang chưa có dấu hiệu chấm dứt với các VĐV Myanmar. Ở hạng cân này Myanmar có VĐV Chan Naing góp mặt cùng 2 đối thủ sừng sỏ là Shaharudin Jamaludin (Malaysia) và Chirsto Mondolu (Indonesia). Trong khâu bốc thăm mà Chan Naing đã tránh được Mondolu ở vòng loại và chỉ gặp Jamaludin ở bán kết.

Ngay từ khi trận chung kết hạng cân 75kg nam còn chưa bắt đầu, rất nhiều HLV và VĐV khoác áo đồng phục của đoàn thể thao Myanmar đã vây kín thảm đấu nơi diễn ra trận chung kết, và thậm chí ngay tại thảm đấu người ta còn chuẩn bị sẵn 2 lá quốc kỳ, một gắn vào cán và một để khoác lên người.

Diễn biến trận chung kết đã cho thấy đúng như vậy, khi gần như mỗi lần Chan Naing ra đòn đều được trọng tài tặng điểm, bất kể đòn ấy có thực sự chạm vào Mondolu hay không. Trọng tài tỏ ra rất kinh nghiệm khi Chan Naing đã dẫn điểm với khoảng cách khá an toàn thì ông này mới cho Mondolu vài điểm để tạo cảm giác rằng võ sỹ Indonesia không bị đối xử thiên vị.

Vì thế, trong khi các trận chung kết kumite khác đều kết thúc với cách biệt tỷ số vừa phải thì riêng cuộc đọ sức ở hạng cân 75kg lại có tỷ số 10-5 nghiêng về Chan Naing, dù trên thực tế võ sỹ này hầu như không trội hơn gì so với Mondolu.

Việc Mondolu phải thi đấu trong cảnh chưa ra thảm cũng đã biết rõ kết quả như vậy thực sự là một màn tra tấn cảm xúc với võ sỹ này, và có lẽ vì quá ức chế tâm lý nên Mondolu đã 2 lần ra đòn rất mạnh với Chan Naing khiến võ sỹ Myanmar phải dừng lại khá lâu để các bác sỹ vào sân chăm sóc. Theo luật thì trọng tài hoàn toàn có thể xử phạt Mondolu nhưng có lẽ vì tất cả đều hiểu thực sự điều gì đang diễn ra trên thảm đấu nên cuối cùng Mondolu bình an vô sự, Chan Naing nhận HCV, và đoàn Indonesia cũng không phản ứng quyết liệt.

Quyết định dựa trên cảm tính

Với những môn thể thao đối kháng trực tiếp dựa trên năng lực và sức mạnh của VĐV để quyết định thắng bại mà VĐV Myanmar còn lấy được HCV một cách “kỳ lạ” như vậy, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi Thanh Phúc bị trọng tài xử ép để mất HCV SEA Games. Tuy điền kinh là môn Olympic nhưng đi bộ 20km lại là nội dung cực kỳ nhạy cảm, do các trọng tài có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả cuối cùng.

Sự khác biệt về năng lực chuyên môn giữa thể thao Myanmar với các nền thể thao tiên tiến ở khu vực có lẽ chỉ được thể hiện tương đối rõ ràng tại hồ bơi của nhà thi đấu dưới nước, khi các VĐV từ Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan thay nhau làm mưa làm gió ở đây, còn những VĐV chủ nhà hầu như chỉ góp mặt cho đủ thành phần thi đấu và họ thường về cuối cùng ở các nội dung mà mình tham dự.

Tuy nhiên, SEA Games không chỉ có mỗi bơi lội, và ngay cả khi không cạnh tranh nổi với các cường quốc bơi lội khu vực như đã kể trên, nhưng không hiểu sao cuối cùng Myanmar vẫn có một HCV bơi lội ở nội dung chỉ có rất ít đoàn mạnh tham dự, và có thể đây cũng không phải là HCV duy nhất của họ.

Đã đến lúc SEA Games cần thay đổi trong cách tư duy lạ lùng về cái gọi là “lợi thế” chủ nhà.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X