Thứ Sáu, 19/04/2024Mới nhất
Zalo

"Ác mộng"SEA Games 27: Những VĐV bị đánh bại bởi… trọng tài!

Thứ Hai 16/12/2013 08:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Là chuyện quá đỗi quen thuộc ở mỗi kỳ Đại hội phải đi làm khách, thậm chí, còn được xem là thứ "đặc sản" của SEA Games. Vậy nên chẳng người hâm mộ nước nào không từng phải xót xa khi chứng kiến những giọt nước mắt tuôn trào của các tuyển thủ  nước mình trước vấn nạn bị xử ép.

SEA Games 27 cũng chẳng là ngoại lệ. 70 đến 75 HCV để đạt được mục tiêu tốp 3 được các nhà quản lý thể thao Việt Nam (TTVN) xây dựng trên nền tảng thực lực chuyên môn, nhưng chắc chắn đó không hề là con số tối đa, bởi đơn giản - chúng ta mang quân đi đánh xứ người, đối mặt với quá nhiều thứ rủi ro ngoài toan tính.

thanh phúc
Thanh Phúc buồn bã về đích vì bị mất “Vàng”

Đã có 4 trường hợp bị xử ép

Khi SEA Games 27 còn chưa đi qua nổi 1/2 chặng đường, cái vấn nạn kia đã sớm trở lại và không chỉ một lần, bởi ít nhất đã là 4 lần, các tuyển thủ Việt Nam bị xử ép, tước mất huy chương một cách khó hiểu.

Đầu tiên là đội tuyển Kata nữ với màn trình diễn hoàn hảo với đẳng cấp thế giới để đánh bại mọi đối thủ, nhưng không thể... đánh bại nổi những vị trọng tài thiên vị cho đội chủ nhà. Chưa hết, trên đường đua xanh, cú xuất phát mà dân trong nghề gọi là kiểu "ăm trộm" cũng tạo lợi thế lớn cho tuyển thủ Li Tao (Singapore) đánh bại kình ngư Ánh Viên ở nội dung 100m ngửa nữ.

Đòn "xử ép" còn tinh vi hơn thế nếu ai được trực tiếp chứng kiến nhà vô địch thể hình thế giới Phạm Văn Mách tranh tài ở hạng 55kg. Phải trình diễn trên nền nhạc đã phát chậm và còn phát sai,  lực sỹ Việt Nam đã không thể thể hiện được tối đa khả năng, lẫn đẳng cấp của mình.

Nhưng có lẽ cú ép "trơ trẽn" nhất là trên đường đua 20km đi bộ nữ diễn ra vào sáng 15/12. Một Thanh Phúc của Việt Nam vượt ra tầm khu vực, chạm mặt bằng châu lục và từng góp mặt ở Olympic London 2012, giải VĐQG 2013 bằng cửa chính đã phải chịu thua ngay tại cái "ao làng" với cách thua mà không ai có thể tưởng tượng nổi!

Với 1 giờ 37 phút 08 giây, dù không bằng được thành tích tốt nhất của mình (1 giờ 33 phút 36), cũng đủ để Thanh Phúc đã vượt qua kỷ lục SEA Games (1 giờ 39 phút 25 giây). Nhưng một lần nữa, cô gái Vàng trên đường đi bộ không thắng nổi trọng tài và đối thủ chủ nhà còn vô danh là Saw Mar Lar Nwe.... vừa đi, vừa chạy! Cay đắng hơn cho Thanh Phúc là biết mất Vàng nhưng cũng đành phải chịu bởi nếu phạm luật, cô sẽ mất cả đợt thi cũng vì... trọng tài!?

Tất nhiên, chuyện bị xử ép thì chẳng phải mình VĐV Việt Nam phải hứng chịu ở mỗi kỳ SEA Games đi làm khách. Và ai cũng biết, đằng sau những cách hành xử phản thể thao ấy, thực chất là mục tiêu phải có huy chương bằng mọi giá của nước chủ nhà nên mọi sự khiếu kiện cũng bằng thừa.

“Sao không đánh knock-out họ đi”

Để có thể xóa bỏ, xóa bỏ đến tận gốc vấn nạn đó, đó là một câu chuyện dài và không hề dễ khi đó cũng là vấn đề đã tồn tại quá lâu trong làng thể thao khu vực vốn còn phải vật lộn mà chưa tìm được lối ra, thay vì sự cạnh tranh thành tích thiếu lành mạnh. Và nếu coi bản chất của thể thao là "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương", thì chẳng còn cách nào khác, các tuyển thủ buộc phải vượt lên trên đối thủ bằng cách vượt qua chính mình.

Nó giống như một câu chuyện mà người viết đã từng chứng kiến cũng bên lề cuộc đấu SEA Games. Khi một võ sỹ đối kháng Việt Nam khóc sướt mướt vì dù đã thi đấu rất tốt nhưng vẫn bị xử thua đối thủ chủ nhà, thì người đồng đội của anh bình tĩnh hơn nhiều với lời khuyên thật xác đáng: "Sao không cố đánh out (thắng tuyệt đối bằng knock-out) họ đi, thì ăn gian sao được!"  

Hãy vượt lên, để cái khoảng cách lớn sẽ thách thức mọi sự gian dối! Còn nếu đã vượt lên mà không thắng nổi sự gian dối kia, thì vận động viên đó vẫn có quyền ngẩng cao đầu để rời cuộc chơi bằng tư thế của người chiến thắng.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X