Chuyện một đội bóng nổi tiếng thế giới như Arsenal sang Việt Nam du đấu tưởng chừng không thể, nhưng cuối cùng đã trở thành có thể, khiến người hâm mộ bóng đá nội địa vô cùng phấn khởi.
Lâu nay, khi chứng kiến những chuyến du đấu đình đám của các CLB hàng đầu châu Âu đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia, rồi cảnh nhiều CĐV có điều kiện khăn gói sang các nước láng giềng để thỏa cơn nghiền bóng đá, hẳn chúng ta không khỏi chạnh lòng.
Chạnh lòng bởi dân ta được biết đến là hâm mộ bóng đá không kém bất cứ nơi nào trên thế giới, một thị trường không thể nói là thiếu tiềm năng. Tiền bạc đổ vào cho các hoạt động bóng đá cũng rất khủng khiếp.Cazorla (phải) và Podolski (trái), 2 ngôi sao mà Arsenal hứa hẹn sẽ mang sang Việt Nam vào mùa hè năm nay.
Tóm lại tiền bạc cũng chưa hẳn là rào cản lớn nhất khiến không thể đưa các CLB hàng đầu châu Âu đến Mỹ Đình thi đấu. Vậy thì, tại sao giấc mơ mà các nước láng giềng đã hiện thực hóa từ lâu, chúng ta vẫn cứ loay hoay, để rồi giờ đây mới được cụ thể? Không khó để cảm nhận mấy bài học qua sự kiện mời được Arsenal.
Thứ nhất, nếu VFF thực sự phát huy được đúng nội hàm của cụm từ xã hội hóa bóng đá, tập hợp được sức mạnh của các thành phần trong xã hội, nhất là những doanh nghiệp đang tham gia hoạt động bóng đá, chắc chắn những cái không thể với bóng đá nước nhà sẽ từng bước biến thành có thể.
Trong thương vụ này, dấu ấn hay công trạng lớn nhất phải thuộc về vai trò của cá nhân 2 ông Đoàn Nguyên Đức và Lê Hùng Dũng, và bộ máy nhân sự của VFF trong thời gian sắp tới nên có nhiều thêm những gương mặt nói được làm được như thế.
Thứ hai, để các đối tác lớn nước ngoài, không riêng gì Arsenal đến Việt Nam du đấu (hoặc hợp tác như trường hợp Học viện HA.GL Arsenal JMG của HA.GL), chúng ta cần phải xây dựng được chữ tín.
Liệu việc Arsenal chấp nhận sang Việt Nam ngoài lý do tài chính còn có nguyên nhân nào khác? Có đấy, chắc chắn một phần từ nỗ lực của Học viện HA.GL Arsenal JMG. Sự tồn tại của Học viện trong 6 năm trời vừa qua đã chứng minh việc hợp tác với Arsenal của HA.GL không phải là “cà chớn”.
Gọi cà chớn bởi chúng ta không lạ gì khi thi thoảng nghe ông bầu A, B, C “nổ” sẽ hợp tác với CLB C, B, A nổi tiếng châu Âu, nhưng “nổ” xong rồi để đấy. Nếu chúng ta có thêm vài ba Học viện bóng đá như của HA.GL thì hoàn toàn có thể tin rằng nền bóng đá sẽ mau chóng cất cánh.
Nghịch lý của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ QG với bao nhiêu tiền của hỗ trợ từ FIFA, có bao nhiêu nhà chuyên môn bóng đá, nhưng rốt cuộc nhiều năm qua không đào tạo nên một lứa cầu thủ ra trò thực sự rất đáng suy ngẫm.
Ông Tấn Anh, trưởng đoàn HA.GL kể rằng ông chứng kiến sự bất ngờ khó tả của HLV Arsene Wenger khi U18 HA.GL đánh bại U18 Arsenal. Ông Tấn Anh chia sẻ: “Để vượt qua các tiêu chuẩn, quy định khắt khe của Arsenal khi chọn đối tác mở Học viện bóng đá Arsenal, nếu không có lực, có tâm, làm ăn hời hợt thì đừng có mơ sẽ được đồng ý hợp tác”. Một triết lý sống rất đơn giản, muốn người khác kết bạn tâm giao, anh phải chứng tỏ được có đáng tin cậy hay không.
Đất nước chúng ta có gần 90 triệu dân, không thể thiếu tài năng bóng đá đến mức không thể xây dựng nên một đội bóng có tính cạnh tranh. Trong vô vàn thách thức của bối cảnh khủng hoảng bóng đá hiện nay, khủng hoảng niềm tin là đáng lưu tâm, cần phải ưu tiên phục hồi. Có niềm tin, thì mới nói đến chuyện làm bóng đá chuyên nghiệp.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)