Những phát pháo đã nổ trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phi vụ hiếm hoi, bởi gần như tất cả các đội bóng đều đang án binh bất động với hoàn cảnh khách quan đưa đến?
Tất cả đều ở chế độ… chờ
K.KG có lẽ là đội bóng “mở hàng” sớm nhất khi bất ngờ có được Felix, tiền đạo từng chơi khá thành công trong màu của CS.ĐT. Tuy nhiên, sau bản hợp đồng này, đội bóng vùng duyên hải Nam bộ chưa cho thấy họ sẽ tiếp tục “đi chợ”, mặc cho lãnh đạo K.KG tuyên bố chỉ giữ lại 7-8 vị trí đã chơi ở mùa bóng năm ngoái.
N.SG đang là trung tâm của mọi sự chú ý. Đã và đang rộ lên rất nhiều thông tin N.SG sắp chuyển giao cho Bình Định. Dư luận đã đặt rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này, tuy nhiên, những người đứng đầu của N.SG đã bác bỏ điều đó. Nguyễn Rogerio (trái) có thể phải ra đi bởi SG.XT muốn cắt giảm gánh nặng tài chính
Lúc này, các cầu thủ N.SG mới là những người cảm thấy sốt ruột nhất. Và trong những ngày qua, rất nhiều cầu thủ khẳng định rằng, họ sẽ “đào tẩu” khỏi đội bóng này. Điều đặc biệt là, lãnh đạo N.SG chính là những người gợi ý và “bật đèn xanh” cho các ngôi sao mà họ từng mua về bằng nhiều tiền ra đi. Ví như tiền đạo Quang Hải, tiền vệ Tài Em…
Tương tự là SG.XT, dù có lời hứa của bầu Thụy nhưng cho đến nay vẫn chưa có điều gì đặc biệt ngoài việc, HLV Trần Tiến Đại đã phát đi tín hiệu sẽ bán bớt một vài ngôi sao nhằm giảm gánh nặng tài chính. Điển hình nhất là Nguyễn Rogerio.
Cũng không thể không nói đến CLB Hà Nội. Phía trước còn là những dấu hỏi về tương lai của đội bóng Thủ đô. Cho dù thời gian qua đã có những cam kết từ cấp thượng tầng, song rất nhiều cầu thủ đang đánh tiếng muốn được ra đi vì cảm thấy bất an…
Đi tìm nguyên nhân
Nếu như mùa bóng trước, khi V-League vừa hạ màn, người ta đã được chứng kiến những phi vụ “bom tấn” trên thị trường chuyển nhượng; thì mùa bóng năm nay, tất cả các đội bóng đều tính tới phương án cho (bán) đi, chứ chưa thấy tăng cường lực lượng bằng những bản hợp đồng “khủng”.
Có một điều dễ nhận ra, tất cả các đội bóng đều đợi chờ thời điểm thích hợp mới “đi chợ”. Hay nói đúng hơn là chờ biến động trên thị trường chuyển nhượng, và đặc biệt là chờ những khoản ngân sách mà các nhà tài trợ và Mạnh thường quân rót xuống.
Nói đến đây nhiều người mới chợt nhận ra rằng 7/14 đội bóng ở V-League (CLB Hà Nội, SHB.ĐN, HN.T&T, SLNA, N.SG, B.BD, K.KG) đang nhận được sự tài trợ của các đơn vị ngân hàng. Bởi thế, trong bối cảnh tài chính biến động, việc phải cắt giảm ngân sách, thậm chí “thắt lưng buộc bụng” đã khiến cho không ít đội bóng gặp khó khăn trong việc chuẩn bị cho mùa bóng mới.
Dĩ nhiên, tiền bạc cũng chỉ là một phần bởi sau những bài học xương máu, có vẻ như rất nhiều đội bóng đã học được chữ “Nhẫn”. Tức, họ không nóng vội tham gia vào cuộc đua tiền bạc, thay vào đó là chờ đợi với hy vọng sẽ mua được những món hàng hời.
Chính vì vậy, phải đợi đến hết tháng 10, cụ thể hơn là giữa tháng 10 khi tất cả các CLB tập trung trở lại người ta mới biết sức nóng V-League lan tỏa đến đâu!?
(Theo báo Bóng Đá)