TP.HCM được đánh giá là đầu mối trung tâm giao lưu kinh tế văn hóa của cả nước với dân số đông đúc. Nhưng hình ảnh khán đài ít khán giả đến mức rộng thênh thang thì không biết có mấy ai suy nghĩ trăn trở gì không!?
Vàng son một thuở yêu “người”
Trong thời gian vừa qua, việc CLB N.SG được chuyển nhượng cho tập đoàn Xuân Thủy ở Hà Nam xứng đáng được phong tặng danh hiệu “ SỰ KIỆN CỦA NĂM “. Do năng lực tài chính không còn dư dả thì việc phải bán đội bóng của mình đang nuôi cho người khác là chuyện thường. Nhưng do “chút gì đó”, người ta làm “rắc rối thêm cho một việc đơn giản”.
Hệ quả cuối cùng thật là bi hài. Chính ông chủ bỏ tiền ra mua N.SG ngay ngày 1/11/2012 đã làm công văn gửi lãnh đạo TP.HCM để trao tặng chính đội bóng mà ông đang sở hữu và động cơ việc làm này là thiếu tiền nên cần thêm tài trợ để nuôi đội bóng. Điều nguy hiểm mà công chúng nhận ra là bóng đá Sài Gòn dường như đang bị lợi dụng để trục lợi cá nhân.SG.XT chưa được các CĐV xem là đội bóng ruột của TPHCM như CSG hay CA.TPHCM trước kia
Tương lai đã chỉ rõ: Trong mùa bóng 2013, bóng đá TP.HCM chỉ còn một đại diện duy nhất tại V-League và đó là điều càng gây thêm hụt hẫng cho người hâm mộ. Không thể phủ nhận ở những mùa giải gần đây, các đội bóng Sài Gòn đã tích cực, làm nhiều cách để kéo khán giả đến sân dù trong từng thời điểm, mỗi việc điều mang lại hiệu ứng riêng.
Nhưng nói thật lòng, vẫn chưa có đội bóng nào tạo được sức hút bằng các đội bóng trước đây. Trong giai đoạn bóng đá Việt Nam chưa “lên chuyên”, ngoài chiếc mũ đội trên đầu, áo mưa cặp nách, mỗi CĐV còn có cái lon “ GUIGOZ” đựng cơm xách nối tay mỗi khi bước vội vã vào sân Thống Nhất để chiếm giữ một chỗ ngồi tốt. Hoặc một nhóm trước khi vào sân thì vui vẻ đi chung nhưng khi trận đấu “ DERBY” diễn ra thì lại chia làm 2 phe rõ rệt, thi nhau hò hét tưởng sắp đánh nhau. Khi xong trận thì lại quây quần hò hét tại quán bia trên đường Đào Duy Từ để xí xóa hết.
Lâu nay, chưa đội bóng Sài Gòn nào làm cho người hâm mộ cảm nhận và thốt lên rằng “ đây là đội bóng của tôi”. Vẫn còn đó những khoảng cách cần thu hẹp để người Sài Gòn chịu công nhận đội bóng là của mình. Việc CĐV Sài Gòn đi xem các đội Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang…. thi đấu là một hiện tượng phổ biến.
Thành tích thi đấu của đội bóng là yếu tố quyết định đến lòng trung thành và sự siêng năng dự khán của người hâm mộ. Thắng thua của đội bóng khiến cho người hâm mộ phải lựa chọn một trong hoặc hẹn gặp lại tuần sau hay ra đi không ngoảnh mặt lạị.
Một câu nói tôi thường dành cho các CĐV trẻ trung năng động đến mức bốc hỏa là: “Đừng đem những buồn bã thất vọng sau mỗi trận đấu về nhà, vì nơi đây chỉ dành chứa đựng những giá trị lớn nhất cho mỗi cuộc đời các bạn. Và đừng giữ nó đến ngày thứ hai vì tương lai đang chờ các bạn nỗ lực”.
Câu nói trên, may mắn thay có tác dụng tốt đối với các em và rất đúng khi người hâm mộ thành phố đến xem cổ động cho đội bóng mình yêu và đòi hỏi đội bóng một thái độ thi đấu trung thực, tích cực. Những toan tính ngoài mục đích đá bóng của các đội hiện nay dễ làm hoài nghi phát triển mạnh trong lòng công chúng
Chưa đá mà khuyên nhau ở nhà vì biết trước kết quả! Phong độ cầu thủ còn theo từng hiệp! Một cầu thủ đang cầm bóng nhưng cố tình không nhận ra đồng đội đang trống trải! Đá hụt bóng trước cầu môn đội nhà hoặc dẫn bóng rồi vấp ngã dù mặt sân rất bằng phẳng.
Những thước phim hài kịch đó quá quen thuộc với CĐV Sài thành, ngang như cỡ các bà nội trợ rành phim tình cảm Hàn Quốc. Rồi chuyện CĐV đã tốn tiền mua vé đến sân nhưng vẫn phải chứng kiến những điều vô văn hóa từ sân cỏ đến khán đài. Cứ thế nên khán đài đìu hiu là tất yếu.
Bóng đá – món nợ với người dân
Bóng đá Việt Nam ta thường tự hào có một giải đấu hấp dẫn nhất khu vực. Nhưng đó là khi nhiều người chưa tìm hiểu bóng đá Thái Lan, hình ảnh CĐV các đội bóng nước này trình diễn đủ độ… làm khó các Hội CĐV Việt Nam. Và lúc này chúng ta mới thấy niềm tự hào trong một phút …nông nổi kể trên đang bị xâm phạm. Chính CĐV Thái Lan đã khiến giải đấu ở nước này ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng.
Không ai trên đời này không tự hào khi những gì của mình được người đời khen tặng: căn nhà mình đẹp nhất phố, bộ cánh mình đẹp nhất là hợp gu nhất với đám tiệc…. Và có ai quên được những cái tên Huỳnh Đức, Minh Chiến, Hoàng Bửu, Liêm Thanh, Chí Bảo, Thiện Quang…, những cái tên thuộc thế hệ vàng của bóng đá TP.HCM từng nhiều lần khoác áo ĐTQG.
Rất đỗi tự hào, chính những cái tên ấy mới làm Công an TPHCM, Cảng Sài Gòn đắt hàng cháy vé. Sau lứa này, bóng đá Sài Gòn chắt mót lắm cũng chỉ được Văn Khải, Đức Tài, Đức Thiện đếm chưa hết một bàn tay và cũng không có gì ấn tượng sâu đậm.
Trong trận tranh chung kết giải U21 quốc tế báo Thanh Niên năm nay diễn ra trên sân Gia Lai, có gần 20 em thanh niên trẻ Nghệ An đang sinh sống ở TP.HCM dù thiếu thốn nhưng vẫn dành dụm đủ tiền di chuyển một đoạn đường đầy vất vả, mục đích của họ là xem và cổ vũ cho đội U21 Việt Nam vì trong đội hình này có 9 cầu thủ quê Nghệ An. Họ mong mỏi muốn làm một cái gì đó dù nhỏ, nhưng hết sức ý nghĩa để cổ động “gà nhà”. Thật đáng ngã mũ trước những CĐV Nghệ An nhiệt thành như thế.
Bóng đá Sài Gòn hiện còn mang một món nợ lớn đối với quá khứ. Người được ủy quyền để đòi món nợ ấy là công chúng hâm mộ TP.HCM. Để giải quyết món nợ này là một thách thức lớn vì đấy là món “nợ xấu” tồn đọng. Sau năm 2003, mùa giải mà Cảng Sài Gòn phải ngậm ngùi rớt hạng, nếu kịp thức tỉnh, bóng đá Sài Gòn phải nhờ một bộ phận kiểm toán tài ba đủ tin cậy để chính xác đánh giá và quy hoạch xây dựng lại toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ các tuyến.
Thế nhưng, người ta vẫn “điềm nhiên tọa thị” và ung dung sáng xách xe đi, chiều xách xe về. Bóng đá Sài Gòn vẫn không bới ra một tài năng trong các giải đấu cấp quốc gia. Chính điều đó đã giết chết tính bản sắc địa phương của bóng đá Sài Gòn và sự thu hút đối với công chúng.
Bóng đá sinh ra giữa cộng đồng, phục vụ cộng đồng trong nhu cầu vui chơi giải trí nhằm kích thích sự hưng phấn và tái tạo sức lao động. Đấy là một cách giúp xã hội tiến lên tích cực. Nhưng để có được điều đó, bóng đá phải có bản sắc địa phương nhằm làm cho từng thành viên của cộng đồng phải tự hào.
Nếu sau một đêm ngủ say, tỉnh giấc sớm chúng ta chợt nhận ra rằng bóng đá Sài Gòn càng ngày càng giảm đi sự thu hút. Tục ngữ Ấn Độ có câu “Trồng một cái cây trước khi chết là sống không vô ích”. Bóng đá Sài Gòn đã như một cô gái đẹp, sự tàn phá của thời gian đã làm nhan sắc ấy không còn như xưa, nhưng “Không có người phụ nữ xấu chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”.
Tái tạo và duy trì nét đẹp, dù là đẹp lão, vẫn là việc mọi phụ nữ hay làm để nhằm mục đích tạo ra sự thu hút. Bóng đá Sài Gòn giờ cần đến một nơi “chăm sóc sắc đẹp” gấp. Còn nếu cứ tiến trình như hiện tại, không ai ngạc nhiên nhưng không ít người nhói lòng khi nền bóng đá xứ sở này bị xóa sổ nay mai.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)