Những nhà vô địch đều phải có cá tính mạnh mẽ, hay sự khác biệt so với phần còn lại. Liệu đội tuyển Việt Nam đã có được điều đó, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Quảng Đà, Phan Thanh Hùng, hay chưa?
Anh Hùng ở đội tuyển
Có một sự thật, trong những thầy nội của bóng đá Việt Nam hiện nay, huấn luyện viên Phan Thanh Hùng là người có quan hệ hữu hảo nhất với giới truyền thông. Ông Hùng nổi tiếng lành tính, không chấp nhặt, câu nệ. Đặc biệt, họ Phan được xem là người chơi đẹp, chơi hết mình với những ai đã chơi, đã biết đến ông. Hay nói như một học trò của nhà cầm quân này: “Chỉ ngồi một lần với thầy Hùng thôi, là yêu luôn”.
Ông Hùng lên đội tuyển theo một cách riêng. Nói là riêng bởi ông biết mình là ai, thời điểm nào cần gật hay lắc, và biết được “cái giá” của mình. Thế nên, khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ngỏ lời mời, ông Hùng không ngại ngùng bộc lộ quan điểm rằng, ông sẽ kiêm nhiệm huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia và cả câu lạc bộ Hà Nội T&T.
Những dấu ấn của Henrique Calisto (phải) vẫn còn đậm nét ở đội tuyển Việt Nam, nhưng ông Phan Thanh Hùng cũng đang xây dựng con đường cho riêng mình
Dĩ nhiên, sự phản đối của những “cây đa, cây đề” đã có lúc khiến VFF duy ý chí với lời yêu sách “vừa xay lúa vừa bế em”. Rốt cuộc, dù không bằng mặt cũng chẳng bằng lòng, nhưng VFF cũng phải gật, bởi họ hiểu nếu có được “quân cờ” Phan Thanh Hùng; thì sẽ có được cả “bàn cờ” giới truyền thông, một trong những đối thủ đáng sợ nhất của VFF trong suốt những năm qua.
Nói như thế không có nghĩa phủ nhận năng lực của huấn luyện viên Phan Thanh Hùng. Dưới bàn tay của ông, HN T&T là một trong hiếm hoi những đội bóng Việt Nam định hình được lối chơi của riêng mình, có bài, có miếng, chứ không phải chạy nhiều là ra chiến thuật, hay phất bóng dài cho “Tây” và ăn bàn… như đa số đội bóng Việt Nam vẫn áp dụng.
Đội tuyển Việt Nam trong tay ông Phan Thanh Hùng rõ ràng cũng đang có những thay đổi rất tích cực, đó là điều đáng ghi nhận khi mà AFF Suzuki Cup đang được đếm ngược từng ngày. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam vẫn còn cần thêm những yếu tố khác nếu muốn lặp lại chiến tích vô địch Đông Nam Á như bốn năm về trước
Chiến dịch “bàn tay sạch”?
Ông Ngô Lê Bằng ngày trước còn làm trợ lí ngôn ngữ cho huấn luyện viên Henrique Calisto, bây giờ Tổng thư ký của VFF, từng thổ lộ: “Trong những năm làm bóng đá và kinh qua nhiều vị trí khác nhau, chưa bao giờ tôi thấy ai “cực đoan” như ông Calisto. Ông ấy đưa ra quan điểm và bảo vệ quan điểm đến cùng dù có thương đau…”.
Ông Calisto được xem là người có cá tính trên sân và trong phòng thay đồ. Và điều đó có thể đã giúp ông thầy người Bồ Đào Nha có được những thành công với Đồng Tâm Long An ở cấp độ câu lạc bộ, cũng như đội tuyển Việt Nam, với chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, danh hiệu khu vực duy nhất của Việt Nam tới thời điểm này.
Tuy nhiên, cũng cái cá tính cực đoan ấy đã hại chính ông Tô. Đơn cử như SEAGames 2009, có người cho rằng, nếu ông Tô cho các học trò tiếp cận trận đấu với tư thế của một kẻ chiếu dưới như vòng bảng (thắng 3-1), thì U23 Việt Nam đã không thua đau, thua lãng xẹt và mất huy chương vàng vào tay Malaysia. Và cả trận bán kết tại AFF Suzuki Cup 2010, nếu đội tuyển Việt Nam không mang vẻ kênh kiệu của một nhà vô địch có lẽ chúng ta đã không lấm lưng trước cùng đối thủ.
Từ ông Calisto, người mà huấn luyện viên Phan Thanh Hùng vẫn gọi bằng thầy, người ta đặt ra một câu hỏi: “Ông Hùng có cá tính hay không?”
Như đã nói, ông Hùng là người biết dung hòa mọi quan điểm, biết cương biết nhu đúng lúc. Những học trò của ông Hùng cũng thừa nhận rằng, ngoài năng lực chuyên môn, họ thích vì ông Hùng luôn biết “gãi” đúng chỗ, hưởng ứng đúng lúc và động viên đúng thời điểm. Chính vì thế, rất nhiều người coi ông Hùng là huấn luyện viên kiêm luôn chuyên viên tâm lí.
Nhưng không phải ai cũng phục ông Hùng. Đã có giai đoạn người ta xì xào “dây” HN T&T lên tuyển, rồi đến việc cậu cháu ruột Phan Thanh Hưng được ưu ái ở khu vực trung tâm hàng tiền vệ… Rõ nhất, là trường hợp của Việt Cường đã rời đội tuyển, dù anh được coi là một trong những hậu vệ cánh trái hay nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay.
Và mới nhất là trường hợp của Việt Thắng, tiền đạo đã bị gạch tên với lí do không đáp ứng chuyên môn. Song với những người trong cuộc, ai cũng hiểu rằng, ngoài chuyên môn, Thắng “bế” phải đi vì đã có những xung đột với ban huấn luyện. Nói cách khác, huấn luyện viên Phan Thanh Hùng đã và đang cố gắng xây dựng một đội tuyển “xanh, sạch” về mặt kỷ luật, giống như cách mà ông Calisto từng khai trừ Thế Anh, hay Huy Hoàng… khỏi đội khi mà những cầu thủ này bất chấp quân pháp.
Công thức làm Vua
Chắc ông Hùng sẽ rất tự ái nếu như người ta nói rằng đội tuyển Việt Nam hiện nay là phiên bản 2.0 của đội tuyển Việt Nam 2008. Nói như thế không phải là phủ nhận công lao mà ông Hùng đang xây dựng đội tuyển. Thế nhưng, người ta vẫn thấy cái gì đó na ná, hay nói cách khác là sự ảnh hưởng của ông Calisto để lại trong tiềm thức của các cầu thủ Việt Nam, còn lớn.
Ông Hùng đang “gò” đội tuyển vào lối chơi chuyền ban ngắn, lấy phòng ngự làm bàn đạp cho tấn công. Ông chấp nhận thử nghiệm Nguyên Sa, Gia Từ… cũng giống như ông Calisto thử Tài Em, Minh Phương. Và ông Hùng biết chấp nhận những thương đau, như chấn thương vì tập thể lực nặng, để trong giông bão các học trò của ông sẽ trưởng thành và lớn lên… Những điều nói trên đã cho thấy nhà cầm quân họ Phan đã chuẩn bị cả tâm lẫn thế cho một cuộc chinh phục.
Người ta vẫn nói, cá tính huấn luyện viên sẽ tạo ra cá tính cho một đội bóng, ông Hùng dù không có những phẩm chất như ông Calisto, nhưng đổi lại nhà cầm quân này lại có những sự khác biệt so với những người đồng nghiệp ngoại quốc và thầy nội khác. Với cách ấy, ông Hùng đang lái đội tuyển Việt Nam theo quỹ đạo của riêng mình. Và người ta tin, khi đã có “pháp trị”, “nhân trị”, có sự ủng hộ của giới truyền thông, ông Hùng và các học trò sẽ làm được một điều gì đó tại AFF Suzuki Cup 2012.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)