Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Barcelona và đổi thay chiến thuật 20 năm qua: Martino đưa Barca trở về nguồn cội

Thứ Bảy 28/09/2013 16:34(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Những thay đổi chiến thuật 20 năm qua của Barcelona là một chương lịch sử vĩ đại về chiến thuật của bóng đá thế giới, kể từ khi Johan Cruyff gieo những hạt giống tư tưởng đầu tiên cho đến kỷ nguyên huy hoàng của Pep Guardiola, và giờ là sự cải biến táo bạo của Gerardo Martino.  Nhiệm vụ của HLV người Argentina gây nhiều tranh cãi hơn cả: Ông đang phải sửa chữa những khiếm khuyết của một lối chơi đã đưa Barca lên đỉnh cao nửa thập niên qua, Tiki-taka.

Bóng dài là “đặc sản” của… Johan Cruyff

Đó được xem như một sự phản bội lối chơi truyền thống của Barca: Trận thắng Vallecano, Martino cho Barca chơi bóng dài nhiều hơn bóng ngắn, cầm bóng ít hơn đối thủ, và sút xa ngay khi có thể. Nhưng soi chiếu lịch sử phát triển chiến thuật của Barca, chúng ta nhận ra rằng chẳng có sự phản bội nào ở đây cả.

Martino không phản bội, thậm chí còn đưa Barca trở về với giá trị cốt lõi của họ
Martino không phản bội, thậm chí còn đưa Barca trở về với giá trị cốt lõi của họ

Johan Cruyff, người đặt nền móng cho lối chơi truyền thống của Barca, chính là HLV đầu tiên sử dụng bóng dài ở Camp Nou. Trong 8 năm dưới triều đại của ông, Barca tấn công chủ yếu dựa vào những quả phất bóng của Ronald Koeman và Pep Guardiola. HLV người Hà Lan mang đến đây tinh thần của bóng đá tổng lực, tức là vô cùng đơn giản, nhưng tinh tế, linh hoạt và hiệu quả. Hệ thống 4-3-3, được cho là khung xương cho lối chơi truyền thống của Barca, ra đời từ đây.

Louis van Gaal lên thay Johan Cruyff và đưa Barca quay trở lại với hệ thống 3-4-3, tạo ra áp lực tốt hơn từ giữa sân với cặp tiền vệ trung tâm Phillip Cocu – Luis Enrique. Nhưng thời kỳ này, đội bóng xứ Catalunya chủ yếu tấn công từ biên, với ngôi sao hàng đầu Luis Figo và cả Rivaldo, người thường xuyên được xếp đá lệch trái (và anh đã từng mâu thuẫn với van Gaal vì chuyện này, do chỉ thích chơi trung phong hoặc tiền đạo lùi).

Cho đến thời của Frank Rijkaard, Barca mới lại chơi 4-3-3 và bắt đầu đề cao kiểm soát bóng, với cải tiến quan trọng nhất của HLV người Hà lan: Đẩy Xavi từ vị trí pivote (mỏ neo) lên cao chỉ 10 mét, đóng vai trò một người xây nền lối chơi. Tuy nhiên, bóng dài và những cú sút xa vẫn được sử dụng khá thường xuyên.

Pep Guardiola chính là người đã “cực đoan hóa” việc kiểm soát bóng: Gần như không sút xa, không chuyền dài (trừ mở biên), thủ môn cũng chơi bóng ngắn như một hậu vệ quét, và thường phối hợp đến tận gôn mới dứt điểm. Tito Vilanova kế thừa tinh thần ấy, và như chúng ta đã biết, Bayern đã phá hủy lối chơi ấy tại Champions League mùa trước.

Martino không hề phản bội Barca

Thông thường, khi Barca triển khai bóng từ sân nhà, bóng thường được chuyền ngắn tuần tự qua chân Valdes, rồi một hậu vệ hay tiền vệ phòng ngự (thường là Busquets) trước khi tới vị trí của Xavi hay Iniesta. Nhưng với Martino, Valdes có thể phát bóng ngay cho Messi hoặc Neymar để triển khai tấn công nhanh. Nhờ thế, tỷ lệ cầm bóng của Barca đã giảm đi đáng kể (ở trận thắng 4-0 trước Ajax, lần đầu tiên Barca cầm bóng dưới 60%).

Nhưng cầm bóng ít không có nghĩa là Barca chơi kém hiệu quả. Thay vì chuyền đi chuyền lại như một giải pháp phòng ngự (hạn chế quyền kiểm soát bóng của đối phương có lẽ là cách phòng ngự tốt nhất) và chỉ tăng tốc khi đối phương bị ru ngủ, Barca của Martino tấn công trực diện và dồn dập hơn. Họ phòng ngự vị trí khá thông minh khi mất bóng, thay vì khép đội hình lại và cướp bóng lại thật nhanh (theo lý thuyết pressing dưới thời Pep là trong vòng 6 giây), khá giống với lối chơi mà Cruyff từng áp dụng cho Barca cách đây gần 3 thập niên.

Giá trị cốt lõi mà HLV người Hà Lan tạo ra cho Barca chính là sự đơn giản ấy, và dưới bàn tay Martino, nó đang trở lại, thay vì những pha đan bật màu mè vô nghĩa.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X