Sau cái chết (trực tiếp trên tivi) của Morosini, sau khi chứng kiến nhiều cái chết khác trên sân cỏ trong những năm qua, đã dấy lên nỗi khiếp đảm trong các cầu thủ Italia về việc họ có thể sẽ chung số phận với những người xấu số kia.
Chỉ có họ mới hiểu được một cách rõ ràng, mệt mỏi là thế nào. Số buổi tập luyện trong tuần: 5, mỗi buổi một tiếng rưỡi đến hai tiếng, chỉ một ngày được nghỉ và đó không phải là ngày chủ nhật. Số trận đấu trong 7 ngày, đặc biệt là với những đội bóng lớn: 3 trận. Số km mà trung bình mỗi cầu thủ chạy lên chạy xuống trên sân trong thời gian 90 phút (trừ thủ môn): 12 cây số. Thưa quý ông quý bà, bóng đá không phải là một cuộc đi dạo. Trong khi bản thân các khán giả đôi khi cũng mệt mỏi vì quá nhiều bóng đá trong tuần, thì các cầu thủ cũng mệt mỏi vì thi đấu quá nhiều. Phải, họ được trả rất nhiều tiền chỉ để thi đấu và có những người thậm chí bán độ để kiếm nhiều hơn nữa, nhưng tất cả đều phải chạy và trên mức độ nào đó, trả giá rất đắt cho những gì mà họ đã làm trong một nền bóng đá ngày càng trở nên thương mại và khắc nghiệt với tất cả. Họ không được nghỉ ngơi, họ đối mặt thường xuyên với sức ép, và khi chứng kiến những cái chết, họ đau đớn nghĩ đến một kết cục tương tự với mình.Cái chết của Morosini gây sốc với người hâm mộ bóng đá
“Năm ngoái, tôi đã từng nghĩ đến việc sẽ giải nghệ. Bởi tôi cảm thấy sợ hãi khi mình hầu như không hề được nghỉ ngơi”. Đấy không phải là một lời thú tội, mà là tố cáo, từ Di Natale, 34 tuổi, người 2 năm là Vua phá lưới của Serie A. Khóc cho Morosini, người đồng đội cũ của mình ở Udinese, anh gióng lên lời cảnh báo: “Bóng đá rất đẹp, và đó là một môn thể thao quan trọng, nhưng cần phải chú ý đến sức khỏe của các cầu thủ. Tôi đã nói điều này nhiều lần, với các bác sĩ của đội”. Di Natale nói đúng. Việc nâng số đội dự Serie A lên con số 20 đã làm tăng số trận lên 38 mỗi mùa, và với những CLB lớn như Milan, phải đá trên tất cả các mặt trận, con số này là rất lớn. Tính cho đến lúc này, Milan kiệt sức là điều quá dễ hiểu, khi họ là đội ra sân nhiều nhất giải, với 47 trận (hơn Juve đến 12 trận, điều lí giải tại sao Milan sa sút thể lực trong khi Juve không có ai chấn thương). Cái chết của Morosini giờ đã làm cho lịch thi đấu của Serie A trở nên rối loạn hơn nữa, với 5 vòng đấu diễn ra chỉ trong hai tuần, sau khi vòng 33 cuối tuần rồi bị hoãn. Lịch đá ấy là quá khủng khiếp với các cầu thủ. Chứng kiến cái chết của Morosini, họ kinh hoàng và đòi người ta phải làm gì đó để hãm lại nhịp độ chết chóc này. Nhưng đương nhiên có những người không muốn giảm thi đấu, vì đá ít là tiền ít. Mà họ cũng nghĩ, đá bóng đâu có gây chết người…
Trên thực tế, cái chết trên sân của Morosini mới là cái chết đầu tiên theo dạng đó ở Italia sau 35 năm, kể từ ngày Curi gục xuống trong trận Perugia-Juventus năm 1977. Curi cũng trụy tim. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, vấn đề nghi vấn là hoặc các cầu thủ đã chơi quá nhiều, hoặc sử dụng doping. Sự phát triển của y học tiên tiến ở Italia không cho phép các cầu thủ bị tim bẩm sinh được vào sân. Nhưng vấn đề không nằm ở bệnh tim, mà là cường độ vận động. Damiano Tommasi, chủ tịch Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Italia (AIC) tuyên bố: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã đòi hỏi việc giảm số đội dự các giải Serie A và B xuống, giảm các trận đấu giữa tuần, hạn chế đá các trận mùa đông trong tuyết lạnh và khởi tranh giải vô địch vào giữa tháng 8. Sức khỏe của cầu thủ là quan trọng. Chúng tôi không phải là những cỗ máy”. Nhưng những lời kêu gọi (lặp đi lặp lại) ấy của Tommasi chìm nghỉm trong im lặng, khi các CLB và truyền hình bóng đá không thể hy sinh quyền lợi của họ cho sức khỏe của những “công cụ” làm tiền biết chạy (mà trên thực tế, họ đã trả rất hậu hĩnh). Cái gì cũng có giá của nó. Mà xét cho cùng, phải rất nhiều năm mới có một cầu thủ chết, trong khi mùa nào cũng có dăm ba CLB phá sản vì thiếu tiền…
(Theo Thể Thao Văn Hoá)