8 bàn thua trong 3 trận đấu vòng bảng, và 10 bàn thua trong 4 trận đấu liên tiếp (hòa 2-2 với Haiti trước giải) là những con số kinh khủng, đặc biệt với một đội có truyền thống phòng ngự tốt như Italia.
Điều gì đã thực sự xảy ra với hệ thống phòng ngự và hỗ trợ phòng ngự của Italia? Hai bàn thua ở trận gặp Haiti ngay trước Confed Cup là một thảm họa thực sự, nếu xét việc các trung vệ Italia đã chơi mất tập trung thế nào ở những phút cuối.
Hàng phòng ngự trứ danh của người Ý đã sụp đổ dưới gót chân Brazil |
Thể lực là vấn đề lớn
Ở trận ra mắt giải với Mexico, họ chỉ thủng lưới một bàn từ chấm phạt đền, nhưng đã chơi chông chênh trong nhiều tình huống không thực sự bị dồn ép quá mức. Với Nhật Bản là cả một cơ cấu phòng ngự tan nát trong nửa tiếng đầu trận, khi đối phương đẩy cao nhịp độ tấn công từ khi bóng lăn.
Với Brazil, là rất nhiều những khoảng thời gian mà họ phòng ngự trễ nải không thể tưởng tượng nổi, khi các trung vệ của Juve (Bonucci và Chiellini) không theo được các tiền đạo vàng-xanh, các tiền vệ phòng ngự không ngăn cản được những pha xuyên phá của họ. Chẳng lẽ Italia lại trở thành một đội bóng phòng ngự khiêm tốn đến thế ư?
Tình trạng thể lực của các cầu thủ có thể được coi là vấn đề lớn. Buffon đã từng ca cẩm rằng khoảng thời gian kể từ khi Serie A kết thúc cho đến khi Confed Cup bắt đầu quá dài, khiến các cầu thủ thiếu thực tiễn thi đấu và rớt về thể lực. Nhưng giải thích ấy rất khó chấp nhận, bởi các đội bóng có nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu tại giải này cũng trải qua tình trạng tương tự, nhưng không ai kêu ca điều ấy.
Sự mệt mỏi đã khiến Italia mất đi nhiều cầu thủ: Pirlo trước trận Brazil, Abate và Montolivo phải rời sân trong hiệp 1 trận đấu với Brazil vì chấn thương, El Shaarawy vẫn đang bị đau. Italia trở thành đội có nhiều cầu thủ bị thương nhất giải, khi Confed Cup mới đi được nửa đường. Công tác chuẩn bị thể lực của Italia rõ ràng rất có vấn đề. Prandelli từng bảo rằng việc thi đấu liên tục trong khí hậu nóng ẩm sẽ là phép thử tốt cho Itallia ở World Cup 2014. Ông đã có câu trả lời.
Khi hệ thống phòng ngự tan rã
Trên thực tế, đấy là phép thử cho công tác chuẩn bị của đội tuyển mà ông dẫn dắt. Đội Thiên thanh đã trải qua nhiều bài học về công tác này ở những World Cup xa châu Âu trong quá khứ. Họ đã kiệt sức ở Mexico ‘86 và bị loại ở vòng hai, chơi uể oải ở USA ’94, rời Hàn Quốc sớm năm 2002 và thảm bại tại Nam Phi 2010.
Nhưng Prandelli cũng đâu cần phải đến tận Brazil để có phép thử ấy. Ở Kiev năm ngoái, Italia đã bước vào trận chung kết mệt mỏi và tan nát như thế nào trước Tây Ban Nha. Ở Confed Cup, chính sự suy sụp về thể lực cùng với sự sụp đổ của cả hệ thống phòng ngự đã khiến Italia trả giá đắt. Việc từ bỏ sơ đồ 4-3-3 giàu sức tấn công để áp dụng 4-3-2-1 nhằm gia cố tuyến giữa và hàng thủ cũng không giúp Italia thủng lưới ít đi.
Đương nhiên, triết lí bóng đá của Prandelli không thuần chất phòng ngự Italia. Dưới tay ông, đấy là một thiên thanh nghiêng về tấn công, với khao khát tấn công lớn hơn tất thảy, và thực tế sân cỏ đã chứng minh điều đó cũng như tinh thần thi đấu của Italia ra sao. Việc ghi được 4 bàn vào lưới Nhật Bản trong hoàn cảnh bị dẫn trước hai bàn, những phản ứng mạnh mẽ trong trận đấu với Brazil cho thấy Italia có thể tấn công và ghi bàn vào lưới bất cứ ai.
Nhưng để chiến thắng, điều quan trọng là không được để thua nhiều hơn đối thủ. Sự sụp đổ hoàn toàn có thể xảy ra trong trận đấu ở bán kết, nhiều khả năng sẽ là với Tây Ban Nha. Một trận tái đấu cho EURO 2012, với những món nợ cần phải trả nay có nguy cơ sẽ không thành.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)