Trong áp lực phải chứng tỏ mình, Mancini đã cố gắng thay đổi Man City theo một hướng khác, và giờ đang phải trả giá vì chính những thay đổi ấy.
Mancini đã đoạt Cúp quốc gia với 4 CLB khác nhau, từ Italia sang Anh. 5 lần đoạt cúp cùng 4 lần VĐQG, chưa kể các Siêu Cúp... Tính trên số lần VĐQG ở các giải lớn trong 6 năm qua, chỉ Mourinho sánh được. Nói vậy có nghĩa, Mancini là HLV vĩ đại, ít ra là so với các đồng nghiệp trong thế hệ của ông?
Man City đang rối bởi những con tính phức tạp của HLV Mancini
Chưa chắc. Người ta không thể bỏ qua sự suy yếu của các đối thủ chính, vì scandal Calciopoli, khi Mancini vô địch Serie A với Inter Milan. Người ta cũng không bỏ qua “đặc ân” quá rõ của Mancini khi ông huấn luyện Manchester City, đó là hầu bao “không đáy”, khiến Mancini dễ dàng chiêu mộ lực lượng hùng hậu. Đấy là chưa kể, Man City chỉ đoạt được ngôi vô địch Premier League mùa trước nhờ vào kịch tính kỳ lạ vào giờ chót, khi mà chức vô địch có lúc đã nằm trong tay M.U.
Việc Man City phải vất vả chống đỡ ở Champions League suốt 2 mùa bóng gần đây góp phần củng cố cái nhìn mang tính nghi ngờ về năng lực thật sự của Mancini. Đấy có thể là một phần nguyên nhân thúc đẩy HLV Mancini tỏ rõ giá trị chuyên môn của mình bằng cách thay đổi Man City, từ hình ảnh đến nội dung, trong mùa bóng này.
Phải thay đổi, vì dấu ấn đến từ những sự thay đổi mang tính chuyên môn cao khi nào cũng làm cho số đông trong thế giới bóng đá khâm phục hơn cả. Nhưng thay đổi như thế nào, đấy lại là vấn đề mà Mancini vẫn đang loay hoay trong mùa bóng này. Có lúc, ông chuyển sang chơi với 3 hậu vệ. Có lúc, ông chủ trương hướng Man City đến việc giữ bóng nhiều, chuyền ngắn, chơi thiên về công. Đại khái là Mancini đang cố gắng tạo dựng một Man City khác hẳn mùa trước, theo hướng đẹp hơn, cầu kỳ hơn, thuyết phục hơn.
Trên bề mặt, người ta chỉ thấy đội bóng của Mancini thiếu hẳn sự chắc chắn, ổn định mà họ đã có trong mùa trước. Đấy là hệ quả tất yếu, sau khi đội đã bán Nigel de Jong - cầu thủ già dặn kinh nghiệm nhưng đã trở nên thừa thãi trong cách chơi mới của Mancini. Joleon Lescott nói riêng và hàng thủ Man City nói chung sa sút cũng vì Mancini đã thay đổi công thức phòng thủ (mùa trước, Lescott cực kỳ ăn ý với Vincent Kompany trong cặp trung vệ “cổ điển” của hàng thủ 4 người).
Mùa trước, Man City vô địch Premier League với 29 bàn thua trong 38 vòng, ít nhất giải, và ít hơn rất nhiều so với số bàn thua của các đối thủ chính. Khi ấy, M.U thủng lưới 33 bàn, Arsenal 49 bàn, Tottenham 41 bàn, Newcastle 51 bàn và Chelsea 46 bàn. Bây giờ, Man City thủng lưới 9 bàn sau 9 vòng đấu, ngang với Chelsea và nhiều gấp rưỡi Arsenal.
Thật ra, Man City mùa này không hẳn là đã thất bại, nhưng đang thua hẳn chính họ trong mùa bóng trước. Mặt khác, kể cả khi thành công thì đấy cũng chỉ là thành công do những cá nhân xuất sắc mang về, hơn là do lối chơi đồng đội (nhuần nhuyễn thế nào được, khi tất cả chỉ đang ở trong giai đoạn thử nghiệm và xây dựng). Ở đấu trường quốc nội, Man City có thể đối phó với Southampton, QPR hoặc West Brom chỉ bằng đẳng cấp cao của những cá nhân trong đội. Nhưng khi bước ra Champions League, gặp các nhà vô địch của TBN, Hà Lan, Đức, thì đội bóng của Mancini lại thua tan tác. Vì đấy không còn là nhà vô địch Premier League 2012 nữa, mà chỉ là một Man City đang cố loay hoay thay đổi chính mình.
Liệu đã đến lúc Mancini nói riêng cũng như Man City nói chung quay lại với sự đơn giản vốn có của chính họ trong mùa bóng trước.
Một góc nhìn khác: Vấn đề trường phái
HLV Mancini xuất thân từ Coverciano - trường “đại học bóng đá” có thể xem là nổi tiếng nhất thế giới, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến chiến thuật. Một ví dụ nhỏ: tuy nổi tiếng về các bài bản chiến thuật phòng ngự, nhưng Mancini lại là tác giả của một công trình nghiên cứu về “Il Trequartista”, mổ xẻ tường tận vai trò của vị trí tiền vệ công, phía sau cặp tiền đạo. Một mặt, Mancini có thể huấn luyện đội bóng của mình theo bất cứ sơ đồ chiến thuật nào. Mặt khác, cầu thủ Italia lại có đặc điểm là cũng rành rẽ mọi yêu cầu khác nhau về mặt chiến thuật của các vị trí khác nhau. Ở Premier League, Mancini va vấp khi thay đổi lối chơi vì các cầu thủ ở Premier League không quen với việc thi đấu theo những chiến thuật thay đổi xoành xoạch. Quan trọng hơn, báo chí và khán giả Anh cũng không quen với kiểu thay đổi như thế. Dân Anh xem bóng đá để giải trí chứ đâu phải để thưởng thức chiến thuật! Đấy là khác biệt thuộc về trường phái.
Kinh Thi - Bongdaplus.vn